PHÁT HUY TRÁCH NHIỆM CỦA THANH NIÊN TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
THANH NIÊN – TRỌNG ĐIỂM TẤN CÔNG CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Ở Việt Nam, thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi chiếm khoảng 30% dân số. Đây là lực lượng dân cư có nhiều tiềm năng về sức khỏe, trí tuệ và khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước và quốc tế. Thanh niên Việt Nam nhìn chung đều có tinh thần nhiệt tình cách mạng, hăng hái, tiên phong, ham học hỏi, có óc sáng tạo, khi được dìu dắt, tập hợp dễ kết thành một khối thống nhất, đoàn kết. Tuy nhiên, do có những hạn chế nhất định về trình độ, kinh nghiệm sống nên thanh niên Việt Nam cũng dễ bị lôi kéo, kích động, dễ có có tâm lý chán nản, bi quan trước những thất bại, vấp ngã đầu đời. Những đặc điểm đó chính là cơ hội để các thế lực thù địch “để mắt” đến thanh niên.
Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đã luôn coi thanh niên là đối tượng chủ yếu để tuyên truyền, chống phá. Nếu như đối với các nước xã hội chủ nghĩa trước kia, các thế lực thù địch lợi dụng các hình thức truyền thống như tuyên truyền “rỉ tai” với mục đích “mưa dầm thấm lâu” bằng tờ rơi, báo chí, phát thanh… thì ngày nay, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng mạng xã hội để tấn công vào thanh niên.
Nhận thấy, thanh niên là lực lượng chủ yếu sử dụng Internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch đã ra sức đăng tải các bài viết, blog, hình ảnh, clip… trên các kênh Youtube, mạng xã hội để đưa các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống. Với cách kiểu “rỉ tai”, kích động, “sử dụng khoảng 50 đài phát thanh, truyền hình, gần 400 tờ báo, tạp chí tiếng Việt (trong đó có khoảng 10 tờ có nội dung rất phản động”, 66 nhà xuất bản để tuyên truyền, chống phá cách mạng Việt Nam, đưa một số lượng lớn tài liệu, sách báo, truyền đơn, băng hình… có nội dung phản động, đồi trụy vào Việt Nam, chỉ đạo bọn “bồi bút”, cơ hội viết nhiều bài xuyên tạc, bôi nhọ tình hình Việt Nam”(1).
Thực tiễn cho thấy, không ít thanh niên đã có những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, xa rời mục tiêu, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: “Do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, do sự bùng phát của lối sống thực dụng chạy theo danh lợi bất chấp đạo lý đã dẫn đến những tiêu cực trong xã hội ngày càng phổ biến. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục, sự chống phá của các thế lực phản động quốc tế nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đã tác động không nhỏ đến đời sống đạo đức công dân, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí phấn đấu của sinh viên, thanh niên trí thức. Hậu quả là đã có một bộ phận thanh niên, trong đó có không ít sinh viên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống thử, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào nghiện ngập, hút sách, thiếu trung thực, gian lận trong thi cử, chạy điểm, chạy thầy, chạy trường, mua bằng cấp. Đây là những biểu hiện không thể coi thường”(2). Thực trạng này không chỉ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, tương lai của thanh niên mà còn đe dọa trực tiếp đến tương lai của đất nước. Do đó, cần phải phát huy trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.
NHỮNG GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Để có thể phát huy được trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần chú ý đến những giải pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, tích cực tuyên truyền cho thanh niên về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hiện nay, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho thanh niênvề những nội dung Nghị quyết 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” thông qua những bài viết, bài nói chuyện, thông tin chuyên đề về Nghị quyết.
Chủ thể tuyên truyền có thể là Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; quan trọng nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên - những tổ chức chính trị - xã hội liên quan trực tiếp đến thanh niên. Các hình thức tuyên truyền cần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt gắn với đặc điểm thanh niên ở mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi vùng, miền để thu hút sự quan tâm, chú ý của thanh niên; giúp cho thanh niên hiểu đúng, hiểu đủ tinh thần của nghị quyết và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Thứ hai, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho thanh niên về việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ hết sức khó khăn vì “địch đứng trong bóng tối, ta đứng ngoài ánh sáng; địch có năm bảy kẻ thù với nhiều âm mưu, thủ đoạn, được sự hậu thuẫn của tài chính, khoa học - kỹ thuật còn ta vẫn chỉ là một nước đang phát triển”(3). Do đó, để phát huy được vai trò, trách nhiệm của thanh niên, trước hết, cần tăng cường giáo dục cho thanh niên những kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để thanh niên vững tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Ngoài ra, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng cho thanh niên về việc nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng bởi đây là môi trường chống phá chính của các thế lực hiện nay.
Thứ ba, có cơ chế, chính sách trong việc huy động thanh niên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là mộtnhiệm vụ rất khó khăn nhưng nhìn chung những điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế như “chưa có cơ chế, chính sách hữu hiệu về vật chất, tinh thần thỏa đáng để thu hút đông đảo lực lượng tham gia đấu tranh”(4). Do đó, để phát huy được vai trò, trách nhiệm của thanh niên, cần có cơ chế, chính sách để huy động thanh niên như đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật để phục vụ cho việc rà quét, phát hiện, bóc gỡ, xử lý các thông tin xuyên tạc, sai trái; có cơ chế tài chính, cơ chế đảm bảo an toàn cho thanh niên khi thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư,phát huy vai trò của tổ chức Đoàn các cấp trong việc định hướng tư tưởng chính trị cho thanh niên. Hiện nay, phần lớn thanh niên đều sử dụng Internet và mạng xã hội nên dễ dàng tiếp xúc với những thông tin trái chiều, có nội dung chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch . Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng kiên định hoặc nhận thức đúng bản chất của những thông tin đó nên không ít thanh niên dễ bị lôi kéo, kích động. Do đó, tổ chức Đoàn các cấp cần chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của thanh niên; từ đó có những biện pháp, cách thức định hướng tư tưởng chính trị cho thanh niên; tránh cho các thế lực thù địch, phản động có cơ hội lôi kéo, mua chuộc thanh niên đồng thời kịp thời tuyên truyền, giáo dục, uốn nắn những thanh niên có biểu hiện tư tưởng lệchlạc, có xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ năm, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, mỗi thanh niên cần ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để phát triển tư duy lý luận của mình, khắc phục triệt để tình trạng “lười” học tập lý luận chính trị, hoặc học tập một cách đại khái, qua loa, đối phó… Việc trang bị cho mình những kiến thức lý luận chính trị cũng là một cách thức hữu hiệu để tăng cường khả năng “miễn dịch” trước sự lôi kéo, chống phá của các thế lực thù địch; góp phần tích cực vào việc bảo vệ nền tảng lý luận của Đảng hiện nay.
Ngoài ra, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, mỗi thanh niên cũng phải không ngừng bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng thực tiễn sinh động, bằng những tri thức khoa học mới. Muốn bảo vệ một cách đúng nghĩa nhất phải thực sự sử dụng vũ khí tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải phát huy sức mạnh thế giới quan và phương pháp luận của nền tảng tư tưởng trong hoạt động thực tiễn; từ đó tăng cường khả năng “miễn dịch”, nâng cao “sức đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Như vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, và toàn quân, trong đó có đội ngũ thanh niên - chủ nhân tương lai của nước nhà. Đây tuy là nhiệm vụ rất khó khăn, nhiều thử thách nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và bằng lý tưởng, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của thanh niên, nhiệm vụ này sẽ tiếp tục dành được những thắng lợi to lớn, tiếp nối truyền thống vẻ vang hơn 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam và truyền thống 90 năm của Đoàn Thanh niên Cộng sảnHồ Chí Minh.
Theo Tuyengiao.vn