Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 10/07/2018

Cách mạng tháng Tám (1945) thành công chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta. Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946), quân dân cả nước ta đã vùng lên kiên cường chiến đấu với tinh thần quả cảm, hy sinh và đã đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của giặc Pháp. Cùng với thắng lợi trong nước, bước vào 1950, tình hình thế giới có những chuyển biến quan trọng, Cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Liên Xô cùng các nước Dân chủ nhân dân ở Đông Âu đạt nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng kinh tế – xã hội và đã chính thức công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo cho thế của nước ta trên đà phát triển thêm vững mạnh.

Qua phân tích tình hình một cách đúng đắn, sáng suốt, Hồ Chủ Tịch và Trung ương Đảng chủ trương gấp rút chuẩn bị về mọi mặt, tận dụng sự lúng túng của địch để tiến lên giành nhiều thắng lợi lớn làm chuyển biến cục diện chiến trường có lợi cho ta. Ngày 06/01/1950, Trung ương Đảng ra chỉ thị về chuẩn bị chiến trường Đông Bắc cho thật đầy đủ để khi có điều kiện sẽ mở một chiến dịch lớn quét địch ra khỏi đường số 4, đánh bại quân địch trong vùng Đông Bắc. Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới, yêu cầu của chiến dịch là “Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng biên giới phía Bắc nước ta, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính”.

Cùng với Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh, Hồ Chủ Tịch đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch quan trọng này. Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Biên giới được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, trực tiếp phụ trách công tác hậu cần chiến dịch. Việc huy động dân công phục vụ chiến dịch trở thành nhiệm vụ rất lớn, phải huy động hàng chục vạn lượt dân công để sửa cầu đường, mở những con đường mới, vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, quân trang, quân dụng…từ hậu phương ra tiền tuyến. Tuy nhiên, lực lượng dân công có những hạn chế, không thể bảo đảm hoàn thành tất cả các mục tiêu và yêu cầu nghiêm ngặt của chiến dịch. Trước hết, thời gian đi dân công phục vụ cho các chiến dịch thường chỉ vài chục ngày đến vài tháng. Với  thời gian ngắn, đối tượng rộng rãi, các cấp lãnh đạo không thể làm tốt công tác tổ chức, giáo dục chu đáo nên dân công cũng không thể đảm đương được những nhiệm vụ trọng yếu và đột xuất của chiến trường đòi hỏi bảo đảm bí mật, nhất là phải có tinh thần dũng cảm, hy sinh hoàn thành nhiệm vụ trong bất kỳ mọi tình huống. Khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình này, Bác Hồ đã cân nhắc và chỉ đạo cần gấp rút huy động một lực lượng Thanh niên trẻ khỏe, thành phần tốt, có tinh thần hăng hái sáng tạo và dũng cảm hy sinh để thành lập các “Đội TNXP công tác” đảm nhận những nhiệm vụ trọng yếu của chiến trường. Đội TNXP công tác phải tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, được trang bị vũ khí như một Binh chủng bán vũ trang làm nhiệm vụ công binh và hậu cần phục vụ chiến dịch, cùng Bộ đội trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu đến ngày kháng chiến hoàn toàn thắng lợi. Bác còn nhấn mạnh Đội TNXP công tác vừa trực tiếp phục vụ chiến đấu vừa học tập rèn luyện để không ngừng tiến bộ, trưởng thành và Bác coi đây là một “Trường học lớn” đào tạo cán bộ cho Đảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng CNXH thành công.

Thực hiện Chỉ thị của Bác Hồ, tháng 6/1950, tại Hội nghị quán triệt đường lối quân sự trong giai đoạn mới, đặc biệt là chủ trương đánh lớn của Trung ương, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp truyền đạt cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam cùng trong Ban Thanh vận Trung ương việc triển khai chủ trương sáng lập lực lượng TNXP của Bác. Đại tướng nhấn mạnh: Chủ trương sáng lập lực lượng TNXP nằm trong tư tưởng lớn của Bác Hồ, mang tầm chiến lược của cách mạng Việt Nam, không chỉ trong giai đoạn kháng chiến, cứu nước mà còn xuyên suốt các thời kỳ xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Ngày 15/7/1950, Đảng Đoàn Thanh vận Trung ương họp mở rộng và giao cho Ban thường vụ Trung ương Đoàn tổ chức thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên theo chỉ thị của Bác Hồ. Đây là thời điểm có ý nghĩa lịch sử đối với việc ra đời một đội hình thanh niên đặc thù từ ý tưởng lớn của Bác, một sáng tạo độc đáo về trường học thực tiễn rộng lớn đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam từ lứa tuổi Thanh Thiếu niên và ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm đội trưởng. Lúc đầu toàn Đội có 225 đội viên chia thành 3 Liên phân đội, có tổ chức Đảng và Đoàn thuộc Đảng bộ Tổng cục cung cấp mặt trận trực thuộc Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuối tháng 8/1950, lễ xuất quân được tổ chức tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đầu tháng 9/1950, Đội nhận lệnh đi phục vụ Chiến dịch Biên giới. Đêm 16/9/1950, lực lượng TNXP đã dũng cảm vượt qua lửa đạn, bám sát phục vụ bộ đội nổ súng tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đông Khê, diệt 300 tên địch mở màn cho chiến dịch Biên giới. Tiếp đến là trận Nậm Nang, Cóc Xa, quân ta tiêu diệt 2 binh đoàn giặc. Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi cũng là bước mở đầu những trang sử vẻ vang của lực lượng TNXP. Đội TNXP công tác Trung ương được vinh dự Bác Hồ gửi thư khen. Đặc biệt, chỉ sau mấy tháng thành lập và dù bận muôn vàn công việc lãnh đạo kháng chiến, ngày 20/3/1951, trên đường đi chiến dịch Bác Hồ đã dành thời gian đến thăm đơn vị TNXP 312 đang làm nhiệm vụ tại khu rừng Cầu Nà Cù, thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn. Tại đây, Bác đã thăm hỏi, dặn dò và đọc tặng các cháu 4 câu thơ, nhưng thực chất là lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương hướng tư tưởng và hành động nhằm rèn luyện nghị lực cho lực lượng TNXP và cho cả thế hệ trẻ Việt Nam đang đứng trước nhiệm vụ hết sức nặng nề của Tổ quốc giao phó:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên

Cuối năm 1953, trong khi Bộ Chính trị bàn quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ thì Bác Hồ cũng đồng thời bàn bạc với Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo củng cố, phát triển các Đội TNXP với yêu cầu cao hơn, chất lượng tốt hơn. Bác chỉ rõ: “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển các Đội TNXP để đảm bảo công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”. Bác nhấn mạnh “Thành phần Đội gồm những Thanh niên bần, cố, trung nông và những thanh niên trí thức quen lao động. Đội cốt giáo dục cho thanh niên tinh thần quyết tâm xung phong trong mọi việc. Rèn luyện thành những thanh niên gương mẫu, những chiến sĩ thi đua để trở nên những cán bộ tốt sau này cho Đảng và Chính phủ”. Và Bác muốn hàng ngày có điều kiện chăm lo giáo dục TNXP nên đã giao cho đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác làm Đoàn trưởng, đồng chí Tạ Quang Chiến, cán bộ cận vệ cho Bác làm đội trưởng Đội TNXP kiểu mẫu và Đoàn TNXP mang mật danh Đoàn XP. Cả hai đồng chí Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến đều có vinh dự được Bác Hồ đặt tên (Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi). Trong thời gian này, Bác Hồ đã chăm sóc TNXP từ việc nhỏ đến việc lớn. Hàng tuần Bác nghe báo cáo, những khi vắng Bác giao Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay Bác trực tiếp nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo TNXP. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác còn giao cho đồng chí Nguyễn Văn Trân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Cung cấp tiền phương trực tiếp quan tâm, chỉ đạo TNXP phục vụ chiến dịch. Bác viết nhiều bài đăng báo, động viên biểu dương, khen thưởng những tập thể và cán bộ đội viên lập công xuất sắc, đặc biệt Bác ân cần chỉ bảo phương hướng phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành của TNXP.

II. MỞ ĐẦU TRANG SỬ VẺ VANG CỦA THANH NIÊN XUNG PHONG TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và Trung ương Đảng, sự vận động giáo dục của Đoàn Thanh niên Cứu Quốc Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn hàng vạn thanh niên các tỉnh Khu Ba, Khu Bốn, Tây Bắc, Việt Bắc và các tỉnh Khu Năm, Nam Bộ nô nức lên đường gia nhập TNXP. Tính từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1954, có trên 60.000 lượt thanh niên lên đường gia nhập lực lượng TNXP, trong đó có trên 25.000 TNXP tập trung, được Bác Hồ và Bộ Tư lệnh tiền phương giao đảm nhận hai mảng nhiệm vụ trọng yếu: Một là phục vụ, bảo vệ khu vực các cơ quan đầu não của Trung ương (ATK – an toàn khu ở chiến khu Việt Bắc). Hai là làm xung kích xây dựng các tuyến đường huyết mạch của chiến trường, phá bom nổ chậm, bảo đảm giao thông ở các tọa độ lửa, vận chuyển vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng trực tiếp phục vụ các chiến dịch Biên Giới, Trung Du, Tây Bắc, Thượng Lào…và đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Để phối hợp với Mặt trận Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch bắc Tây Nguyên, Liên khu 5 và Khu Đoàn 5 đã vận động trên 4000 TNXP hỏa tuyến thành lập Tổng đội 204 phục vụ chiến dịch cùng bộ đội lập công đánh thắng Mặt trận Đường 19 – An Khê và giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, đánh bại cuộc càn Át Lăng nằm trong kế hoạch NaVa của Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp.

Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có trên 16.000 đội viên TNXP ngày đêm sát vai cùng bộ đội phục vụ chiến đấu và có hơn 8.000 cán bộ, đội viên lập công xuất sắc và trưởng thành nhanh chóng được tuyển chọn bổ sung vào các đơn vị bộ đội ngay tại chiến trường, tức là gần 1/5 quân trực tiếp chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ (theo quyển sách “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì tổng quân số trực tiếp chiến đấu ở Điện Biên Phủ là 42.000). Để có được một đội quân TNXP đông đảo và nhanh chóng xông ra chiến trường, một bộ phận đại diện Ban chỉ huy Đoàn TNXP thành lập từ Việt Bắc vào Liên khu 4 do đồng chí Vũ Công Cẩn phụ trách đóng tại Thọ Xuân (Thanh Hóa và Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An) để phối hợp với các địa phương chuẩn bị mọi mặt tinh thần, vật chất cho việc tuyển quân TNXP. Các tỉnh ủy Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khẩn trương điều động hàng loạt cán bộ trẻ là cấp ủy viên của tỉnh, huyện, xã có sức khỏe, phẩm chất, năng lực … tập trung hình thành các bộ khung, trước hết là khung Đại đội; và trung đội, còn Ban chỉ huy Đội là tỉnh ủy viên. Cuộc vận động tuyển quân TNXP được triển khai rầm rộ, rộng khắp trong 3 tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh và các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung du, Khu III. Một phong trào lên đường gia nhập TNXP sôi nổi hào hùng, nhiều Thanh niên khai tăng tuổi, tăng cân để được tuyển chọn. Kết quả tuyển quân đến đâu thành lập đơn vị đến đó, đủ 15 người thành tiểu đội, 4 tiểu đội thành trung đội, đủ 3 trung đội thành 1 đại đội, có các bộ phận quản trị, văn thư, y tá, tiếp phẩm, anh nuôi… đủ 200 người là nhận dụng cụ, vũ khí, lương thực, thực phẩm và khẩn trương hành quân. Từ Liên khu 4, hơn 10 đại đội lên đường ra Việt Bắc bổ sung quân cho Đội 36 và 38 làm nhiệm vụ xây dựng lán trại, hầm hào phục vụ, bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và mở các tuyến đường chiến lược mới nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng – Lạng Sơn, Tuyên Quang – Hà Giang, Nghĩa Lộ – Yên Bái. Còn đại bộ phận thành lập Đội 34 và Đội 40, mỗi Đội có 20 đại đội hành quân lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong quá trình hành quân lên phục vụ chiến dịch, đường rừng quanh co, đèo cao, suối thẳm, đến Tây Bắc sương mù u ám, trời rét mà người đẫm mồ hôi, nhiều nơi có thổ phỉ hoạt động, cọp phục vồ người, đêm tối đen, người trước buộc khăn trắng để người sau trông bám theo sau, không được gây tiếng động, bảo đảm hành quân bí mật an toàn cho chiến dịch. Các đơn vị lên tới nơi thì nhận nhiệm vụ từ các cơ quan của Bộ Quốc phòng (gồm Cục Quân khí, Quân nhu, Quân y, Công binh) và của Hội đồng cung cấp tiền phương (gồm Cục Vận Tải tiền phương) và bảo đảm giao thông chiến dịch của Bộ Giao thông Bưu điện; đồng thời còn nhận một số nhiệm vụ của Bộ Công an.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cung đường được phân ra “trung tuyến và hỏa tuyến” nhưng 40 đại đội TNXP thuộc Đội 34 và Đội 40 hầu như có mặt khắp nơi trên các tuyến dài 400 km; đường 13 từ bến đò Tạ Khoa, Nghĩa Lộ qua đèo Chẹn đến ngã ba Cò Nòi; đường 41 từ Yên Châu, Mộc Châu qua Cò Nòi lên đèo Pha Đin, Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Vị trí các đại đội được bố trí vừa có đóng chốt bảo đảm phục vụ trọng điểm, vừa có lực lượng cơ động ứng cứu, chi viện cho trọng điểm khi bị địch đánh bom. Một số đơn vị rải quân làm nhiệm vụ cảnh giới bảo vệ đường dây, đi huấn luyện, hướng dẫn và trực tiếp phá bom nổ chậm, bom bươm bướm … Trên 60 loại công việc khác nhau, có những việc tưởng nhỏ như ngụy trang, đêm đêm hàng trăm xe tải đưa hàng vào “vùng cấm”, đường mòn, cỏ chết, cây ngụy trang ngả nghiêng khô héo, ban ngày TNXP phải làm cho cây cỏ tươi lại che khuất đường mòn, đi xa chặt cây về ngụy trang lại giống như rừng nguyên sinh, làm nhiệm vụ xây dựng kho tàng, lán trại, đào công sự, hầm pháo …

Với chiến dịch Điện Biên Phủ mọi nhân, tài, vật lực từ khu 4, khu 3, Việt Bắc, Yên Bái, Nghĩa Lộ lên đều nhập vào đường 41 nên địch tập trung đánh phá vào giao thông rất ác liệt. Việc bảo đảm giao thông, mạch máu của chiến dịch phải được thông suốt có ý nghĩa góp phần quyết định thắng lợi của chiến dịch nên lực lượng TNXP đảm nhận nhiệm vụ quan trọng này và sự hy sinh xương máu nhiều nhất cũng trên mặt trận giao thông vận tải chiến dịch, nhất là ở các trọng điểm ngã ba, đường đèo độc đạo địch phá ngày đêm. Tại Ngã ba Cò Nòi, giao điểm đường 13 gặp đường 41 đi lên Sơn La, có đợt địch đánh phá liên tục 2,3 tuần liền, có trận địch dùng 65 máy bay ném 300 quả bom phá. Tại đèo Pha Đin có ngày địch thả 160 quả bom phá, bom Na Pan kèm theo bom bươm bướm vỏ xanh để ta không thể phát hiện. Vượt qua nguy hiểm, các chiến sĩ TNXP ngày đêm bám trụ, quan sát cắm cọc tiêu trên nhưng quả bom chưa nổ để tổ phá bom vào phá. Có trận quân ta đang phá bom thì địch đến đánh tiếp nên nhiều TNXP đã hy sinh. Riêng tại Ngã ba Cò Nòi và đèo Pha Đin có gần 300 TNXP đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.

Trong cuộc chiến với quân thù trên trận tuyến giao thông vận tải các đồng chí Nguyễn Tiến Thụ, Cao Xuân Thọ, Trần Văn Cam ở đội phá bom đã dũng cảm và sáng tạo tìm ra cách phá bom bươm bướm vừa đạt hiệu quả cao, vừa giảm thương vong cho đồng đội, 3 đồng chí đều được thưởng Huân chương. Đồng chí Trịnh Văn Huyền dũng cảm xông lên cứu thoát 5 xe đạn trong khi địch đang bắn phá cũng được thưởng Huân chương và Trung ương Đoàn cử đi dự liên hoan Thanh niên, sinh viên tại Vacsava.

Mùa mưa đến, công tác bảo đảm giao thông càng gặp nhiều khó khăn, địch càng tăng cường đánh phá. Ngày 8-4-1945, Đại tướng Tổng Chỉ huy chiến dịch Võ Nguyên Giáp đã gửi thư động viên TNXP quyết tâm thắng mưa để thắng giặc. Có những đoạn đường đi bên núi, bên sông, qua nhiều thác cao, vách đá cheo leo nên các đơn vị vừa xẻ một bên núi phải kê đá một bên sông, có đoạn đã mở hình thành mặt đường nhưng qua một đêm đã sụt lở mất. Có đơn vị phải bạt ta luy cao trên 40m, anh em phải buộc dây treo người để làm việc. Có những trận mưa rừng, lũ ống đánh đứt dây cáp trôi cả phà, hàng trăm chiến sĩ TNXP đã anh dũng lao mình xuống thác cứu phà giữ vũ khí, lương thực tiếp tế cho mặt trận, nhưng cũng không ít đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Vai trò và chiến công của lực lượng TNXP trong kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Việc đảm bảo giao thông vận tải, cung cấp đạn dược, lương thực cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng không kém tình hình chiến đấu từng ngày, từng giờ. Vì vậy, nên kẻ địch không thể tưởng tượng chúng ta có thể khắc phục được những khó khăn ấy. Bọn đế quốc và phản động đã không đánh giá được sức mạnh của nhân dân. Trong kháng chiến nhất là trong các chiến dịch, nếu không có thanh niên xung phong thì bộ đội sẽ gặp khó khăn. Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên, xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội”.

 Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta và đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Hiệp nghị Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, một bộ phận lực lượng TNXP cùng quân đội tiến về tiếp quản Thủ đô và các thành phố lớn, tiếp đó lao vào nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng các khu công nghiệp ban đầu của hậu phương lớn miền Bắc, chuẩn bị chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong nhiệm vụ mới này, không kém phần cam go, gian khổ nhưng với tinh thần “Thanh niên xung phong” tuyệt đại bộ phận cán bộ, đội viên đã lập công xuất sắc và trưởng thành nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các công trình giao thông, các tuyến đường sắt mới khôi phục, các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp mới xây dựng, các nông trường, lâm trường, công trình thủy lợi ra đời trong thời gian này đều có mồ hôi, công sức, trí tuệ, và cả xương máu, ghi đậm dấu ấn lịch sử TNXP.

Tuy nhiên, trong không khí vui mừng, phấn khởi sau chiến thắng, đại bộ phận bộ đội hành quân về xuôi nhận nhiệm vụ mới thì 8000 trong tổng số hơn 16.000 cán bộ, đội viên TNXP vừa hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lại nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng hành quân ngược lên biên giới Việt – Trung mở một con đường chiến lược đặc biệt để tiếp nhận vũ khí, lương thực, thuốc men của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội Chủ nghĩa chuẩn bị đối phó với âm mưu của đế quốc Mỹ phá hoại hiệp nghị Giơnever và trực tiếp nhảy vào xâm lược Đông Dương. Đây là bước ngoặt lớn đối với TNXP, tư tưởng cán bộ, đội viên diễn biến phức tạp bởi ai cũng tưởng rằng sau thắng lợi sẽ được về thăm gia đình, quê hương, được tiếp tục đi học hoặc chuyển ngành công tác…Để làm thông suốt tư tưởng trước hết là đảng viên, đoàn viên tiến hành đợt học tập đặc biệt dựa vào các lời dạy bảo của Bác Hồ về TNXP có liên hệ kiểm điểm, biểu dương những ưu điểm, phê phán những tư tưởng công thần, tự kiêu…Sau học tập, tất cả cán bộ đội viên hạ quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ.

 Việc mở con đường quốc phòng chiến lược dài gần 100km nối liền Lai Châu đến Ma Lù Thàng biên giới Trung Quốc vào thời điểm này (cuối năm 1954) bị Ủy ban giám sát Quốc tế coi là Việt Nam vi phạm hiệp định Giơ ne vơ nên TNXP phải bí mật, khẩn trương làm cả ban đêm. Hơn 3 năm làm đường, TNXP phải trải qua muôn vàn giao lao, nguy hiểm. Khí hậu khắc nghiệt, ngày nắng nóng đêm giá buốt thấu xương, nạn ruồi vàng, bọ chét cắn đốt sinh ghẻ lở, ốm đau, sốt rét rừng, bệnh phù thũng vì thiếu ăn, thiếu thuốc, thiếu sinh tố. Hơn một trăm TNXP bị tái phát vết thương, bị tai nạn lao động do kiệt sức và trong điều kiện treo người trên vách núi cao hoặc vượt thác sâu mà không đủ dụng cụ bảo đảm an toàn, cộng với nạn thổ phỉ phục kích, tập kích, bắn lén nên đã hy sinh, được đơn vị an táng tại Nghĩa trang Chăn Nưa – Lai Châu. Ngày nay nghĩa trang này đã được xây dựng thành Nghĩa trang liệt sỹ TNXP

III. Vai trò và những cống hiến xuất sắc của Thanh niên xung phong

 Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào trực tiếp xâm lược miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Một lần nữa Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ chủ trương tổ chức lực lượng TNXP. Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71, quyết định tổ chức Lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước. Chỉ thị nêu rõ: “Trước những thất bại liên tiếp trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đang tăng cường và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, trước hết là phá hoại các đường giao thông, các doanh trại quân đội, các khu vực kinh tế nhằm gây cho ta những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng. Trong tình hình đó, việc bảo đảm công tác giao thông vận tải không bị gián đoạn là một nhiệm vụ vô cùng trọng yếu đối với các hoạt động sản xuất của các ngành, các địa phương và tăng cường khả năng quốc phòng”.

Để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của Thanh niên trong việc đảm đương các nhiệm vụ khó khăn nhưng vẻ vang đó, Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ quyết định giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước.

  Chỉ sau 20 ngày Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị thành lập TNXP chống Mỹ cứu nước, ngày 12/7/1965, Bác Hồ đã trực tiếp nghe Trung ương Đoàn báo cáo về tình hình tuyển quân. Trong các lời căn dặn quý báu của Bác, Bác nhấn mạnh đến chính sách, nhất là chính sách đối với nữ TNXP và đặc biệt Bác quan tâm đến việc thông qua thực hiện lao động, chiến đấu mà đào tạo, rèn luyện TNXP tiến bộ, trưởng thành.

  Ngày 29/7/1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng có chỉ thị số 105 về việc tăng cường lãnh đạo công tác vận động Thanh niên trong tình hình mới có đoạn nói: “Để phát huy truyền thống của TNXP trong thời kỳ kháng chiến và để đáp ứng với nhiệt tình của Thanh niên đang sôi nổi thực hiện phong trào “Ba sẵn sàng” cần tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước nhằm phục vụ cho chiến đấu và xây dựng. Mỗi Đội TNXP phải là một đơn vị sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết đồng thời là một trường học văn hóa, kỹ thuật, nơi đào tạo và rèn luyện Thanh niên về mọi mặt”. Ngày 15/11/1965, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra Chỉ thị số 86 về việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí thích hợp với yêu cầu nhiệm vụ trị an, tác chiến của từng vùng cho các đơn vị TNXP. Đồng thời tiến hành đăng ký quản lý quân nhân dự bị, sẵn sàng bổ sung quân cho bộ đội khi có yêu cầu của Bộ Quốc phòng.

Sau khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ và Trung ương Đảng, từ tháng 6/1965 đến tháng 4/1975 trong cao trào “Ba sẵn sàng” do Trung ương Đoàn phát động đã có gần 20 vạn nam nữ thanh niên gia nhập các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước và có mặt ở hầu hết các chiến trường gian khổ nhất, ác liệt nhất, ngày đêm phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Chỉ riêng trên mặt trận giao thông vận tải từ Khu Bốn vào dọc đường Trường Sơn, dưới làn bom đạn và cả chất độc của địch, hàng vạn TNXP không quản ngại gian khổ, hy sinh, ngày đêm đào núi, vượt suối phá đá, xuyên đèo góp phần làm mới hơn 2.000 km đường chiến lược, đảm bảo giao thông thông suốt từ Bắc vào Nam, từ các hậu phương chi viện cho tiền tuyến.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, đế quốc Mỹ đã dùng hàng chục loại máy bay phản lực kể cả máy bay hiện đại nhất như B52, F111, đánh phá trên 7 vạn lần, ném 2,5 triệu tấn bom các loại, tập trung 80% vào các tuyến giao thông trọng điểm và ở những nơi này đại bộ phận TNXP trấn giữ. Nhiều ngày giặc Mỹ huy động từ 500 đến 1000 lần chiếc máy bay, bắn trên 90 vạn quả đại bác và tên lửa vào đất liền, thả xuống biển, xuống sông hàng vạn quả thủy lôi…Chỉ tính riêng Xuân Mậu Thân 1968, ở trọng điểm Cua chữ A do đơn vị TNXP đảm nhiệm phải chịu 969 lần B52 với trên 10.000 tấn bom các loại. Trên khắp mọi tuyến đường chiến lược thuộc Trung ương và các địa phương quản lý, các cầu phà, bến cảng, các trọng điểm đánh phá ác liệt ngày đêm, lực lượng TNXP cùng bộ đội và công nhân ngành giao thông vận tải đã anh dũng bám đường đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt từ Bắc vào Nam, Lực lượng TNXP còn là đội quân chủ lực mở các tuyến đường chiến lược dọc ngang từ phía Bắc đến phía Nam vĩ tuyến 17 và sang nước bạn Lào, đã xây dựng các kho tàng, bốc xếp, chuyển tải hàng triệu tấn vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng liên tục  từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam. Một số đơn vị TNXP còn trực tiếp tham gia chiến đấu bắn rơi 16 máy bay, bắt sống 13 giặc lái và 16.000 đội viên TNXP được tuyển chọn trực tiếp bổ sung vào quân đội.

Các đội quân TNXP đã trở thành lực lượng quan trọng trong cuộc chiến tranh nhân dân. Việc huy động kịp thời lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước trong thời gian này là một quyết sách độc đáo, sáng tạo góp phần đối phó kịp thời với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược. Hành động anh hùng, lao động chiến đấu dũng cảm, kiên cường sẵn sàng hy sinh vì mạch máu giao thông Tổ quốc như anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế trên đường 12A Quảng Bình, Đinh Thị Thu Hiệp trên đèo Đá Đẽo đường 15A (đường Trường Sơn lịch sử), Nguyễn Tri Ân trên đất Hà Tĩnh kiên cường…và hàng vạn nam nữ TNXP khác đã không quản gian lao, nguy hiểm sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng, mãi mãi là những tấm gương sáng chói của lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước. Tiêu biểu như anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Vân Liệu thuộc Đội TNXP số 25 Anh hùng tham gia chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường Thắng lợi” làm nên con Đường 20 Quyết Thắng – một con đường lịch sử của thời kỳ chống Mỹ cứu nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá “Đường 20 – Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và Thanh niên xung phong làm nên”.

Trên con đường này, đơn vị Nguyễn Thị Vân Liệu được phân công bám giữ trọng điểm cua chữ A trên đèo Phu La Nhích và Ngầm Ta Lê. Địa hình hiểm trở một bên núi cao, một bên vực thẳm. Nơi kẻ thù coi là yết hầu của mạch máu giao thông từ miền Bắc vào miền Nam. Nơi ấy sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Các loại phương tiện, vũ khí tối tân nhất của đế quốc Mỹ được sử dụng. Máy bay C130, Thần Sấm, Con Ma, B52 thay phiên nhau đánh phá. Có ngày chúng đánh tới trăm lần, ban đêm thả pháo sáng rực cả một vùng, tưởng như không có một vật gì chúng không nhìn thấy. Bom xới đạn cày, đến nỗi núi đồi không còn một cành cây, ngọn cỏ. Mùa khô trở thành núi đỏ, mùa mưa trở thành hồ lầy, không thể đào nổi một hố trú ẩn cá nhân. Mùa khô 1967, 1968, 1969, 1970, Mỹ đã dùng đủ mưu thuật của chiến tranh hiện đại đổ vào các trọng điểm không biết bao nhiêu tấn bom đạn, chất độc hóa học, bom lân tinh, bom la de, bom khoan, bom nổ chậm, bom từ trường, bom bi, rốc két, mìn vướng, mìn tai hồng, mìn hẹn giờ, cây nhiệt đới thu tiếng động…để hủy diệt lực lượng của ta. Thế nhưng những chiến sĩ TNXP vẫn kiên cường bám trụ, bám trọng điểm với tinh thần “xe chưa qua, ta chưa nghỉ”. Trời mưa to, đất đá đổ ngổn ngang xuống lòng đường kéo dài hàng cây số, bùn lầy nhão nhoét, trời rét căm căm, các chiến sĩ TNXP phải thức suốt đêm tầm tã trong mưa dầm gió rét để thông đường và dẫn dắt xe qua trọng điểm an toàn. Có thời gian thiếu gạo, thiếu muối, thiếu rau, thiếu thuốc men, thiếu vải mặc, thiếu cả những thứ cần thiết cho chị em nữ, có lúc hàng trăm người bị sốt rét, người sốt nhẹ phục vụ người sốt nặng cáng nhau đi viện, người nằm trên cáng và người cáng đều là bệnh nhân, người nào giảm sốt xuống khiêng, người nào sốt cao lên cáng, cứ thế thay nhau…Đơn vị đa số là nữ, có một số nam giới tham gia tổ xung kích phá bom đợt đầu đã bị hy sinh. Cả đơn vị thề “quyết tử cho Cua chữ A quyết sinh”. Một phong trào tìm mưu, hiến kế để phá bom nổ chậm được phát động. Người đề xuất sáng kiến đầu tiên là Nguyễn Thị Vân Liệu: Dùng bộc phá phá bom, lúc đầu đặt bộc phá cạnh quả bom, tra kíp nổ và đốt, rồi chọn một chỗ thích hợp để nghe. Nếu hai tiếng nổ nối tiếp nhau là đạt kết quả. Đối với những quả bom chui sâu xuống mặt đường thì khéo léo đào một hố sâu ở dưới quả bom theo hình nón, đáy nhỏ, miệng to, rồi nhồi bộc phá theo như hình trên cho xuống hố, tra kíp, mùn đốt. Kết quả khi bộc phá nổ đã hất tung quả bom lên, do đó bom nổ, mặt đường ít bị khoét sâu. Sáng kiến của Nguyễn Thị Vân Liệu và tinh thần dũng cảm quyết thắng của đơn vị phá bom được phổ biến cho toàn binh trạm 14 và toàn tuyến đường áp dụng. Biết tin này Bác Hồ rất vui, tự tay Bác gửi Huy hiệu của Bác tặng thưởng cho Liệu.

  Theo số liệu thống kê trong hơn 10 năm hoạt động (1965 – 1975) lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã nòng cốt xây dựng mới 2.165 km đường chiến lược, đường vòng, đường tránh. Trấn giữ 2.526 trọng điểm đánh phá để đảm bảo giao thông thông suốt trên 53 con đường dài trên 3.000 km. Vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực…ra tiền tuyến. Bổ sung 15.772 cán bộ, đội viên cho bộ đội chủ lực và công an vũ trang. 14.888 cán bộ, đội viên trưởng thành trong lao động, chiến đấu được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài trở thành một đội ngũ cán bộ cốt cán trên nhiều lĩnh vực ở các ngành, các cấp từ địa phương đến Trung ương. Đã có 26 cá nhân và 32 tập thể, địa phương, đơn vị được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân.

Ở miền Nam, Đảng và Mặt trận dân tộc giải phóng quyết định giao cho Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam tổ chức Lực lượng TNXP giải phóng. Trong cao trào Năm xung phong do Đoàn Thanh niên phát động với khẩu hiệu “Nơi đâu chiến trường cần, TNXP có mặt, nơi nào có giặc TNXP xuất quân”, hàng vạn TNXP đêm ngày sát vai cùng quân giải phóng phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu ở hầu hết các chiến trường từ Trị Thiên, Khu Năm, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và từ những trận đánh Mỹ đầu tiên ở Núi Thành (1965) đến các chiến dịch Tổng Tấn công chiến lược Tết Mậu Thân (1968), chiến dịch Tây Nguyên (1973) và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cùng với lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước ở miền Bắc, Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam được thành lập khi cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành chuyển từ “đặc biệt” sang “cục bộ”. Hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu ồ ạt kéo vào miền Nam nước ta. Chiến trường chính, nơi đọ sức quyết liệt giữa lực lượng chủ lực hai bên là miền Đông Nam Bộ và Khu 5 – Tây Nguyên. Tại những nơi này, địch gom dân, kèm kẹp gắt gao, thực hiện triệt để chính sách cướp sạch, đốt sạch, giết sạch tàn bạo. Trong bối cảnh đó, vấn đề phục vụ bộ đội chủ lực, chiến đấu trở nên cực kỳ cấp bách. Không thể sử dụng dân công thông thường, chiến trường chính của bộ đội chủ lực đòi hỏi một lực lượng phục vụ thật đặc biệt, rất cơ động, linh hoạt sát vai cùng bộ đội như hình với bóng trong suốt các trận đánh và mỗi chiến dịch.

Ngày 20/4/1965, Đội TNXP  giải phóng đầu tiên làm lễ xuất quân với 108  nam nữ cán bộ đội viên nòng cốt rút từ các cơ quan Trung ương Cục. Tiếp theo đó hàng chục ngàn TNXP tuyển từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long đã vượt sông suối, núi rừng, vừa hành quân đánh địch lần lượt tập trung về căn cứ (R). Mười một Đội, mỗi Đội có số quân tương đương một đại đội. Về sau hình thành 3 Liên đội 5, 7, 9 trực tiếp phục vụ 3 Sư đoàn chủ lực 5, 7, 9. Vừa xuất quân lực lượng TNXP đã phục vụ ngay có hiệu quả các trận đánh Mỹ  nổi tiếng đầu tiên: Phước Long, Đồng Xoài, Bông Trang, Nhà Đỏ…

Ngay từ buổi đầu  TNXP rất được bộ đội yêu mến, tin cậy. Trước các trận đánh, TNXP đi trước chuẩn bị chiến trường. Trong các trận đánh TNXP sát vai cùng bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu, sơ cứu và khiêng cáng thương binh ra tuyến sau. Sau trận đánh TNXP vẫn ở lại thu dọn chiến trường, không để sót thương binh, tử sĩ. Không ít trường hợp bị địch quay lại phản kích cả đơn vị TNXP hy sinh. Còn trên đường về hậu cứ, trong mưa bom lửa đạn, nhiều trường hợp TNXP lấy thân mình che chở cho thương binh, quyết không để chiến binh bị thương lần thứ hai. Anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên, người con gái tỉnh Bình Dương, đội Phú Lợi căm thù là một trong nhiều tấm gương tiêu biểu của TNXP đã dũng cảm hy sinh, lấy thân mình che chở cho thương binh. Nhiều trường hợp TNXP còn thay thương binh cầm súng hoặc cướp súng của địch diệt địch, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, bắt sống tù binh Mỹ và chư hầu, phá hỏng xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi trực thăng địch như các anh: Trương Thanh, Trịnh Duy Hoàng, Lê Văn Đức, Trang Bá Phúc, Trịnh Văn Thi, Lê Văn Gieo, Phạm Văn Be, các chị Hoàng Anh, Võ Thị Rậm, Hồ Ánh Tuyết, Phạm Thị Mãnh, Nguyễn Thị Hồng Láng…đã được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Mười năm phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, lực lượng TNXP giải phóng đã xây dựng nên truyền thống “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công xuất sắc”. Chỉ tính riêng Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam từ ngày thành lập (20-4-1965) đến ngày 30-4-1975 đã tham gia phục vụ 16 chiến dịch lớn với 641 trận đánh cấp Trung đoàn trở lên, vận chuyển 20.153 tấn vũ khí, lương thực…ra trận địa, nhận 9.062 thương binh đưa về tuyến sau, trực tiếp chăm sóc, bảo vệ 2077 thương binh, tiếp đón nuôi dưỡng 3.500 cán bộ chiến sĩ được trao trả. Đào 1.535 hầm phẫu thuật, xây dựng 8 bệnh viện dã chiến, 272 kho chứa hàng, mở 284 km đường thồ, 29 km đường ô tô và bắc 21 cây cầu vượt sông suối. Đặc biệt một số đơn vị TNXP đã trực tiếp chiến đấu trên 40 trận từ cấp Trung đội đến cấp Tiểu đoàn. Diệt và bắt sống 1.119 tên địch có 286 tên Mỹ, 7 lính Pắc Chung Hy, 270 lính Lonnon, bắn cháy, phá hủy 10 xe tăng, M113, 5 máy bay, thu nhiều vũ khí…

Thông qua chiến đấu, rèn luyện Tổng đội chuyển sang Công an vũ trang một tiểu đoàn và Quân đội một đại đội, tổng số 600 cán bộ chiến sĩ. Đồng thời chuyển 242 cán bộ về tăng cường cho các địa phương. Đặc biệt, cùng với Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam, còn có các đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như: Đội TNXP ẤP Bắc, Liên đội TNXP Võ Như Hưng (Quảng Đà), Tiểu đội 1, Đại đội 759 Đoàn 559…

Tại chiến trường khu 5 và Tây Nguyên các Tổng đội TNXP giải phóng mang tên các anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, Võ Như Hưng có 5 tiểu đoàn theo sát các Sư đoàn bộ đội chủ lực phục vụ các trận đánh lớn và 10 tiểu đoàn cùng Bộ đội Đoàn 559 phục vụ tuyến đường Trường Sơn, tiêu biểu có Tiểu đoàn 2 nữ TNXP thuộc Quân khu 5 do Phạm Thị Thao làm Tiểu đoàn trưởng đã kiên cường dũng cảm vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù trực tiếp phục vụ bộ đội. Có nhiều nữ cựu TNXP hàng tháng trời trên vai gùi cõng súng đạn với khối lượng nặng gấp đôi cơ thể mình; chiến sĩ Nguyễn Thị Huấn vác cả nòng pháo nặng trên 100 kg. Cả tiểu đoàn và 2 cán bộ Phạm Thị Thao, Nguyễn Thị Huấn cũng đã được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, nhất là ở Khu 5 không chỉ được tổ chức ở vùng giải phóng, vùng căn cứ kháng chiến mà còn được tổ chức bí mật trong đô thị và vùng địch kiểm soát. Trong thời gian trước, trong và sau tết Mậu Thân 1968, hàng trăm học sinh, sinh viên các đô thị Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang…thuộc khu 5 đã tìm cách hóa trang hợp pháp thoát ly lên căn cứ tham gia TNXP. Rồi từ căn cứ bí mật trở về vùng địch xây dựng cơ sở, thành lập các đội TNXP vũ trang tuyên truyền, diệt ác ôn, vận động thanh niên, học sinh, sinh viên nòng cốt đấu tranh 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh địch vận), đào hầm bí mật, bảo vệ cán bộ, phục vụ bộ đội đặc công, tập kích các đồn, bốt địch, tiêu diệt bọn sĩ quan và cố vấn Mỹ, vận chuyển thương binh ra vùng giáp ranh…Có cả nhiều trường hợp tổ chức cài cắm sâu vào CIA của Mỹ để nắm tình hình phục vụ cho các cơ quan lãnh đạo Cách mạng. Có trường hợp còn giáo dục được một tù binh Mỹ giác ngộ đổi tên là Nguyễn Chiến Đấu, tự nguyện xin kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam, bổ sung  vào Đội TNXP vũ trang tuyên truyền binh địch vận. Qua lời kêu gọi, vận động, đấu tranh bằng truyền đơn, bằng loa pin, loa máy, băng ghi âm, ghi hình của chiến sĩ TNXP Nguyễn Chiến Đấu, một bộ phận lính Mỹ và chư hầu ở miền Trung đã nhận rõ bản chất  của kẻ xâm lược, và của nhân dân Việt Nam anh hùng chống xâm lược, góp phần làm dao động và tan rã một số sĩ quan, binh lính Mỹ và chư hầu ở miền Trung nhận rõ bản chất của kẻ xâm lược và hoang mang, dao động

IV. Tiếp bước cha anh, các thế hệ Thanh niên xung phong sau ngày thống nhất Tổ quốc tiếp tục lập công trong thời kỳ mới

Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước và nhân dân ta, kỷ nguyên độc lập tự do, thống nhất cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới rất nặng nề khó khăn và phức tạp.

Để khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng lại đất nước ta đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ mong muốn, và tạo môi trường hoạt động cho tuổi trẻ rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đoàn (26/3/1931 – 26/3/2010), Ban chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi “Toàn thể cán bộ Đoàn viên và thanh niên trong cả nước hãy biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

  Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng thi đua thực hiện các phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể”, “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hàng vạn Thanh niên xung phong thuộc thế hệ thứ ba xung kích lên đường có mặt trên những tuyến đầu gian khó nhất, những nơi hoang tàn đổ nát do chiến tranh phá hoại và các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội; sắp xếp ổn định dân cư gắn với việc giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên và các đối tượng khác; thực hiện nhiệm vụ công ích, tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn đang đặt ra, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng đổi mới đất nước, trong đó điển hình là:

Lực lượng TNXP Trung ương: do Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo, trực tiếp là Ban chỉ huy Lực lượng TNXP Trung ương đã và đang triển khai thực hiện 26 dự án xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp và Khu kinh tế TNXP (ở dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và vùng đặc biệt khó khăn), 9 dự án phát triển thủy sản ở các xã nghèo, 2 dự án xây dựng Đảo thanh niên, dự án xây dựng 1000 cầu nông thôn thay thế cầu khỉ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Ninh, xây dựng gần 100 km đường Hồ Chí Minh. Các dự án do TNXP đảm nhận góp phần khẳng định vai trò của Đoàn thanh niên tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình giải quyết việc làm, Chương trình phát triển, khai thác thủy sản, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình 193, chương trình biển đông hải đảo…Các dự án do TNXP đảm nhận được triển khai thực hiện có hiệu quả, được các Bộ, ngành và địa phương đánh giá cao, đã có nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Từ đó đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng dự án xây dựng làng Thanh niên lập nghệp ở vùng biên giới và xã đặc biệt khó khăn, dự án xây dựng đảo Thanh niên và dự án xây dựng cầu nông thôn mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh: Trên 30 năm xây dựng và trưởng thành, đã có 8 Trường – Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm, 1 Tổng đội, 1 khu công nghiệp và dân cư đô  thị, 4 Doanh nghiệp Nhà nước và 3 Công  ty cổ phần; với tổng số gần 6.000 cán bộ công nhân viên chức và người lao động. Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” và Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và các phần thưởng cao quý khác…cho các tập thể, cá nhân trong lực lượng TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ công cuộc cải tạo xây dựng thành phố sau chiến tranh, công tác giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến, hoạt động công ích, dạy nghề giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh góp phần tích cực hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Đặc biệt, hàng nghìn TNXP đã dũng cảm chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phục vụ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu giúp nhân dân Cam pu chia đánh bại bọn diệt chủng Pôn Pốt giải phóng hoàn toàn đất nước Cam pu chia anh em.

Lực lượng TNXP xây dựng kinh tế Nghệ An: từ 1 tổng đội TNXP xây dựng kinh tế thành lập năm 1986, đến nay đã có 10 Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế và 1 Trung tâm giáo dục và giải quyết việc làm. Lực lượng TNXP xây dựng kinh tế Nghệ An do tỉnh Đoàn Nghệ An quản lý chỉ đạo có nhiệm vụ xung kích xây dựng mô hình phát triển kinh tế – xã hội – khu kinh tế TNXP phục vụ chương trình phát triển – xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng miền tây của tỉnh Nghệ An. Hiện nay Lực lượng TNXP – Xây dựng kinh tế Nghệ An quản lý gần 40 ngàn ha đất, 1400 hộ đội viên với 2547 lao động. Bằng chương trình đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế – xã hội tại vùng xung yếu miền tây Nghệ An; đời sống, thu nhập, công tác giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao của đội viên ngày càng ổn định và phát triển; là hình mẫu và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đồng bào dân tộc vùng cao và địa phương; tham gia phát triển văn hóa cơ sở, giữ gìn trật tự, an ninh quốc phòng trên địa bàn. Đã được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương lao động hạng Nhất, 2 Huân chương lao động hạng Nhì, 4 Huân chương lao động hạng Ba và nhiều hình thức khen thưởng khác của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền, các ngành địa phương.

 Hiện nay cả nước có 60 đơn vị TNXP ở 28 tỉnh, thành phố và một số ngành kinh tế, gồm 26 Tổng đội TNXP; 11 Trường – Trung tâm giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm; 10 Ban quản lý dự án TNXP, 12 doanh nghiệp TNXP, 1 khu công nghiệp – khu dân cư TNXP. Từ 2 mô hình Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh, Lực lượng TNXP xây dựng kinh tế Nghệ An và các mô hình dự án TNXP của Trung ương Đoàn, Lực lượng TNXP đang ngày càng phát triển mở rộng và hoạt động hiệu quả ở các tỉnh thuộc vùng khó khăn. Đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và chính sách đối với TNXP, tạo cơ sở pháp lý để lực lượng TNXP tiếp tục phát triển.

V. Sáng ngời phẩm chất Thanh niên xung phong Việt Nam

  Một trong những nét đặc sắc về phẩm chất cách mạng của lực lượng TNXP ở cả 2 miền Nam, Bắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là nghị lực phi thường và tinh thần lạc quan, yêu đời vững tin vào ngày toàn thắng, bắt nguồn từ 4 câu thơ Bác Hồ dạy: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Tỏ rõ phẩm chất của người chiến sĩ TNXP là sẵn sàng đi đến những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì được Đảng và nhân dân giao. Càng trong khó khăn gian khổ, càng thể hiện sáng ngời tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thương đồng đội, đồng chí, yêu nhân dân, yêu đất nước, tinh thần chiến đấu và ý chí quyết thắng, luôn vững tin vào ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến, vào thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng và vững tin vào sự phấn đấu, tiến bộ, trưởng thành của bản thân trong trường học lớn TNXP. Từ đó “Tiếng hát át tiếng bom” không chỉ là khẩu hiệu động viên mà đã thực sự trở thành phương châm cuộc sống của TNXP. Càng gian khổ, ác liệt, tinh thần lạc quan yêu đời càng được phát huy, càng có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ ý chí sẵn sàng xả thân vì những tuyến đường ra trận, vì những công trình phục vụ chiến đấu và chiến thắng của công cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Hầu hết các đơn vị TNXP trong khi làm nhiệm vụ kể cả ở những tọa độ lửa vẫn thường xuyên duy trì những buổi học văn hóa, chính trị, quân sự, nghiệp vụ, sinh hoạt văn nghệ. Trong tiếng bom đạn địch rung chuyển mặt đường không át nổi tiếng hát, lời ca của TNXP. Trái lại tiếng hát của TNXP thật sự đã át cả tiếng bom rền, tiếng gầm rú của máy bay giặc. Càng gian khổ, ác liệt càng tôi rèn thêm ý chí phấn đấu, càng trưởng thành về mọi mặt, vững vàng và lớn lên nhanh chóng trong cuộc sống của lực lượng TNXP, theo tư tưởng “Trường học lớn” của Bác Hồ. Nhiều Thanh niên nhất là ở miền Nam, khi mới tham gia TNXP học lực chỉ mới lớp một, lớp hai thậm chí chưa biết chữ, nhưng chỉ qua vài ba năm trong quân ngũ vừa tích cực công tác, chiến đấu vừa nỗ lực học tập đã đạt trình độ cấp 1 cấp 2. Để sau này được tiếp tục cử đi học các trường trong nước hoặc nước ngoài, tốt nghiệp đại học, trên đại học, được đào tạo, bồi dưỡng trở thành những cán bộ chủ chốt trên nhiều lĩnh vực ở các ngành các cấp từ địa phương đến trung ương. Trong đó có một số khá đông giữ trọng trách trong cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Suốt chặng đường 25 năm tham gia phục vụ kháng chiến, truyền thống hào hùng của TNXP Việt Nam không chỉ thể hiện ở tinh thần gan dạ, sẵn sàng xả thân xông lên vượt qua mưa bom bão đạn, lập công xuất sắc trong nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu mà còn thể hiện ở tinh thần táo bạo, thông minh, sáng tạo trong lao động, công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng giao, để tạo nên thế đứng vững chắc cho lớp lớp thanh niên xung phong kế tiếp nhau lập nên những kỳ tích, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn, ác liệt suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Truyền thống hào hùng của TNXP còn góp phần tạo nên một phẩm chất cách mạng vẻ vang cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và cả thế hệ trẻ Việt Nam, đó là phẩm chất như Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định “Tôi luôn coi TNXP như Bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”. Và đây là phẩm chất đặc sắc bắt nguồn từ tư tưởng lớn của Bác Hồ về TNXP, coi TNXP là một trường học lớn của cách mạng nhằm giáo dục giác ngộ cả thế hệ trẻ vừa đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên phục vụ kháng chiến thắng lợi và phục vụ công cuộc kiến thiết, xây dựng, phát triển đất nước thành công.

Truyền thống hào hùng của lực lượng TNXP Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi công trạng bằng quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và tặng thường Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất cho toàn lực lượng. Nhà nước cũng tuyên dương danh hiệu Anh hùng cho lực lượng TNXP các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, cho Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam và các Đội TNXP số 25 Đường Quyết Thắng, Đại đội 759 thuộc Đội 75 Quảng Bình, Đại đội 551 thuộc Đội 55 Hà Tĩnh, Tổng đội TNXP 572, Tập thể 10 nữ liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, tập thể 60 liệt sĩ TNXP hy sinh tại ga Lưu Xá, Thái Nguyên….

Đặc biệt còn hàng nghìn anh hùng, liệt sĩ không tên ở khắp các chiến trường Nam – Trung – Bắc mà vong linh các anh các chị hội tụ về: các tượng đài  chiến thắng Điện Biên Phủ; Đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP Ngã ba Cò Nòi – Sơn La,;  Nhà bia tưởng niệm khắc danh 60 liệt sỹ TNXP đại đội 915 và các liệt sỹ khác ở Gia Sàng, Thái Nguyên; Đài tưởng niệm các liệt sỹ TNXP ở Truông Bồn, Nghệ An; Đài tưởng niệm TNXP Ngã ba Đồng Lộc cùng với nhà truyền thống TNXP toàn quốc, nhà bia tưởng niệm TNXP khắc danh 1950 liệt sỹ TNXP toàn quốc ở ngã 3 Đồng Lộc – Hà Tĩnh; Đài tưởng niệm TNXP đường 20 Quyết Thắng, bến phà Long Đại – Quảng Bình; Đài tưởng niệm TNXP Giải phóng miền Nam tại đồi 82 huyện Tân Biên -Tây Ninh…

Công lao to lớn và sự hy sinh oanh liệt của các anh hùng liệt sĩ TNXP cùng với truyền thống hào hùng của Lực lượng TNXP Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, cứu nước đã, đang và mãi mãi là hành trang tinh thần của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và thế hệ trẻ Việt Nam trên con đường đi tới tương lai, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh.

Ban Tuyên truyền Thi đua Hội Cựu TNXP Việt Nam

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready