"Nói không với bạo lực học đường" từ diễn đàn học sinh
Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa thống nhất trong giới nghiên cứu, tuy nhiên có thể hiểu: bạo lực học đường là những hành vi cố ý, sử dụng vũ lực hoặc quyền lực của học sinh hoặc giáo viên đối với những học sinh, giáo viên hoặc những người khác và ngược lại. Đó có thể là những hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ, những bắt ép về tài chính hoặc những hành vi khác có thể gây ra nhưng tổn thương về mặt tinh thần hoặc thể xác cho người bị hại.
Thông qua các tiểu phẩm, các em học sinh có thể đưa ra chính kiến của bản thân. |
Trong bối cảnh đó, các diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” được tổ chức tại các trường khối THPT trên địa bàn toàn tỉnh, chính là một kênh “chính thống” giúp các em có thể chia sẻ những khúc mắc, nỗi niềm và tâm tư nguyện vọng của mình. Bởi nội dung chính của diễn đàn là những câu hỏi - đáp, những tình huống có thực được tái hiện, giúp học sinh có môi trường để trao đổi, chia sẻ xoay quanh các vấn đề: Tình bạn, tình yêu, sự khác nhau giữa tình bạn tốt khác giới và tình yêu; bạo lực học đường để lại những hậu quả như thế nào đối với bản thân các em, đối với gia đình, nhà trường và xã hội; cách sử dụng mạng xã hội như thế nào cho hiệu quả, văn minh; cách xử lý những mâu thuẫn thường gặp trong học tập và cuộc sống... Đặc biệt, có những tình huống dù xảy ra đã lâu, âm ỉ trong lòng nhưng chính các em không biết đó có phải là bạo lực học đường không, nhân dịp tham gia diễn đàn có thể bộc lộ.
Đơn cử như trong diễn đàn tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Krông Búk), một em học sinh đã đặt ra một câu hỏi từ thực tế: “Sự việc có một nam học sinh tại TP.HCM tự tử do áp lực học hành khiến dư luận ồn ào vừa qua thực sự khiến các em hoang mang, vậy áp lực học hành có phải là bạo lực học đường hay không?”. Câu hỏi đã khiến cả khán phòng trở nên lặng phắc, chìm trong suy tư, bởi chính các em đang ở trong hoàn cảnh đó, nhưng thực sự chưa bao giờ dám đối diện và nói lên tiếng nói của mình; các bậc phụ huynh tham gia cũng hết sức ngỡ ngàng… Tất cả phần nào được giải tỏa khi chuyên gia, Thạc sĩ Tâm lý học Xuân Thái Tuấn, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk chia sẻ và giải đáp: Đó không phải là bạo lực học đường, mà do các em tự gây ra áp lực cho mình. Nếu gặp trường hợp tương tự hãy mạnh dạn chia sẻ với bố mẹ, thầy cô, bạn bè, đừng để trong lòng…
Tại diễn đàn, các em có thể tự tin đưa ra ý kiến, bày tỏ nỗi lòng mình. |
Một em học sinh lớp 11 lại nêu một câu hỏi rất thực tế và cần thiết: “Khi bị bạo lực học đường em sẽ gặp ai?”. Vì có những trường hợp khi lên tiếng với gia đình, thầy cô giáo… nhưng chỉ góp phần “đẩy” bạo lực đi xa thêm, lúc đó các em cần có nhiều “kênh” hơn để giải quyết vấn đề. Trong trường hợp này, các tổ chức như Đoàn trường, các câu lạc bộ kỹ năng… cũng là một địa chỉ đáng tin cậy để các em có thể giãi bày.
Diễn đàn tổ chức tại Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Krông Ana) thì giúp các em học sinh có những cách xử lý tình huống bạo lực học đường qua các tiểu phẩm được dàn dựng công phu, có chiều sâu. Từ việc đặt các em vào tình huống: “Nếu trong trường hợp đó, em sẽ làm gì?”, các chuyên gia có sự phân tích, lột tả tâm lý của lứa tuổi mới lớn. Mỗi em sẽ có cách ứng xử khác nhau, đó cũng chính là tiếng nói, quan điểm của các em khi đứng trước một sự việc.
Từ việc chia sẻ ý kiến của mình qua tiểu phẩm, đã có rất nhiều câu chuyện về những mâu thuẫn ngay trong lớp, trong trường, được chính học sinh đưa ra trong diễn đàn. Chẳng hạn như chuyện thường xuyên bị bạn bè lấy khiếm khuyết cơ thể của bản thân để làm trò đùa, hay việc bị cả lớp cô lập vì sự khác biệt của mình như học giỏi mà không cho bạn xem bài, thậm chí là đã từng bị đe dọa, đánh đập…
Thông qua diễn đàn, học sinh đã có cơ hội thể hiện được chính kiến, quan điểm của mình trước mỗi tình huống sự việc. Nhất là đối với khối lớp 12, các em chuẩn bị trở thành công dân, tự chịu trách nhiệm về hành vi, lối sống của mình. Những kiến thức có được khi tham gia diễn đàn sẽ góp phần trang bị hành trang để các em bước vào đời, không còn bỡ ngỡ hay sợ hãi khi gặp phải những tình huống như bạo lực học đường nói riêng và bạo lực nói chung.
Theo baodaklak