Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 16/03/2016

Rượu bia, thuốc lá kéo lùi thanh niên Việt Nam

Rượu bia, thuốc lá kéo lùi thanh niên Việt Nam

Biểu đồ so sánh giá bia, thuốc lá của VN với một số nước. Theo đó, giá hai mặt hàng có hại cho sức khỏe rất rẻ ở VN! Nguồn: Numbeo.com (chuyên thống kê về điều kiện sống ở các quốc gia)

* Thanh niên Việt Nam còn lâu mới “sánh vai” giới trẻ các nước

Đó là nhận định của ông Vũ Đăng Minh (vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ) từ báo cáo quốc gia về thanh niên mới đây cho thấy tố chất thể lực - đặc biệt sức bền và sức mạnh, tầm vóc - của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn thế giới, thua nhiều nước trong khu vực.

Ông Minh chia sẻ: Thật ra chúng ta đã nhìn thấy vấn đề này từ lâu chứ không phải bây giờ mới nêu ra. Nhận thức được tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe cho thanh niên, chiến lược phát triển thanh niên đã đưa ra hai nhóm giải pháp.

Đầu tiên là tăng cường đổi mới hoạt động thể chất và phong trào thể dục thể thao ở các trường chuyên nghiệp, phổ thông nhằm tạo điều kiện cho thanh thiếu niên tích cực tham gia hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện thể chất. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp về sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong thanh niên.

Tiếp đến, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã xây dựng “Đề án chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2010-2030”, với mục tiêu nâng chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam lên 168,5cm vào năm 2030 và nữ là 157,5cm ở độ tuổi 18.

* Các số liệu (chưa chính thức) cho thấy một tỉ lệ tương đối cao thanh niên Việt Nam hút thuốc lá và sử dụng rượu bia. Báo cáo quốc gia về thanh niên đưa ra giải pháp cho vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta đã có những chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá, chống lạm dụng bia rượu. Tuy nhiên hiệu quả còn mức độ. Nếu vẫn còn cách làm hành chính theo kiểu lập ban chỉ đạo thì rất khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Hiện vẫn chưa có chương trình nào đưa mô hình can thiệp điển hình có tác động hiệu quả đến nhóm đối tượng vị thành niên/thanh niên.

Đặc biệt, các mô hình can thiệp giúp trẻ vị thành niên/thanh niên cai nghiện thuốc lá và rượu là một mảng còn thiếu ở Việt Nam. Một điều tra vào năm 2010 cho thấy nhiều người đang hút thuốc muốn bỏ thuốc nhưng không thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ điều trị cai nghiện ở Việt Nam.

* Ở nhiều nước có quy định cấm bán thuốc lá, rượu bia cho trẻ vị thành niên và các quy định này được thực hiện nghiêm túc. Còn ở ta, ông nghĩ sao?

- Việc sử dụng rượu bia còn là câu chuyện văn hóa, ví dụ ở các tỉnh miền núi thì nhiều nơi đã thành tập quán, không muốn uống không được.

Còn ở đô thị, theo kết quả tham vấn cộng đồng về lạm dụng bia rượu ở Việt Nam do Viện Xã hội học thực hiện thì người dân mua rượu bia còn dễ hơn cả mua xăng, 45% hộ gia đình có sẵn rượu bia trong nhà. Như vậy đây là vấn đề phải tiếp cận từ góc độ thay đổi thói quen, tập quán và văn hóa của cả xã hội.

Kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tác hại của thuốc lá, chống lạm dụng rượu bia cho thấy nhiều nước có quy định cấm rất rõ ràng, kèm theo chế tài mạnh chứ không chỉ đặt ra quy định cho có.

Một số biện pháp đã được các chuyên gia đề xuất như hạn chế sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh rượu bia; hạn chế điểm bán, giờ bán; tăng thuế liên quan đến rượu bia, thuốc lá, đồng thời đẩy mạnh chống buôn lậu các mặt hàng này...

Tôi nghĩ giải pháp không thiếu, quyết tâm chính trị đã có, việc cần thiết bây giờ là cụ thể hóa thành quy định pháp luật và triển khai nghiêm túc.

Hiện chúng tôi đang đề xuất xây dựng bộ chỉ số thanh niên, về phương pháp tương tự như bộ chỉ số cải cách hành chính, qua đó để đo lường được mức độ thực hiện chính sách phát triển thanh niên của các tỉnh thành, tỉnh nào tốt, tỉnh nào yếu và nếu yếu phải có chấn chỉnh.

TheoTuoitre

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready