Quên bảo tồn kiến trúc xưa
Nhà thờ Đức Bà, TP.HCM - Ảnh: D.Đ.M
|
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn rất ngạc nhiên khi quay trở lại ngôi nhà số 8 Cửa Nam, Hà Nội. Năm 2013, ông đã nghiên cứu, chụp ảnh để làm triển lãm về sự thay đổi của những ngôi nhà Pháp tại Hà Nội. Ngôi nhà ở Cửa Nam này vốn được xây năm 1920, chủ nhân là bà Vũ Thị Bông vừa ở vừa mở cửa hàng vàng bạc tại đó. Những người Pháp đã thiết kế ngôi nhà này. “Nhưng giờ đây ngôi nhà thay đổi nhiều”, ông Sơn nói và cho biết không chỉ ngôi nhà bị biến hình, nhiều kiến trúc thời Pháp ở Hà Nội cũng đã mai một, tiều tụy cho đến mất hẳn.
Không danh phận và... biến mất
Năm 1995, một đơn vị nghiên cứu kiến trúc ở Toulouse (Pháp) đã làm một danh sách đình, đền chùa, nhà cửa cần gìn giữ tại Hà Nội. Lúc đó, có khoảng hơn 1.081 đơn vị kiến trúc như vậy. Nhưng đến năm 2005 họ làm lại thì còn khoảng hơn 300 nhà cửa như vậy thôi. “Tiếc là nhiều ngôi nhà này chẳng có danh phận gì, rồi biến mất. Không phải di sản văn hóa, cũng không thuộc công trình kiến trúc thời Pháp cần bảo tồn. Khi nhìn lại tư liệu ảnh mới thấy biến đổi khủng khiếp”, ông Sơn ngậm ngùi.
ĐH Tổng hợp Hà Nội cũng là một công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu tại thủ đô
- Ảnh: Ngọc Thắng |
Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, một số căn nhà Pháp cũ tại Hà Nội còn bị chia nhỏ. Thậm chí, nó còn bị biến tướng thành nhà tập thể, chung cư mini giữa lòng Hà Nội đông đúc. Chưa kể, theo ông Thế, có những bộ phận kiến trúc rất cần được gìn giữ. Tấm tranh kính màu ở một ngôi nhà trên phố Tràng Thi là ví dụ như vậy. Tuy nhiên, khi sửa sang tòa nhà thành nơi kinh doanh dịch vụ, tấm tranh kính này đã bị đập bỏ.
Chính vì thế, theo kiến trúc sư Lê Việt Hà, Hội Quy hoạch đô thị, phải sớm lên danh sách các công trình kiến trúc cần được bảo tồn một cách triệt để hơn. Kèm theo đó là việc mau chóng tư liệu hóa các công trình kiến trúc này.
300 năm và quên lãng
Trước đây, nhân kỷ niệm Sài Gòn 300 năm (1698 - 1998), UBND TP.HCM đã giao cho Phó tiến sĩ - kiến trúc sư Lê Quang Ninh, lúc đó là Viện trưởng Viện Thiết kế xây dựng TP.HCM làm chủ nhiệm dự án “Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TP.HCM”. Sau gần 5 năm sưu tầm, tổ chức hội thảo và nghiên cứu, ông đã chọn ra danh mục 108 đối tượng cần được bảo tồn, chia làm các nhóm: Dinh thự (khu vực dinh Thống Nhất, trụ sở UBND thành phố, Thư viện Khoa học tổng hợp, Bưu điện thành phố, Tòa án nhân dân thành phố, trụ sở Hải quan, Sở Thương mại...); Biệt thự (khu vực đường Tú Xương, Q.3); Phố chợ cũ Sài Gòn; Trường học (Lê Quý Đôn, Marie-Curie, Lê Hồng Phong...); Bệnh viện (Trung tâm Mắt, Chợ Rẫy, Thống Nhất...); Công viên (Tao Đàn, Thảo cầm viên...); Chợ Bến Thành... Lãnh đạo UBND TP.HCM ra quyết định, nghiệm thu công nhận đề tài và đề nghị triển khai công tác bảo tồn đến các quận, huyện. Tuy nhiên, cho đến nay theo ông Lê Quang Ninh, dự án bảo tồn này không được thực hiện và ước tính có khoảng 1/4 các đối tượng dự định “chăm sóc” đã bị xóa sổ hoặc chịu ảnh hưởng do những thay đổi và sự phát triển của đô thị hiện đại.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa - Phó chủ tịch Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho rằng: Việc sơn sửa các công trình công cộng mang dấu ấn Sài Gòn phải vận dụng đúng các quy định của nhà nước. Quy chế quy hoạch, quản lý kiến trúc đô thị của Bộ Xây dựng đề cập rõ đến phần màu sắc. Đối với những công trình chưa được xếp hạng di tích cũng cần phải xem xét thấu đáo, tham khảo ý kiến hội đồng tư vấn TP về chuyên môn, phối hợp đồng bộ cùng chuyên gia về kiến trúc, văn hóa, khảo cổ, quy hoạch, Sở VH-TT... và khi nào được cơ quan chức năng của TP cho phép thì mới được thi công. Tuy nhiên, nhiều đơn vị nghĩ đơn giản chỉ quét vôi hay sơn lại, lấy lý do chưa được xếp hạng di tích nên tiến hành tự ý sửa chữa mà không xin phép là không đúng. Như vậy, để tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, vấn đề đặt ra cho TP.HCM là phải nhanh chóng công khai ngay những công trình còn sót lại vào danh mục xếp hạng để có điều kiện đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa việc bảo tồn, trùng tu trước khi quá muộn.
“Chúng tôi vẫn đang trong quá trình tập hợp những di tích để đưa vào danh sách xếp hạng nhưng chưa thể công bố vì dễ gây xáo trộn trong tâm lý người dân. Sắp tới, Trung tâm bảo tồn kiến trúc cảnh quan TP.HCM sẽ được thành lập để có cơ chế kiểm soát chặt chẽ vấn đề này”, ông Hòa nói.
Biệt thự xưa được người nước ngoài giữ kỹ
Giáo sư - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cũng tâm tư với thân phận những villa Pháp ở Hà Nội. Theo ông, do hoàn cảnh khách quan, chúng khó bề thoát khỏi sự xuống cấp kỹ thuật, biến dạng kiến trúc, sa sút thẩm mỹ. May mắn hơn cả là những biệt thự do các cơ quan ngoại giao nước ngoài sử dụng, có chủ hầu hết là người nước ngoài. Họ hiểu biết và có điều kiện duy trì, do đó biệt thự chẳng những không tàn phai mà còn ngời sáng. Một số tòa biệt thự khác đang dùng làm công sở ở Hà Nội thì biến dạng và xuống cấp do chúng không hề được thiết kế làm nơi ra vào của đám đông.
|
Theo thanhnien