Nhà văn Bỉ đến Việt Nam sáng tác tiểu thuyết trong 24 giờ
|
Chiều nay 29.9, tác giả Nicolas Ancion đã có buổi họp báo giới thiệu về quyển sách mới được dịch sang tiếng Việt -Chuyện tầng năm - cũng như thử thách viết tiểu thuyết trực tuyến sắp diễn ra.
Dù đã hơn 40 tuổi nhưng Nicolas Ancion vẫn được xem như là một nhà văn của giới trẻ khi ông đưa vào tác phẩm những vấn đề, trải nghiệm, lựa chọn mà người trẻ thường trải qua trong đời.
Nhà văn người Bỉ đã sáng tạo ra kiểu viết tiểu thuyết trực tuyến trong 24 giờ mà không suy nghĩ trước đề tài, hay còn gọi là viết marathon từ 4 năm trước trong một hội chợ sách tại Bruxelles (Bỉ). Sau đó ông đã hoàn thành quyển tiểu thuyết marathon thứ hai tại New York, Mỹ vào năm 2013.
Đến Việt Nam để giới thiệu về quyển sách mới Chuyện tầng năm lần này, nhà văn người Bỉ đã quyết định thực hiện thử thách 24 giờ lần thứ ba tại TP.Hà Nội và TPHCM. Khác với hai lần viết trước, ông sẽ không viết liên tục 24 giờ mà chia ra viết ở mỗi thành phố 12 giờ. Tiểu thuyết sẽ được đăng liên tục trên mạng để các độc giả Việt Nam vào bình luận và góp ý.
Chia sẻ về lý do tự đặt ra thử thách viết tiểu thuyết trong 24 giờ, nhà văn Ancion cho biết: “Tôi cảm thấy thế giới đang thay đổi rất nhanh với sự chiếm lĩnh của mạng xã hội mà những quyển truyện, tiểu thuyết vẫn nguyên hình thức như vậy trong suốt nhiều năm qua. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mình nên làm điều gì đó khác biệt. Hơn nữa, niềm vui lớn nhất của tôi khi viết sách là được giao lưu với độc giả, được lắng nghe ý kiến của họ. Trong khi đó nếu viết một quyển sách bình thường thì những ý kiến đầu tiên tôi nghe được để chỉnh sửa tác phẩm của mình là nhà xuất bản. Tôi phải nhấn mạnh việc viết tiểu thuyết trực tuyến trong thời gian 24 tiếng và nhận được phản hồi lập tức là một cảm giác thật sự đặc biệt”.
|
Trao đổi với Thanh Niên Online, nhà văn Nicolas Ancion cho biết ông có hai điều khó khăn nhất khi viết tiểu thuyết trong 24 giờ: Đầu tiên là sự mệt mỏi, bởi vì tôi phải luôn ngồi một tư thế để gõ liên tục mà không hề được ngủ. Phải rất cố gắng để giữ được nhịp độ suy nghĩ và viết trong tình trạng như vậy. Khi sang Việt Nam thì mọi thứ đã dễ chịu hơn khi tôi được viết hai lần, mỗi lần 12 tiếng. Khó khăn thứ hai đó là khi viết marathon, tôi viết ngay khi ý tưởng đến mà không có thời gian để giữ khoảng cách với nó, đủ để chiêm nghiệm và suy nghĩ đầy đủ về những gì mình viết. Điều quan trọng nhất lúc đó là phải chọn lọc và hoàn thành nhanh nhất có thể.
Ngoài ra, tác giả của Chuyện tầng năm cũng chia sẻ sau thử thách ở Việt Nam, ông đang sẽ viết tiếp hai quyển tiểu thuyết marathon tại thành phố Madagascar (châu Phi) và thành phố Wellington (châu Đại Dương) để có trọn bộ tác phẩm được sáng tác tại 5 quốc gia thuộc năm châu lục khác nhau.
Theo thanhnien