Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 15/10/2014

Nửa thế kỷ sống như anh

 Sinh hoạt truyền thống của tuổi trẻ Quảng Nam hồi năm 2006 tại nhà lưu niệm anh Trỗi - Ảnh: H.X.H
Sinh hoạt truyền thống của tuổi trẻ Quảng Nam hồi năm 2006 tại nhà lưu niệm anh Trỗi 
- Ảnh: H.X.H

Ánh thép tinh thần

Tấm huy hiệu Nguyễn Văn Trỗi khắc dòng chữ “Hãy nhớ lấy lời tôi” ngay bên dưới chân dung anh Trỗi được ông Đỗ Tấn Hùng - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Nam giữ gìn cẩn thận tại nhà riêng ở H.Quế Sơn. Ngày anh Trỗi bị địch đưa ra pháp trường năm 1964, ông Hùng mới bước vào tuổi 21. “Kỷ vật này quá đặc biệt đối với tôi, được Tỉnh đoàn Quảng Nam trao tặng từ năm 1966 dành cho những cán bộ Đoàn xuất sắc qua phong trào 5 xung phong noi gương anh Trỗi”, ông Hùng tâm sự.

Kỷ vật đó nhắc nhớ ông Hùng về một thời hừng hực khí thế, khi lớp lớp thanh niên theo tiếng gọi Nguyễn Văn Trỗi lên đường làm nhiệm vụ. Ông Hùng kể, hồi đó tác phẩm Sống như Anh của nhà văn Trần Đình Vân rất nổi tiếng, nhiều người tìm đọc và tình nguyện sống như anh, nhất là khi T.Ư Đoàn phát động phong trào noi gương anh Trỗi.

Những nhân chứng của những ngày nghe Hịch tòng quân đọc sang sảng ở sân vận động Phong Thử, xã Kỳ Châu cũ (nay là xã Điện Thọ) bây giờ không còn nhiều. Ông Trương Văn Lạng, 71 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu TNXP H.Điện Bàn từng hòa vào biển người nghe đọc lời hịch, đến giờ vẫn không quên được lửa tình nguyện hồi tháng 7.1965. “Lúc đó Kỳ Châu là vùng giải phóng. 9.000 người dự, nhưng chỉ có hơn 3.000 người được chọn đi qua cầu Vinh quang để lên đường tòng quân.

Bản gốc Hịch tòng quân chép tay vừa được tìm thấy và hiện đang lưu giữ tại bộ phận lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo H.Điện Bàn. Lời hịch tha thiết, hào hùng đã phác họa phần nào tinh thần xung kích từ nửa thế kỷ trước. Trích một đoạn ngắn của bản hịch: “Dân ta từng quen chiến thắng. Già rất kiên trung, trẻ rất anh hùng. Thế hệ thanh niên có Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Đạo, Trần Văn Đang, ánh thép tinh thần mạnh hơn tên lửa. (…) Quốc Toản xưa trong cơn nước nhà nguy biến, giặc Nguyên giày xéo non sông, tuổi thiếu niên trải gan dạ anh hùng, xông pha mũi đạn rừng tên, vung gươm giết giặc. Nguyễn Văn Trỗi quê ta rực lửa anh hùng đốt loài cú vọ, tiếng vang bốn bể năm châu”.

“Giờ là lúc cho đi”

Nét vẽ bằng bút chì khá đơn giản cách điệu hình trái tim, bên ngoài là hình bàn chân… đã gây ấn tượng mạnh khi lật xem những dòng lưu bút trong cuốn sổ vàng đặt ở Nhà lưu niệm anh Trỗi (xã Điện Thắng Bắc, H.Điện Bàn). “Bạn đã nhận được rất nhiều, giờ là lúc cho đi”, dòng chữ viết bên dưới ký tên Nguyễn Vương Hoàng Dung, hình như có ý định giải thích thêm về “ký hiệu” ấy. Hoàng Dung là thành viên CLB Volunteer Light ở TP.Đà Nẵng, viếng thăm nhà lưu niệm anh Trỗi.

“Ký hiệu” của Hoàng Dung khiến chúng tôi liên tưởng đến trang tư liệu ố vàng đang cất giữ tại Bảo tàng Điện Bàn, do Cơ quan thông tin tuyên truyền H.Điện Bàn ấn hành ngày 24.10.1966. Sáu khung vẽ minh họa, kèm theo lời dẫn, với tít chung: Chấp hành lệnh chiến đấu của Hồ Chủ tịch, thanh niên Điện Bàn quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Có cảnh vẽ mô tả thanh niên hăng hái tòng quân. Cảnh thiếu nhi cùng các bà, các mẹ, các cụ xung phong du kích. Cảnh huấn luyện trong quân đội… Và dưới một khung vẽ như thế, thấy dòng chữ: “Noi gương liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, anh chị em thanh niên đang mạnh bước lên đường với khí thế hùng dũng của tuổi trẻ bất khuất”.

50 năm trôi qua, lời gọi lên đàng từ gương anh Trỗi vẫn tươi mới. Thế hệ của ông Nguyễn Ngọc Bảo (72 tuổi, trú TP.Tam Kỳ, nhiều năm tham gia TNXP, Cục Hậu cần Quân khu 5) từng phải chịu sàng lọc gắt gao qua các phong trào như thế. Ông Bảo nhớ lại, hằng năm, cứ đến ngày anh Trỗi hy sinh 15.10, các phân hiệu TNXP đều phát động thi đua để lựa chọn…

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, Bí thư Huyện đoàn Điện Bàn, tâm sự: “Như phong trào tòng quân, các nơi khác chỉ đăng ký lên đường nhập ngũ nhưng thanh niên Điện Bàn còn viết đơn tình nguyện, giống giai đoạn anh Trỗi hy sinh”. 

Dâng hương tại khu tưởng niệm anh Trỗi

Sáng 14.10, Đoàn cơ sở phía nam Cơ quan T.Ư Đoàn đã đến viếng, dâng hương và dâng hoa tại khu tưởng niệm Nguyễn Văn Trỗi nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.

Tham dự buổi lễ có anh Nguyễn Long Hải, Bí thư T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch T.Ư Hội LHTN VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên; anh Trần Anh Linh, Chủ tịch Công đoàn phía nam và nhiều đoàn viên, thanh niên... 

L.T

Theo thanhnien

 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready