Từ một vùng đất nhỏ bé của người Êđê, do vị trí địa lý thuận lợi và đất đỏ bazan màu mỡ, các cộng đồng dân cư của mọi miền Tổ quốc hội tụ về đây, chung lưng đấu cật sinh cơ lập nghiệp, tạo dựng cơ đồ bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 19; họ cùng nhau chống thù trong giặc ngoài, nhất là từ khi thực dân Pháp đặt chân lên Tây Nguyên với các phong trào đấu tranh của Ama Jhao, N'Trang Gưh, Oi H’Mai, Sam Brăm, N'Trang Lơng, Y Út, Y Jút... Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột bước sang một bước ngoặt mới. Cùng với nhân dân tỉnh Dak Lak và cả nước, nhân dân Buôn Ma Thuột đã tiến hành cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 giành chính quyền và hai cuộc kháng chiến trường kỳ, với 9 năm chống thực dân Pháp và 20 năm chống đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10-3-1975, mở đầu Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Buôn Ma Thuột đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Sau giải phóng, từ một thị xã nhỏ bé, bị chiến tranh tàn phá, lại tiếp tục đấu tranh, xử lý Fulro, đến cuối năm 1975, ta đã giải quyết cơ bản các nhóm phản động Fulro len lỏi trong các buôn, ổn định tình hình an ninh chính trị ở các địa bàn nông thôn, tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong đông đảo quần chúng. Và 40 năm sau, Buôn Ma Thuột có một diện mạo như ngày hôm nay, đó là một quá trình phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc thành phố: sau 20 năm lên thành phố và 5 năm trở lại đây là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Buôn Ma Thuột xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh và đang ra sức phấn đấu tạo nền tảng để sớm trở thành trung tâm về khoa học - công nghệ, công nghiệp, dịch vụ, giáo dục, y tế và thể thao của vùng Tây Nguyên theo Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị. Ghi nhận những thành tích của thành phố, năm 2014 Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng III.
Một góc thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: H.G |
Suốt chiều dài lịch sử hào hùng, qua nhiều lần tổng kết quá trình xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, chúng ta có thể rút ra những bài học lịch sử quý giá như sau:
Thứ nhất, thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn Đảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, nhất là năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh và tính năng động, sáng tạo, linh hoạt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Thứ hai, phát huy sức mạnh đại đoàn kết và truyền thống anh hùng của nhân dân các dân tộc thành phố; thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đây là yếu tố quan trọng, phù hợp với một thành phố có đến 40 dân tộc anh em trong cả nước đang sinh sống trên địa bàn, để huy động nội lực trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột.
Thứ ba, củng cố hệ thống chính trị gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thành phố có phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực, chuyên nghiệp trong thực thi công vụ, có cơ cấu hợp lý và tính kế thừa qua các thế hệ; phát huy vai trò của người đứng đầu tại các địa phương, đơn vị, nhất là thực hiện nêu gương, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt.
Thứ tư, luôn luôn xác định đúng vị trí, vai trò trung tâm, đầu tàu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh, do vậy phải phát huy có hiệu quả các lợi thế, điều kiện và nội lực của địa phương, tranh thủ thời cơ và nguồn lực từ bên ngoài để tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo những nền tảng quan trọng để hướng tới xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị.
Thứ năm, phát triển kinh tế phải đi đôi với việc đảm bảo an sinh xã hội, môi trường sinh thái; đồng thời phải gắn chặt với nhiệm vụ củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện để giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quá trình hội nhập, phát triển trong tương lai, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, những bài học lịch sử quý giá trên phải được phát huy tốt hơn trong từng hoàn cảnh lịch sử, từng tình hình cụ thể. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phải thấm nhuần và vận dụng vào thực tiễn, để trở thành việc làm thường xuyên, góp phần xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Nguyễn Viết Tượng
(Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột)