Đại biểu Quốc hội vẫn tỏ ra lo lắng trước nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là tình hình bảo vệ chủ quyền VN tại biển Đông, công tác phòng chống tham nhũng, cải thiện môi trường kinh doanh...
ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp tổ hôm qua - Ảnh: Ngọc Thắng |
Không lơ là, mất cảnh giác
|
Trong phiên họp buổi sáng, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở các đoàn đã đề cập đến vấn đề chủ quyền biển Đông.
ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng việc Trung Quốc (TQ) phải rút giàn khoan trái phép khỏi vùng biển VN là nhờ kết hợp hiệu quả nhiều giải pháp đấu tranh, cả về chính trị lẫn ngoại giao. Nhưng ông cũng cho rằng vẫn phải cảnh giác, xem xét thấu đáo. “Chúng ta biết hiện nay, TQ tiếp tục sản xuất các giàn khoan 982, 983, 984... và xây dựng trái phép cả sân bay ở Trường Sa thì phải đặt câu hỏi: Giàn khoan đó đi đâu, máy bay đó đi đâu?”, ông Niễn đặt vấn đề.
Cùng quan điểm trên, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng sau khi TQ rút giàn khoan, đấu tranh bảo vệ chủ quyền của VN đã sang giai đoạn khác, thậm chí “quyết liệt hơn, phức tạp hơn” nên cần phải chuẩn bị mọi mặt.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng thời gian qua, trong bảo vệ chủ quyền, VN đã rất quyết liệt, luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng ông cũng đề nghị: “Các địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc, trang bị vũ khí cho quân đội để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao”. “Chúng ta không thể lơ là mất cảnh giác. Các cụ của ta cũng đã nói rồi: Nếu không muốn chiến tranh thì chúng ta phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh”, ông Tỵ khẳng định.
ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cũng cho rằng qua sự kiện TQ rút giàn khoan trái phép Hải Dương-981 cho thấy khả năng hóa giải tình hình và tinh thần đoàn kết, nhất trí của nhân dân. “Vậy ta phải rút ra bài học gì? Cần phải có đánh giá, nhất là trong chỉ đạo cấp ủy, ĐBQH cũng cần có định hướng để bàn. Rồi phải tính toán bài học phát triển của chúng ta trong hoàn cảnh mới như thế nào”, ông Mạnh đề nghị.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng: “Quan hệ kinh tế VN - TQ hiện nay rõ ràng không lành mạnh, dấu hiệu phụ thuộc rõ rệt từ viễn thông, khoáng sản, năng lượng, xuất nhập khẩu, thiết bị... Chúng ta cần tranh thủ cơ hội thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, FTA với EU, TPP với Mỹ để dần không còn phụ thuộc vào kinh tế TQ, nếu không làm được thì sức ép trong 5 - 10 năm tới rất lớn”.
Tham nhũng: Có phần do dân thiếu niềm tin
Liên quan đến vấn đề chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đánh giá: “Công tác chống tham nhũng vẫn chưa đem lại hiệu quả, thực trạng phát hiện không đúng tình hình”. “Có nguyên nhân là người dân đã mất lòng tin nên họ làm gì cũng không yên tâm, cũng phải chi tiền. Một số cán bộ lãnh đạo ngành bảo: cán bộ của tôi không đòi hỏi nhưng vẫn cứ đưa. Đó không phải là dân muốn đưa mà vì họ không còn tin ở anh”, ĐB Thuyền lý giải và khẳng định: “Nếu không lấy lại được niềm tin, rất khó chống tham nhũng”. Theo ông, hiện nay ở cấp cơ sở, các cơ quan đưa giải pháp rất ít; công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả không cao. Theo ĐB này, sắp tới, để đẩy mạnh chống tham nhũng, cần sửa bộ luật Hình sự, bổ sung một số tội về tham nhũng; hạn chế giao dịch tiền mặt, làm việc gì lớn phải chứng minh nguồn tiền ở đâu. “Chúng ta phải làm lại, kê khai tài sản, đối tượng nào đáng phải kê khai mới bắt buộc kê khai; bỏ phiếu tín nhiệm cũng nên chọn lọc thôi”, ông Thuyền nói.
ĐB Trần Quốc Khánh (Hà Nội) cũng cho rằng nạn tham nhũng vẫn nghiêm trọng, gây bức xúc lớn và Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành cần đề cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nâng cao ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Phải có chương trình phát triển mạnh mẽ cho DN
|
Lo lắng trước tình trạng số doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động 9 tháng tăng cao (trên 70.000 DN) trong khi số DN thành lập mới chỉ khoảng 51.000, nhiều ĐB cho rằng con số đó phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn hết sức khó khăn.
ĐB Đỗ Ngọc Niễn nói: “Đáng báo động là có nhiều DN quy mô vừa và lớn đã dừng hoạt động, nó cho thấy sức của DN đã mỏi mòn. Khối DN nhà nước cũng đa phần thua lỗ, tình hình này không khéo khiến kinh tế lệ thuộc vốn đầu tư nước ngoài”. Theo ĐB Niễn, ngoài các chính sách về giảm thuế, giảm lãi suất cần phải tìm thêm các chính sách mới để hỗ trợ DN như xúc tiến, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ mới...
ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng khó khăn của cộng đồng DN do cải cách thủ tục hành chính quá chậm, tiếp cận vốn còn rất khó khăn và bế tắc về thị trường. “Chính phủ cần có giải pháp kích cầu chứ sản xuất ra không tiêu thụ được thì có lãi suất thấp, DN cũng không vay”, ông Thuyền nói.
