Nhân dân xã Ea Rbin đóng góp công sức và kinh phí xây dựng sân bóng chuyền của xã. |
Ông Y Săn AYun, Trưởng Phòng NN&PTNN, Phó Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Lắk cho biết: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nên huyện Lắk đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến nhân dân. Qua công tác tuyên truyền đã giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình, từ đó huy động được sự đóng góp, chung tay của người dân cùng tham gia xây dựng NTM. Vì vậy trong năm 2014, người dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện hiến 22.540 m2 đất, nhiều cây trồng các loại và hàng trăm ngày công để làm đường giao thông nông thôn và các các công trình xã hội khác. Ngay từ lúc bắt đầu triển khai xây dựng NTM các cấp chính quyền huyện Lắk đã chú trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã, các đoàn thể của huyện cùng với cấp ủy đảng đã lồng ghép trong các chương trình, hội nghị để tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Ông Ama Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi cho biết: “Để có được niềm tin, chung sức xây dựng NTM của người dân, một trong những yếu tố không thể thiếu là thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở gắn với mô hình “Dân vận khéo”. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và hưởng lợi”, xã đã tiến hành họp dân cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương, kế hoạch, dự án xây dựng, những vấn đề người dân được hưởng lợi sau khi công trình hoàn thành; thành lập ban vận động cấp xã, thôn, buôn; tổ chức hội nghị tại xã để quán triệt nội dung dự án và triển khai kế hoạch vận động nhân dân. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong chương trình XDNTM nên nhiều hộ đã tự nguyện hiến hàng chục mét vuông đất và góp công để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn".
Người dân xã Yang Tao đóng góp công sức và kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn. |
Là một trong những xã điểm xây dựng NTM của huyện, trong những năm qua cán bộ và nhân dân xã Buôn Tría đã tập trung thực hiện xây dựng NTM một cách tích cực và đã đạt được những kết quả khả quan. Đưa chúng tôi đi xem những trục đường trong thôn vừa mới được lắp đặt điện đường, ông Phạm Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Buôn Tría cho biết: Việc triển khai lắp hệ thống đèn đường chiếu sáng vào ban đêm được nhân dân đồng thuận hưởng ứng sôi nổi. Đến nay, toàn xã đã có 5/8 thôn, buôn góp tiền và công kéo đường điện thắp sáng trục đường tỉnh lộ 687, dọc các đường liên thôn với số tiền 180 triệu đồng và 120 ngày công. Thời gian tới, sẽ phấn đấu kéo điện thắp sáng toàn bộ các tuyến đường trong xã. Hiện tại nhân dân trong xã đang đợi Nhà nước hỗ trợ làm đường giao thông để người dân kéo điện đường góp phần làm cho đường làng, ngõ xóm được sạch đẹp, văn minh. Tính đến thời điểm hiện tại, xã Buôn Tría là địa phương đạt được nhiều tiêu chí nhất toàn huyện với 8/19 tiêu chí.
Đường giao thông nông thôn tại thôn Đoàn Kết, thị trấn Liên Sơn được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, tạo thuận lợi và an toàn cho người dân. |
Bên cạnh việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được huyện quan tâm chú trọng và đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Trong năm 2014, huyện đã mở 82 lớp tập huấn, 14 mô hình trình diễn, 16 cuộc hội thảo với hơn 3.500 lượt nông dân các xã trong huyện tham gia. Nhờ chịu khó học hỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ gia đình nông dân trên địa bàn huyện đã vươn lên xóa đói giảm nghèo… Điển hình là gia đình bà H’Jiêng Liêng Hót (xã Dak Phơi) từ chỗ có hoàn cảnh khó khăn đã trở nên khá giá, có của ăn của để. Bằng sự chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những lớp tập huấn do huyện tổ chức, từ đó áp dụng đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật nên với 1 ha trồng cà phê và 8 sào ruộng, cộng với việc chăn nuôi heo, bò gia đình bà H’Jiêng thu nhập khoảng 60 triệu đồng mỗi năm. Bà H’ Jiêng tâm sự: “Gia đình mình trước đây quen tập quán canh tác cũ, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật, nên nghèo lắm. Giờ đây, nhờ các cán bộ của huyện, xã hướng dẫn mà gia đình mình đã biết chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng cách nên mới được như ngày hôm nay”.
Tính đến hết quý I năm 2015, toàn huyện Lak đã đạt được 60/190 tiêu chí, tăng 8 tiêu chí so với năm 2013. Để tiếp tục thực hiện những tiêu chí còn lại trong chương trình xây dựng NTM, ông Y Săn AYun cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các xã tăng cường quản lý quy hoạch đã được phê duyệt; tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với tiêu thụ sản phẩm; áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi; huy động sự đóng góp của nhân dân, tài trợ của cộng đồng doanh nghiệp… nhằm từng bước đưa chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện theo đúng kế hoạch đề ra, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo thanhnien