Nhiều đoàn viên thanh niên được vay vốn học tập và khởi nghiệp
Nhiều đoàn viên thanh niên được vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ
Nhờ sự tích cực vào cuộc của các tỉnh, thành đoàn đã hỗ trợ hàng triệu hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đoàn viên thanh niên có thêm cơ hội học tập, tạo công ăn việc làm, khởi nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, với sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn thanh niên từ các vốn vay của NHCSXH đã giải quyết được 92 nghìn lao động; cung cấp hơn 36 nghìn công trình nước sạch cho nhân dân; xây dựng 9,5 nghìn căn nhà cho hộ nghèo; Hơn 7 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn học tập.
Dư nợ ủy thác qua hệ thống Đoàn thanh niên tập trung vào các chương trình cho vay như: Cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; cho vay học sinh, sinh viên.
Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống đoàn đã có sự tăng trưởng tốt, dư nợ trong hệ thống Đoàn thanh niên đạt 20.623 tỷ đồng trong tổng số 163.980 tỷ đồng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Tất cả các tỉnh, thành đoàn đều tăng dư nợ ủy thác, có nhiều tỉnh tăng dự nợ trên 50 tỷ đồng (Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Thanh Hóa), trong đó, Nghệ An là tỉnh có tăng trưởng dư nợ cao nhất, đạt 72,7 tỷ đồng.
Công tác huy động tiền gửi tiết kiệm đã có hơn 99% các Tổ do Đoàn quản lý đều tham gia hoạt động gửi tiền tiết kiệm. Tỷ lệ hộ vay tham gia gửi tiền tiết kiệm trong tổng số hộ vay trong các Tổ do Đoàn quản lý đạt 95%.
Điểm nổi bật của Đoàn thanh niên là xóa được 93 xã “trắng” Tổ tích kiệm và vay vốn (TK&VV) do Đoàn quản lý, thể hiện rõ uy tín và vị thế của Đoàn được ghi nhận và dần được nâng cao trong nhận thức của người dân tại địa phương. Đặc biệt, hiện tại, Đoàn thanh nên đang quản lý 24.181 Tổ TK&VV (tăng 200 tổ so với cuối năm 2016).
Từ những kết quả đạt được, vị thế của Đoàn trong hệ thống chính trị-xã hội ngày càng được tăng cường và mở rộng. Khu vực miền núi trung du phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung là những khu vực nhiều hộ gia đình được vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư BCH Trung ương Đoàn (bên trái) và Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì Hội nghị
Còn nhiều bất cập và khó khăn
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đánh giá tình hình thực tế khi áp dụng tại địa phương còn nhiều khó khăn tồn tại. Dư nợ của tổ chức Đoàn vẫn thấp nhất, tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất trong 04 tổ chức chính trị-xã hội; Dư nợ giữa các tỉnh, thành đoàn không đồng đều; Nợ quá hạn có xu hướng tăng; Xã “trắng” còn chiếm tỷ lệ cao; Công tác kiểm tra, giám sát ở một số tỉnh, thành đoàn chưa sâu sát, cụ thể, hiệu quả; Cán bộ đoàn cơ sở một số nơi chưa nắm rõ tình hình hộ vay, chất lượng nợ của từng hộ vay; công tác chỉ đạo của tỉnh chưa sâu sát; sự khác biệt văn hóa vùng miền;…
Ngoài ra, các điều khoản còn khó khăn như việc thế chấp và định giá tài sản tại nhiều địa phương khác nhau dẫn đến bất cập; Việc quy định khung giá tài sản không đảm bảo tiêu chí để được vay; Các mức vay còn chưa linh động.
Tại Hội nghị, Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao mức ủy thác, có mức tăng trưởng ấn tượng, tỷ lệ tốt, quy mô các tổ tăng, sự nỗ lực của thanh niên trong huy động và hoạt động kiểm tra giám sát đã được chú trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều hạn chế như nợ quá hạn xu hướng tăng; có hiện tượng tín dụng xâm tiêu, số tổ trung bình yếu tăng.
Đồng chí nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, Đoàn thanh niên phải tích cực tuyên truyền ý nghĩa hiệu quả, tác dụng, thành quả đã đạt được sau 15 thực hiện chính sách; Các đơn vị báo chí của Đoàn chủ động tiếp cận các nguồn thông tin hiệu quả, các mức vay của đoàn viên thanh niên, sinh viên. Ngoài ra, cần thúc đẩy công tác kiểm tra, để Ban Thường vụ các tỉnh, thành đoàn tìm ra phương hướng phát triển hoặc giao cho đoàn viên thanh niên giải quyết giảm số xã “trắng” còn nhiều tại một số tỉnh./.
Theo doanthanhnien