Người bạn đồng hành của thanh niên
Hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp
Năm 2009, được Hội LHTN xã, Đoàn xã hỗ trợ vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn vay thanh niên, chị Lã Thị Thanh Tuyền (thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) đã cải tạo lại hơn 1,7 ha đất ruộng để làm lúa. Không chỉ hỗ trợ vốn, chị Tuyền còn được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do tổ chức Đoàn, Hội tại địa phương phối hợp tổ chức để áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, mỗi năm 2 vụ lúa của gia đình đều cho năng suất cao, thu nhập ổn định. Đến năm 2013, sau khi được tiếp cận với cây khoai lang Nhật Bản và nhận thấy đây là loài cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, chị Tuyền lên ý tưởng phát triển mô hình kinh tế mới. Thông qua tổ chức Đoàn, Hội, chị được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng thử nghiệm 8 sào khoai lang Nhật Bản. Vượt qua những khó khăn ban đầu do thiếu kinh nghiệm sản xuất, thất bại nhiều lần, hiện nay, chị Tuyền đã mở rộng diện tích trồng khoai lên 6 ha, trung bình mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho hơn 20 lao động trên địa bàn.
Hội viên thanh niên tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của thanh niên tại Ngày hội thanh niên nông thôn. |
Được định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ vay 20 triệu đồng làm vốn sản xuất, kinh doanh từ Quỹ Khởi nghiệp của Hội LHTN Việt Nam huyện, sau 3 năm anh Nguyễn Hải Kiên (xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar) đã lập nghiệp thành công, làm chủ một cửa tiệm sửa chữa, tân trang, bán phụ tùng xe máy đáng tin cậy ở địa phương. Hiện tại với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng, anh Kiên không chỉ trả được vốn vay mà còn tích cóp thêm được số vốn để mở rộng cửa tiệm trong thời gian tới.
Từ nguồn vốn vay thông qua tổ chức Hội, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp” đã phát huy được hiệu quả, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các mô hình kinh tế ổn định, cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Tạo môi trường rèn luyện kỹ năng cho thanh niên
Cùng với việc đồng hành, hỗ trợ thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, Hội LHTN tỉnh còn chú trọng tổ chức nhiều hoạt động, chương trình nhằm nâng cao kỹ năng thực hành xã hội, tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành.
Hội viên thanh niên TP. Buôn Ma Thuột tham gia dọn vệ sinh môi trường và trồng cây xanh tại xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột). |
"Thực hiện chủ đề công tác năm 2018 “Thanh niên sáng tạo”, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đang nỗ lực huy động các nguồn lực để triển khai có hiệu quả các chương trình, hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội cơ sở, để xứng đáng là người bạn đồng hành đáng tin cậy của thanh niên toàn tỉnh". Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Võ Văn Dũng |
Một trong những phong trào mũi nhọn của tổ chức Hội là vận động thanh niên thi đua cống hiến, xung kích, tình nguyện tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng được tổ chức phù hợp với tình hình thực tế ở các địa phương, thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Điển hình như phong trào hiến máu tình nguyện; hoạt động thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hoạt động vệ sinh môi trường… đã tạo dấu ấn và được xã hội đánh giá cao bởi giá trị thực tiễn. Đơn cử từ đầu năm đến nay, các cấp bộ Hội trong toàn tỉnh đã tổ chức 8 đợt khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 4.000 người dân với trị giá 260 triệu đồng; tặng 3.873 suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người già, thanh niên nghèo, tổng trị giá 725 triệu đồng; tặng 958 suất học bổng (mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng) cho các em học sinh nghèo, mồ côi vươn lên trong học tập; tổ chức 17 đợt hiến máu nhân đạo với hơn 13.600 đoàn viên, hội viên thanh niên đăng ký tham gia, thu được 7.396 đơn vị máu…
Hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng được các cấp bộ Hội đẩy mạnh thông qua các trò chơi dân gian, lễ hội văn hóa truyền thống, hội thi, hội diễn. Ngoài ra, việc thành lập gần 550 đội, nhóm cồng chiêng trẻ và duy trì các câu lạc bộ, nhóm theo ngành nghề, sở thích phù hợp với nhu cầu; hướng dẫn thanh niên tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử văn hóa, kỹ năng làm việc nhóm, tập thể… không chