Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 08/03/2022

PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM “ĐẢNG KHÔNG NÊN LÃNH ĐẠO KINH TẾ”

PHẢN BIỆN HAY PHẢN BỘI?

Từ lúc chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, lợi dụng việc góp ý văn kiện, một số người đã “phản biện” quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ nên tập trung lãnh đạo chính trị, không nên lãnh đạo kinh tế”; “Đảng chỉ nên tự khuôn mình trong phạm vi “chính trị”, còn kinh tế là địa hạt của giới kinh doanh”...

Hai năm gần đây, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam chững lại, một số người lại đổ lỗi cho “Đảng Cộng sản Việt Nam không biết lãnh đạo kinh tế”, họ lại tiếp tục “phản biện” trên các mạng xã hội, trả lời báo chí nước ngoài rằng: “Đảng không nên “lấn sân” của Quốc hội, Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế” và “khuyến nghị”: “Trong lĩnh vực kinh tế, đã có Quốc hội ban hành pháp luật và giám sát tối cao, đã có Chính phủ quản lý điều hành, không cần Đảng lãnh đạo”... Đó là những quan điểm sai lầm, lợi dụng phản biện để phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân.

Thực tiễn đã khẳng định kinh tế và chính trị có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, quy định và chế ước lẫn nhau. Trên thế giới hiện nay, không có đảng phái chính trị nào không gắn kết với kinh tế. Lênin đã từng chỉ ra rằng, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, là kinh tế cô đọng lại.

Kinh tế quyết định chính trị, chính trị phản ánh kinh tế, nhưng chính trị không thụ động trước kinh tế, mà có vai trò tác động trở lại với kinh tế hoặc tích cực, thúc đẩy kinh tế phát triển, nếu là chính trị đúng đắn, sáng suốt; hoặc tiêu cực, kìm hãm sự phát triển kinh tế và xã hội, nếu là chính trị sai lầm.  

Các đảng lớn của các nước tư bản phát triển đều đưa ra đường lối chính trị, dẫn dắt sự phát triển xã hội theo lý tưởng, mục tiêu đã lựa chọn. Trong đường lối chính trị đó đều có đường lối phát triển kinh tế.

Thực tiễn tại Việt Nam trong thế kỷ qua cho thấy, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Cũng có lúc Đảng ta có sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo kinh tế, nhưng trong suốt 92 năm qua, chưa bao giờ Đảng ta xem nhẹ, buông lỏng vấn đề lãnh đạo kinh tế.

Nhờ chú trọng lãnh đạo kinh tế, bảo đảm sự đúng đắn và nhất quán về quan điểm chính trị trong lãnh đạo kinh tế mà Đảng ta đã nhanh chóng sửa chữa được khuyết điểm, giải quyết thành công nhiều nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế quan trọng, nhất là hơn 35 năm qua thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. 

KHẮC PHỤC NHỮNG KHUYẾT TẬT CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Để “chứng minh” rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không nên lãnh đạo kinh tế”, một số người xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta, họ cho rằng “không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)”; “KTTT, các quy luật của KTTT và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng XHCN vào KTTT là sự gán ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn”...

Có lẽ những người nói trên đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu bản chất của cơ chế thị trường và những khuyết tật của KTTT. Nguồn gốc và bản chất của KTTT là kinh tế hàng hóa; các phạm trù giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ, các quy luật cạnh tranh, quy luật cung-cầu, quy luật giá trị của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù và quy luật của KTTT.

Các phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản (CNTB), được CNTB nắm lấy, sử dụng để phát triển thành KTTT tư bản chủ nghĩa. Trải qua thời gian, KTTT tư bản chủ nghĩa cũng có nhiều biến đổi. Thời kỳ đầu khi mới ra đời, KTTT tư bản chủ nghĩa là KTTT tự do cạnh tranh, chưa có sự can thiệp của nhà nước.

Sự điều tiết của “bàn tay vô hình” của thị trường đã đưa đến nhiều hệ quả tiêu cực, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ, nảy sinh ra nhiều khuyết tật của cơ chế thị trường, đòi hỏi phải có bàn tay quản lý của nhà nước.

Ngày nay, nền KTTT hiện đại của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền KTTT có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, vừa có điều tiết bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước; trong đó, điều tiết của thị trường là cơ sở, nền tảng và điều tiết của nhà nước trên cơ sở tôn trọng điều tiết của thị trường (công cụ quản lý, điều tiết kinh tế của nhà nước là luật pháp, chính sách và các nguồn lực kinh tế của nhà nước).

Thực tế cho thấy, KTTT có sự quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới không phải hoàn toàn giống nhau, mà có nhiều mô hình khác nhau, tùy thuộc vào mức độ can thiệp và nội dung, định hướng can thiệp của nhà nước.

Có mô hình KTTT tự do ở những nước mức độ can thiệp của nhà nước vào kinh tế thấp; nhà nước chỉ bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, tự do kinh doanh, bảo đảm trật tự, ổn định xã hội, còn để phạm vi điều tiết của thị trường lớn, điều tiết mọi hoạt động kinh tế.

Có mô hình KTTT xã hội, nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để tạo cơ hội như nhau cho mọi người tham gia phát triển và hưởng thành quả phát triển, chống lại độc quyền, phát triển kinh tế theo định hướng xã hội (như ở Đức).

Có mô hình KTTT phúc lợi xã hội, nhà nước can thiệp vào nền kinh tế để điều tiết thu nhập, phát triển các dịch vụ xã hội công, bảo đảm phúc lợi cho người dân, đặc biệt là những người cần được trợ giúp là trẻ em, người già, người thất nghiệp... (như ở các nước Bắc Âu). Có mô hình KTTT nhà nước phát triển, nhà nước không chỉ tạo thể chế, môi trường cho các chủ thể kinh tế hoạt động, mà còn có chiến lược, chính sách và sử dụng các nguồn lực kinh tế của nhà nước để định hướng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế (như ở Nhật Bản, Hàn Quốc)...

Phát triển KTTT định hướng XHCN là sự lựa chọn đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm hạn chế những khuyết tật của KTTT. Định hướng XHCN của nền KTTT được bảo đảm bởi vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thể hiện ở hệ thống pháp luật, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để tạo ra môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, thuận lợi, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững; gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế; thể hiện ở quan hệ phân phối để mọi người đều được hưởng thành quả phát triển đất nước.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mô hình kinh tế mà chúng ta xây dựng là mô hình KTTT định hướng XHCN. Đây là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

ĐẢNG LÃNH ĐẠO NHƯNG KHÔNG LÀM THAY

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã được hiến định trong Hiến pháp, văn bản pháp lý cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp cũng hiến định Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Trong đó có lĩnh vực kinh tế. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng không làm thay các cơ quan Nhà nước. Đảng lãnh đạo kinh tế bằng cách tạo ra bảo đảm chính trị cho hoạt động kinh tế, xác định phương hướng chính trị cho hoạt động kinh tế đúng đắn và lành mạnh .

Chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền để thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ thực chất của nhân dân là định hướng mục tiêu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng chủ trương “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm”. Lãnh đạo kinh tế của Đảng đã trở thành mắt xích chủ yếu, quan trọng, thiết thực và quyết định nhất trong toàn bộ đường lối lãnh đạo, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã vượt qua bao gian nan, thử thách, được cả thế giới ngưỡng mộ, đặc biệt là trong thời kỳ phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Ngân hàng Standard Chartered mới đây đã đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 6,7%, tăng trưởng năm 2023 là 7% và Việt Nam tiếp tục có triển vọng tích cực trong trung hạn.

Trong bản Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh khởi đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Fitch Ratings là một trong những tổ chức có cái nhìn lạc quan nhất về kinh tế Việt Nam với dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,9% trong năm nay và 6,5% vào năm 2023.

Báo chí quốc tế trong thời gian gần đây đã có nhiều bài đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam nhờ chính sách ứng phó linh hoạt với COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh tế đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Chuyên trang tư vấn đầu tư ở châu Á Vietnam Briefing của công ty Dezan Shira nhận định, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới mà Việt Nam tham gia sẽ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi Việt Nam mở cửa biên giới, tăng tốc phục hồi.

Các FTA không chỉ giúp phát triển kinh tế, mạng lưới sản xuất, mà còn góp phần nâng cao các tiêu chuẩn lao động. Tờ Reuters cũng có bài viết khẳng định: Nhờ các chính sách linh hoạt của Chính phủ Việt Nam, các hoạt động kinh doanh đã được khôi phục, đặc biệt là từ quý IV năm trước, nhờ đó, ngành dệt may Việt Nam đã hạn chế đáng kể sự gián đoạn chuỗi cung ứng, kỳ vọng tăng mạnh xuất khẩu trong năm nay.

Thực tiễn đã trả lời rõ ràng cho câu hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam có nên lãnh đạo kinh tế hay không. Thực tiễn cũng đã khẳng định những luận điệu tuyên truyền “Đảng không nên lãnh đạo kinh tế" là xuyên tạc, kích động. Chúng ta cần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ quan điểm sai trái này./.

Theo tuyengiao.vn

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready