Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 27/06/2017

Quan hệ hữu nghị giữa hai tỉnh đã có từ lâu, trong bài viết này tạm chia ra làm bốn giai đoạn:

Thời kỳ từ năm 1962 đến 1970

Năm 1962, khi cuộc chiến tranh ở miền Nam ngày càng ác liệt, một số người dân Việt Nam chạy lánh nạn bên đất bạn. Trong đó, có gần 1.000 người của tỉnh Quảng Đức sang lánh nạn ở tỉnh Mundulkiri và được nhân dân tỉnh bạn tận tình giúp đỡ về mọi mặt.

Từ năm 1965, được sự giúp đỡ của Campuchia, đường hành lang Trường Sơn chuyển sang đi trên đất huyện Páchchanđa, Ko Nhét của tỉnh bạn Mundulkiri. Tuyến đường hành lang này đã đưa hàng vạn cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam được an toàn.

Các cựu  chuyên gia giúp tỉnh Mundulkiri  thời kỳ  1979 - 1989.
Các cựu chuyên gia giúp tỉnh Mundulkiri thời kỳ 1979 - 1989.

Để kịp thời phục vụ cho hàng vạn cán bộ, bộ đội đi trên tuyến hành lang và các đơn vị đóng quân trên đất tỉnh bạn, Bộ Chỉ huy Miền thành lập Đoàn hậu cần 86 làm nhiệm vụ nhận hàng từ miền Bắc chi viện cho miền Nam qua cảng Sihanuoukville thông qua Đoàn 17 hậu cần của R (Trung ương Cục Miền Nam) giao bằng đường ngoại giao. Cụ thể là nhận hàng hóa,  thực phẩm, lương thực, thuốc men, vũ khí, đạn dược… đã được vận chuyển bằng xe ôtô, xe bò, xe thồ, voi đến tại khu vực núi Nậm Lia huyện Páchchanđa, Ô Răng và huyện Ko Nhét. Đoàn hậu cần 86 tiếp nhận để phục vụ cho lực lượng ta; đồng thời còn làm nhiệm vụ tổ chức thu mua lương thực, thực phẩm tại chỗ của nhân dân bạn phục vụ cho ta.

Thời kỳ từ 1970 đến 1975

Ngày 18-3-1970, được Mỹ hậu thuẫn, bọn Lon Nol, Siric Matak đã đảo chính lật đổ Chính phủ Hoàng gia Campuchia, truất phế Quốc vương Xihanuc. Sau đó, Mỹ - ngụy Sài Gòn đã đưa quân sang đánh phá đất nước Campuchia, trong đó có các huyện thuộc tỉnh Mundulkiri. Khi địch đánh sang Campuchia thì hơn 1.000 người Việt Nam đã chạy sang đất bạn năm 1962 lại chạy trở về và có một số người dân huyện Páchchanđa cùng chạy sang ta để lánh nạn.

Trước tình hình này, theo yêu cầu của lực lượng cách mạng Campuchia, quân đội Việt Nam (bao gồm cả lực lượng tỉnh Quảng Đức) đã sang giúp giải phóng 5 tỉnh vùng Đông Bắc Campuchia, trong đó có tỉnh Mundulkiri. Sau đó, ta giúp bạn tổ chức Đại hội Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước, rồi giao cho bạn, quân đội ta rút về nước. Riêng tại tỉnh Mundulkiri, Trung ương Cục Miền Nam thành lập Ban Liên lạc giúp tỉnh bạn do Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (tức Ba Cung), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đức làm Trưởng ban. Đồng thời, phái một tiểu đoàn bộ binh đặt tên là Đoàn Tây Sơn do đồng chí Ba Cung làm Chính ủy ở lại giúp bạn, đến năm 1975 thì rút về nước.

Thời kỳ từ 1975 đến 1989

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nước ta được thống nhất; tuy nhiên vào thời điểm này nước bạn phải trải qua thời kỳ hết sức khủng khiếp bởi họa diệt chủng của bọn Pôn Pốt. Cùng với cuộc thanh trừng nội bộ, thanh lọc nhân dân, diệt chủng chính dân tộc mình, Pôn Pốt chủ trương xâm lược Việt Nam, coi đây là mục đích chiến lược lâu dài của chúng. Vì vậy, sau khi tiến đánh hai đảo Thổ Chu, Phú Quốc, chúng tiến hành đánh phá các làng mạc Việt Nam trên dọc tuyến biên giới. Ngày 25-2-1976, chúng tiến đánh hai đồn 7, 8 khu vực Puprăng tỉnh Đắk Lắk. Vào dịp ta kỷ niệm 2 năm Ngày giải phóng miền Nam (30-4-1977), chúng mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.

Trước tình hình đó, thể theo yêu cầu của lực lượng cách mạng Campuchia, của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và từ yêu cầu bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của ta, ngày 23-12-1978, quân đội  ta, trong đó có lực lượng tỉnh Đắk Lắk đã mở đợt phản công tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng.

Sau đó đáp ứng yêu cầu của bạn, ta đã cử các Đoàn chuyên gia và các đơn vị quân tình nguyện sang giúp bạn. Đoàn chuyên gia của tỉnh Đắk Lắk giúp tỉnh Mundulkiri trong 10 năm (từ năm 1979 đến 1989) với tổng số 58 đồng chí thường xuyên có mặt làm nhiệm vụ. Và nếu kể cả số anh chị em được cử sang phục vụ các mặt như cơ yếu, thông tin liên lạc, lái xe, cảnh vệ, cấp dưỡng, y tế và phiên dịch thì có đến 300 đồng chí. Về quân sự có Đoàn 5502 quân tình nguyện và các đồng chí chuyên gia bao gồm sĩ quan quân đội và biên phòng. Đến tháng 10-1989, quân tình nguyện và chuyên gia của ta rút hết về nước.

Thời kỳ từ 1989 đến nay

Trong thời gian này, tỉnh Đắk Lắk (đến tháng 1-2004 tách thành 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông) tiếp tục hợp tác, giúp đỡ tỉnh Mundulkiri về mọi mặt. Quan hệ chính trị ngày càng phát triển thông qua các cuộc viếng thăm, làm việc giữa lãnh đạo hai tỉnh; các cuộc giao lưu của nhân dân, thanh niên hai tỉnh và với các huyện có chung đường biên giới. Cùng với việc củng cố và tăng cường quan hệ về chính trị là sự giúp đỡ, hợp tác, đầu tư. Tỉnh ta đã giúp bạn về lương thực, thực phẩm, hàng hóa, phân bón, giống cây con, làm đường sá, trợ giúp về y tế, thủy lợi, trường học cho đến xây dựng trụ sở cho chính quyền, lực lượng vũ trang tỉnh. Bên cạnh đó, Đắk Lắk xúc tiến đầu tư vào Mundulkiri: Công ty Cao su tỉnh triển khai thực hiện dự án trồng mới 5.000 ha cao su trên đất bạn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động của bạn.

Lãnh đạo UBND tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk và Ty Công an tỉnh Mundulkiri thực hiện nghi thức động thổ công trình đường điện thắp sáng cho 3 đồn cảnh sát bảo vệ biên giới Campuchia. Ảnh: Q. Anh
Lãnh đạo UBND tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk và Ty Công an tỉnh Mundulkiri thực hiện nghi thức động thổ công trình đường điện thắp sáng cho 3 đồn cảnh sát bảo vệ biên giới Campuchia. Ảnh: Q. Anh

Bên cạnh đó, hai tỉnh còn tham gia tích cực các hoạt động trong khuôn khổ tam giác phát triển. Tính đến nay đã ký kết 11 biên bản thỏa thuận với nhiều nội dung như phối hợp đầu tư xây dựng cửa khẩu; hợp tác phát triển kinh tế, giải quyết cho các doanh nghiệp Đắk Lắk được tiến hành khảo sát tại tỉnh Mundulkiri để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp; xây dựng thủy điện, mở tour du lịch; khảo sát đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực biên giới. Chỉ tính từ năm 1999 đến 2013, tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ cho tỉnh bạn 24,5 tỷ đồng.

Về công tác phân giới cắm mốc, hai bên đã khắc phục mọi khó khăn, kiên trì bàn thảo trên cơ sở các văn bản pháp lý mà hai bên cùng chấp nhận, bám sát thực tế nên đã đạt được kết quả mong muốn. Với việc trong tháng 5-2017 vừa qua tổ chức lễ khánh thành hai cột mốc 43 và 41, hai tỉnh đã hoàn thành công tác cắm mốc biên giới.

Ngoài ra một sự kiện đáng chú ý là theo chỉ đạo của Trung ương, tháng 8-2006, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia của tỉnh được thành lập và đã trải qua ba kỳ đại hội. Cùng với đó là sự hình thành Hội ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar; đặc biệt, chỉ riêng ở Đắk Lắk có tổ chức Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia trong Bộ đội Biên phòng. Về phía bạn, giữa năm 2011 đã lập Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam do chính ngài Tỉnh trưởng làm Chủ tịch. Từ ngày hình thành tổ chức Hội ở hai tỉnh, mối quan hệ giữa hai tỉnh càng có điều kiện thuận lợi để phát triển theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Theo baodaklak

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready