Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước (Ảnh: KT) 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua một chặng đường vẻ vang, xây dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng dân, không ngừng lớn mạnh và phát triển, ngày càng khẳng định vững chắc, vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trong mỗi giai đoạn thăng trầm của cách mạng, Quốc hội giúp khơi dậy ý chí và tinh thần đoàn kết trong toàn dân, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Trong suốt 70 năm qua, Quốc hội đã thực hiện xuất sắc chức năng lập hiến, lập pháp. Kể từ Quốc hội khoá I cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (chưa kể các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung), 387 Bộ luật, luật, ban hành 628 nghị quyết và 220 pháp lệnh. Đây là những con số ấn tượng, là cơ sở chính trị pháp lý quan trọng, thể hiện trí tuệ, sự tận tuỵ và tinh thần trách nhiệm cao của những nhà lập pháp, phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho sự phát triển nền dân chủ XHCN, phục vụ sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên cũng là dịp Quốc hội nước ta đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 dự kiến vào ngày 22/5/2016.

Đồng thời đề nghị, các đại biểu tham gia hội thảo sẽ trao đổi, thảo luận và từ những bài học kinh nghiệm lịch sử của 70 năm, đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong những nhiệm kỳ tiếp theo, để Quốc hội luôn xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.

Tham gia Hội thảo, các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, đại diện các bộ, ban, ngành hữu quan đã thảo luận, trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được, những đóng góp to lớn của Quốc hội vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, bất cập cũng như những thách thức đối với hoạt động của Quốc hội trước đòi hỏi ngày càng cao của Nhân dân và trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp 2013, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Là người đầu tiên phát biểu tại Hội thảo, dưới góc độ của chuyên gia sử học, theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội (2/3/1946), nội dung quan trọng nhất là dàn xếp được sự hợp tác với các phần tử của các tổ chức như Việt Quốc, Việt Cách... nhằm thực hiện một khối thống nhất rộng rãi.

Kỳ họp thứ 2, khai mạc ngày 23/10 và kéo dài cho đến 9/11/1946, với chương trình nghị sự quan trọng nhất là thông qua được bản Hiến pháp đầu tiên, Bộ luật Lao động, nội quy và thông qua các báo cáo, trong đó có đề nghị của đại biểu tỉnh Rạch Giá Nguyễn Văn Tạo thay mặt các đại biểu Nam bộ đề nghị, suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Người công dân số 1” của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đề nghị này được mọi người tán đồng nhiệt liệt. Nhưng không khí sôi nổi hơn cả khi các đại biểu chất vấn và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền Trần Huy Liệu trả lời các câu chất vấn về việc một số đại biểu nêu việc thay đổi Quốc kỳ; về câu hỏi của một đại biểu thắc mắc vì sao Uỷ ban Thường trực lại xếp khối đại biểu của Việt Quốc sang phía cực hữu, ông Trần Huy Liệu cho biết: Vấn đề là đường lối chính trị chứ không phải chỗ ngồi trong Quốc hội.

Chủ tịch Quân uỷ hội Võ Nguyên Giáp trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề quân sự.

Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hoè trả lời các câu chất vấn về việc áp dụng luật của Việt Nam đối với người ngoại quốc, tài sản của người Pháp và về tội hối lộ....

Bộ trưởng Kinh tế Chu Bá Phượng thì bị các đại biểu “chê” là lúng túng khi trả lời chất vấn. Bí quá ông bèn mời các vị chất vấn có dịp sang bộ của ông, ông sẽ trình sổ sách giấy tờ... Đến lượt Bộ trưởng Y tế Hoàng Tích Trí “bị” các đại biểu như Đoàn Trọng Truyến, Nguyễn Thị Thục Viên, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hồ Đức Thành chất vấn cũng lúng túng trả lời không rõ ràng.

Bộ trưởng cuối cùng là người đứng đầu Bộ Giáo dục Ca Văn Thỉnh trả lời xoay quanh các câu hỏi về chính sách văn hoá, những ngành học đặc biệt và nền giáo dục tiểu học.

“Ngót 70 năm sau, đọc lại tường thuật phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội mới thấy giá trị của cái nền móng truyền thống của thế hệ những người gây dựng nền Cộng hoà Dân chủ quý giá đến dường nào. Cho dù Quốc hội và thể chế dân chủ của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng có những giá trị mà đến nay ta còn phải phấn đấu nhiều mới nối gót được người xưa” – ông Dương Trung Quốc kết thúc phần tham luận của mình.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nhìn lại những thành tựu của Quốc hội Việt Nam trong 10 năm từ 2005-2015. Theo ông, trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, chưa có thời kỳ nào mà số lượng các dự án luật được ban hành như thời kỳ đổi mới, nhất là 10 năm trở lại đây. Chỉ riêng từ tháng 5/2005-6/2015, quốc hội đã thông qua 238 Luật và pháp lệnh. Trong số đó, có nhiều luật rất mới lần đầu tiên được ban hành ở nước ta như trong lĩnh vực kinh tế có luật thuế thu nhập cá nhân, luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, luật quản lý nợ công...

Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, GS.TS Trần Ngọc Đường đánh giá từ chỗ chỉ dựa trên tinh thần và nội dung của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội với những quy định chung, chưa cụ thể đến chỗ hoạt động giám sát được căn cứ vào một đạo luật với những quy định chi tiết, chặt chẽ từ việc xây dựng chương trình kế hoạch giám sát 6 tháng, hàng năm đến các quy định về chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức và cách giám sát... Đặc biệt, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội được tiến hành trong không khí ngày càng dân chủ, cởi mở và trách nhiệm. Nhờ đó mà các đại biểu thực hiện quyền chất vấn càng ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt và có mong muốn đi đến cùng vấn đề mình đặt ra. Người có nghĩa vụ trả lời chất vấn đã có ý thức hơn trong việc nâng cao năng lực và trách nhiệm trước nhân dân và trước đại biểu.

Tuy vậy, theo ông, trước nhiệm vụ xây dựng một Quốc hội mạnh, thực thi đầy đủ, đứng đắn nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo luật định thì Quốc hội các khóa tới cần khắc phục tình trạng giám sát dàn trải theo chiều rộng mà thiếu chiều sâu; nâng cao chất lượng của các kiến nghị giám sát; gắn giám sát với hoạt động lập pháp...

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam bảo đảm theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; vai trò của Quốc hội trong cải cách thể chế.../.

Theo dangcongsan