Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Giao thông – Vận tải đã trả lời nhiều vấn đề được đại biểu và cử tri trong tỉnh quan tâm.
Đại biểu Buôn Krông Tuyết Nhung chất vấn tại phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Nay Phi La về giải pháp quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương giải trình: Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo và Sở cũng đã ban hành các văn bản để tăng cường công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV; đồng thời chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở tăng cường công tác thanh, kiểm tra phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần giảm thiểu hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên công tác quản lý phân bón, thuốc BVTV cũng còn một số hạn chế: việc quản lý phân bón giao cho 2 ngành nên cũng có những hạn chế trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; công tác quản lý của cấp huyện còn hạn chế, thanh kiểm tra ở các huyện chưa được nhiều, kinh phí bố trí còn hạn hẹp; công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV chưa được sâu rộng; hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn xảy ra; quy trình sử dụng phân bón, thuốc BVTV của người dân chưa đảm bảo, còn lạm dụng trong việc sử dụng như: sử dụng nhiều phân bón vô cơ, sử dụng thuốc BVTV không đúng, không theo hướng dẫn, quá liều lượng...
Về giải pháp quản lý phân bón, thuốc BVTV thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương nêu ra một số điểm như: thống nhất giao cho một ngành quản lý phân bón; các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/2016/CT-UBND ngày 11-5-2016 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý phân bón trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân lựa chọn, sử dụng phân bón, thuốc BVTV; tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra về vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón, thuốc BVTV nói riêng, nhất là ở cấp huyện; công khai kết quả thanh tra phân bón, thuốc BVTV trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết...
Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đại biểu Bùi Thị Hà Giang, Phó Chủ tịch HĐND huyện Ea H'leo chất vấn: Tại sao huyện Ea H’leo đã hoàn tất 180 hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ (cấp tập trung) từ năm 2014, năm 2015, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng đến nay vẫn chưa được cấp, trách nhiệm thuộc cơ quan nào, khi nào giải quyết?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Thanh Lam giải trình: 180 hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ thuộc địa bàn xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo đã được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Ea H’leo (nay là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ea H’leo) thẩm định đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ và người dân đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính từ năm 2015. Số hồ sơ này Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Ea H’leo đã bàn giao cho Trung tâm Kỹ thuật địa chính viết, in giấy chứng nhận. Tuy nhiên do năng lực tài chính của Trung tâm Kỹ thuật địa chính hạn chế và đang trong giai đoạn lập thủ tục xin giải thể nên xảy ra tình trạng chậm trễ nêu trên. Bên cạnh đó, kinh phí bố trí cho dự án tổng thể (cả Trung ương và địa phương) rất hạn chế. Trước tình hình trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Trung tâm Kỹ thuật địa chính bàn giao toàn bộ hồ sơ cho Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Lắk tiếp tục thực hiện và đã chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Lắk in, viết 180 thửa đất với 90 giấy chứng nhận và bàn giao cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ea H’leo. Sở sẽ chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ea H’leo tập trung hoàn chỉnh thủ tục trình UBND huyện Ea H’leo ký 90 giấy chứng nhận của 180 hồ sơ nêu trên trong tháng 7-2017...
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Thanh Lam trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Hoàng Gia
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp về việc đất do người dân trên địa bàn huyện Ea Súp khai phá từ lâu có nguồn gốc đất lâm nghiệp mà chưa thể giải quyết cấp GCNQSDĐ và đã có báo cáo, công văn gửi UBND tỉnh, Sở Tài Nguyên và Môi trường để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Thanh Lam cho biết: UBND tỉnh đã giao cho Sở này chủ trì, cùng Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan xem xét đề nghị của UBND huyện Ea Súp.
Đối với nội dung chất vấn của đại biểu Ngô Trung Hiếu, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ về việc một số tuyến đường trên địa bàn thị xã Buôn Hồ (tuyến đường từ phường Thống Nhất đi xã Ea Siên; tuyến đường Lý Chính Thắng từ phường Thống Nhất đi huyện Cư M’gar; tuyến đường Nguyễn Lương Bằng phường Đạt Hiếu; tuyến đường Buôn Hồ đi xã Ea Drông) bị hư hỏng, xuống cấp do xe chở đất, đá, vật liệu làm đường Hồ Chí Minh, nhưng chưa được sửa chữa, hoàn trả, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Đỗ Quang Trà giải trình: Theo phân cấp, các tuyến đường nêu trên thuộc trách nhiệm quản lý, bảo trì và đề xuất đầu tư của UBND thị xã Buôn Hồ. Với trách nhiệm của ngành Giao thông vận tải, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Sở đã rà soát, tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, bố trí kinh phí, sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông các tuyến đường bị hư hỏng do quá trình vận chuyển vật liệu phục vụ cho dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh. Ngày 1-3-2017, Đoàn công tác gồm đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông – Vận tải, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và Sở Giao thông – Vận tải Đắk Lắk đã tổ chức kiểm tra hiện trường các tuyến đường kết nối với đường Hồ Chí Minh, địa phận tỉnh Đắk Lắk. Qua kiểm tra, Đoàn công tác ghi nhận và thống nhất với đề xuất sửa chữa, nâng cấp 8 tuyến đường kết nối với đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh, trong đó 4 tuyến đường thuộc thị xã Buôn Hồ mà đại biểu chất vấn thuộc hệ thống các tuyến đường kết nối với đường Hồ Chí Minh. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí vốn từ nguồn dự phòng, vốn dư của Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan cũng đã trả lời chất vấn của đại biểu về các vấn đề mà cử tri quan tâm như: mức chi thường xuyên cho các tổ chức chính trị cơ sở; việc đền bù giải phóng mặt bằng; tình trạng cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng diễn ra chậm…
Tại phiên làm việc, các đại biểu cũng đã xem xét báo cáo kết quả thực hiện các nội dung đã trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba; việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong đợt tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa IX.
Kết thúc phiên làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Biêr Niê đánh giá cao các ý kiến thảo luận, chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải quyết và kiểm tra việc giải quyết các vấn đề chất vấn của đại biểu. Các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh chú trọng giám sát việc thực hiện những nội dung chất vấn để hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh đạt chất lượng, hiệu quả cao...
*Sáng mai (13-7), Kỳ họp thứ Tư HĐND tỉnh sẽ tiếp tục diễn ra với phiên giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo baodaklak