Phát hiện dấu tích kiến trúc cung điện thời Trần
Một trong 6 hố khai quật xác định hành cung thời Trần tại Hưng Hà, Thái Bình - Ảnh: Hoàng Long
|
Sau hơn một tháng làm việc, các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng trăm hiện vật, di vật mang dấu tích của kiến trúc cung điện thời Trần. Từ các phát hiện ban đầu, các nhà khảo cổ học đã quyết định đào 6 hố khai quật ở 2 vị trí là khu vực đền Trần (Thái Lăng) và khu vực lăng Ngói (xã Hồng Minh, H.Hưng Hà). Tại đây phát hiện được một phần nền móng của các công trình kiến trúc gỗ thời Trần khi xây dựng hành cung Lỗ Giang thế kỷ 13 - 14. Các dấu vết bó nền, móng trụ và sân gạch tìm thấy ở hố H1 và H4 là của một công trình kiến trúc rất độc đáo, có mặt bằng lớn, nằm theo chiều Đông Tây, hai bên có sân gạch được xây dựng rất qui chuẩn theo kiến trúc cổ.
Đặc biệt, tại 6 hố khai quật đã phát hiện hàng trăm di vật, hiện vật mang giá trị biểu trưng vương quyền như hàm rồng, mai rồng, riềm mái hình lá đề có hình rồng. Ngoài ra, còn có nhiều đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như bát, đĩa bằng chất liệu sành, sứ, gốm… Các hiện vật, di vật được tìm thấy sớm nhất có niên đại thế kỷ 13, ngoài ra có niên đại thời Lê sơ, thời Mạc, thời Lê Trung Hưng…Điều này cho thấy, đây là quá trình phát triển liên tục, không đứt đoạn và được kế thừa, phát triển qua các triều đại phong kiến.
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, kiến trúc tại đây cho thấy giống như kiến trúc cung điện trong Hoàng thành Thăng Long. Nổi bật là đã tìm thấy các loại ngói mũi sen lợp diềm mái, các loại ngói úp nóc hay bờ dải trang trí hình rồng, cùng với đầu rồng là những biểu hiện đặc trưng thường gặp trong các cuộc khai quật di tích khu vực đền Trần. “Các hiện vật cho thấy, đây là một trong những kiến trúc hoàng gia thuộc triều đại nhà Trần, có niên đại kéo dài từ thế kỷ 13 sang thế kỷ 14”, ông Trí khẳng định.
Kết hợp với các nghiên cứu trước đây và các nguồn sử liệu lịch sử, bước đầu các nhà khảo cổ xác định khu vực đền Trần (Thái Lăng) hiện nay, chính là hành cung Lỗ Giang dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông. Sau đó được đổi tên thành hành cung Kiến Xương vào thời vua Trần Hiển Tông.
Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết kết quả khai quật trên đã cung cấp những cơ sở dữ liệu quan trọng cho công tác nghiên cứu so sánh, đánh giá và lập hồ sơ khoa học về di tích, di vật thời Trần.
Theo thanhnien