Ở một góc độ khác, theo ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai), khó khăn của DN hiện nay còn do tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu quá lớn mà công tác đấu tranh, quản lý kém hiệu quả. “Ở đâu cũng thấy hàng giả, nếu chúng ta bảo vệ được sản xuất, thì DN cũng đỡ phá sản, đình trệ”, ông Cường khẳng định.
ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nói: “Niềm tin thị trường của DN hiện rất yếu, thị trường rất khó khăn, bán hàng rất khó, thể hiện qua tỷ lệ hàng tồn kho tăng đến 13%”. “Để năm sau GDP tăng trưởng được 6,2%, theo tôi, Chính phủ cần có chương trình phát triển mạnh mẽ cho khối DN, đặc biệt DN nội, để tạo nguồn thu bền vững, lâu dài. Cần có những đứa con đẻ, con ruột của chúng ta để đảm bảo phát triển kinh tế ổn định, lâu dài, bên cạnh việc phát triển các DN FDI”, bà Hường kiến nghị.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã bày tỏ: “Hiện ta trói DN tư nhân quá, không tạo điều kiện để họ tham gia vào mở quy mô dịch vụ thị trường tài chính và thị trường vốn; không cho phép DN tư nhân được mua cổ phần, được góp vốn, ta hiểu là họ phải đầu tư vào dịch vụ, vào sản xuất trực tiếp”.
Theo ông Nhã, DN tư nhân sẽ tạo động lực cho nền kinh tế, cần phải để họ tham gia góp vốn, mua cổ phần ở nhiều DN lớn của nhà nước, tạo điều kiện sinh lời mới lớn lên được.
Nên kiểm toán toàn diện hệ thống ngân hàng Theo số liệu của NHNN báo cáo, đã xử lý được 53,6% tổng số nợ xấu, khoảng 160.000 tỉ từ 2012 đến nay. Có báo cáo khác lại nói xử lý được 183.000 tỉ đồng. Chúng tôi cho rằng trong thực tế ai làm ngân hàng đều biết, một năm thu trực tiếp từ bán tài sản, cao nhất được khoảng 900.000 tỉ, ngoài ra trích dự phòng xử lý rủi ro để xử lý nợ xấu khoảng 2.000 tỉ nữa. Các ngân hàng nhỏ con số này chỉ vài chục, đến trăm tỉ là hết. Thế thì thử hỏi lấy gì để xử lý được 160.000 tỉ đồng nợ xấu? Ngoài ra, cũng cần tính cả nợ bán cho VAMC và các tổ chức khác, đánh giá lại nợ cơ cấu lại (trên 300.000 tỉ đồng), trong đó có nhiều khoản nợ rất xấu, nhiều khoản cơ cấu lại đến lần thứ 3, thứ 4, thậm chí tỷ lệ mất vốn trên tỷ lệ nợ cần thu hồi rất cao. Đã đến lúc phải xem xét lại cơ chế hoạt động của công ty mua bán nợ của VAMC, đây chỉ là giải pháp kỹ thuật, là kho chứa nợ xấu. Mà đưa vào cái kho đó cực kỳ nguy hiểm. Chúng ta xử lý nợ xấu nhanh quyết liệt giỏi lắm chỉ 70%, còn không thì được 50% là tốt rồi. Còn giờ đưa vào kho chứa 5 năm, ngân hàng yên tâm coi như xong, cơ quan pháp luật cũng không kiểm tra, thanh tra nữa. Rồi doanh nghiệp yên tâm vì ngân hàng chả đả động gì đến, cứ để 5 năm, nhưng sau 5 năm mở kho chứa nợ xấu đó ra sẽ là cái gì? Cho nên, phải xem lại thực chất của công ty mua bán nợ, nếu không, chúng ta đưa ra một giải pháp không trúng. Để có câu trả lời thuyết phục vấn đề này, nên kiểm toán toàn diện hệ thống ngân hàng để có thể giải quyết đúng mực được những vấn đề lớn trong tái cơ cấu ngân hàng. (Ông Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank, ĐBQH Hà Nội) Bảo Cầm (ghi) |
Tính toán thật kỹ đối với dự án sân bay Long Thành Trao đổi với báo chí bên hành lang QH, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng nhân dân, dư luận cũng như nhiều ĐBQH chia sẻ dự án sân bay Long Thành là cần thiết, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không thể. Tuy nhiên, đưa việc xây dựng sân bay Long Thành vào trình QH thông qua chủ trương tại thời điểm này rõ ràng là không có lợi, bởi chúng ta đang bàn đến nợ công, báo cáo của Chính phủ nói rõ là nợ công đang có chiều hướng tăng nhanh. Chính vì vậy phải tính toán trong cả bối cảnh kinh tế của đất nước với từng dự án cụ thể, với sân bay Long Thành cũng làm như vậy. Nhu cầu đến 2025 mới cần nhưng để lúc đó có sân bay hoạt động thì ngay từ bây giờ đã phải chuẩn bị. Kể cả lần này nếu QH thông qua chủ trương đầu tư (tất nhiên đến giờ QH đã quyết định chưa thông qua rồi) thì phải tiếp tục làm báo cáo khả thi và dự án báo cáo khả thi tiếp tục trình QH lần nữa, lúc đó QH mới quyết định là có làm hay không làm. Theo Nghị quyết 49 thì dự án này phải thông qua 2 lần. Trả lời câu hỏi về mối quan tâm của ĐBQH và cử tri “tiền đâu”?, ông Thăng nói: "Đây là đòi hỏi chính đáng nhưng rất tiếc có những điều không thể trả lời ngay được". Lý do theo ông Thăng, dự án mới nằm trong giai đoạn báo cáo khả thi. Tuệ Nguyễn |
|
Theo thanhnien