|
Ông Jairo Acuna-Alfaro, Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình phát triển LHQ, phát biểu như vậy tại Hội thảo bàn tròn “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng ở VN” diễn ra vào ngày 28.10 tại Hà Nội. Hội thảo do Thanh tra Chính phủ và Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức nhằm chuẩn bị cho cuộc đối thoại Phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13 giữa VN và các nhà tài trợ quốc tế diễn ra vào tháng 11 tới.
Tỷ lệ thu hồi chỉ đạt 22,3%
|
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thừa nhận trong PCTN khuôn khổ pháp luật dù đã tương đối toàn diện nhưng hiệu quả trên thực tế còn nhiều hạn chế, nhất là thu hồi tài sản tham nhũng. Năm 2014, kết quả thu hồi tài sản về ngân sách nhà nước khoảng 1.500 tỉ đồng/6.740 tỉ đồng thiệt hại trong các vụ án tham nhũng (đạt tỷ lệ 22,3%).
Ông Trương Minh Mạnh, Phó vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng - Viện KSND tối cao, đưa ra con số tổng hợp phát hiện, xác định và thu hồi tài sản tham nhũng từ ngày 1.10.2010 đến 30.4.2013 cho thấy: Tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện là khoảng 17.000 tỉ đồng, nhưng tổng số tiền thu hồi được chỉ khoảng gần 5.000 tỉ đồng (chưa được 1/3).
Theo ông Mạnh, việc điều tra, phát hiện và xác định tài sản bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại do tham nhũng gây ra chưa đầy đủ so với thực tế hoặc có xác định được số tài sản, tiền đã bị tham ô, chiếm đoạt nhưng không thu giữ được do bị tẩu tán.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tú, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp, cho rằng trên thực tế tài sản do tham nhũng mà có thường được các đối tượng phạm tội cất giấu, chuyển hình thức sở hữu (cho người thân, hoạt động rửa tiền, mua sắm phương tiện vật chất có giá trị khác...), nhưng bộ luật Tố tụng hình sự chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi tài sản nói chung, tài sản tham nhũng nói riêng, dẫn đến chưa phát huy được trách nhiệm của cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng.
Chồng chéo, không rõ ràng
Ông Jairo Acuna-Alfaro nhận xét hệ thống pháp luật về PCTN của VN dù có nhiều biện pháp để phòng ngừa, nhưng lại thiếu chế tài xử lý vi phạm. “Nếu sử dụng ngôn ngữ đời thường, thì hiện nay pháp luật PCTN có thể ví như “một con hổ không răng” do thiếu nội lực đủ mạnh để thực sự mang tính răn đe, và hiệu lực trong thực tiễn”, ông Jairo Acuna-Alfaro nói.
Cũng theo ông, PCTN tại VN hiện có những tồn tại được coi như là các “nút thắt cổ chai” cần được tháo gỡ. Trong đó có quá nhiều cơ quan chuyên trách PCTN tại các cơ quan Đảng, Chính phủ trong khi chức năng nhiệm vụ bị chồng chéo hoặc không rõ ràng. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế nội bộ kiểm soát trong các cơ quan PCTN hoặc thiếu sự giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan PCTN.
Đại diện Đại sứ quán Thụy Sĩ tại VN cũng bày tỏ quan điểm mô hình tổ chức bộ máy của VN mang tính chất liên ngành nên nhiều khi tạo ra sự “lẫn lộn bối rối”, do đó cần phải có một cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan này phải độc lập về chức năng, không e dè nể sợ bất cứ ai.
Ông Chris Batt, Cố vấn Ngân hàng Thế giới, cũng khuyến nghị cơ quan chức năng nên nghiên cứu để thành lập cơ quan chuyên trách về thu hồi tài sản tham nhũng để tập trung sức lực, vật lực cho việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Dân chưa “mặn mà” Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã tập trung vào nội dung khuyến khích người dân tham gia PCTN. Đáng chú ý, ông Jairo Acuna-Alfaro đưa ra một khảo sát mới cho thấy có tới 89% người dân không sẵn sàng tố giác hành vi vòi vĩnh đòi hối lộ, chỉ có 8% nói sẵn sàng tố giác. “Khả năng người dân nghĩ rằng họ chưa tin vào các cơ quan PCTN”, khảo sát này đưa ra nhận định. Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục PCTN, Thanh tra Chính phủ, cho rằng không thấy có căn cứ để nói trên 50% người dân không tố cáo vì không mang lại lợi ích gì theo như khảo sát. Tuy nhiên đại diện Ngân hàng Thế giới tại VN ủng hộ khảo sát trên khi cho rằng trong một cuộc khảo sát của cơ quan này phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiến hành năm 2012 cũng đã đưa ra thông tin hơn 50% người được hỏi không tố cáo là do sợ bị trả thù, sau đó là tới việc giải quyết khiếu nại tố cáo chưa đến nơi đến chốn, thiếu khách quan. Còn chuyện tố cáo để được nhận thưởng được người dân lựa chọn rất ít. Cũng theo Đại diện Ngân hàng Thế giới, trong vòng 3 - 5 năm tới Chính phủ cần xác định các biện pháp trọng tâm, việc lựa chọn quá nhiều giải pháp, nhiều mũi nhọn sẽ trở thành “chiến lược quả mít” thiếu tính hiệu quả. |
Theo thanhnien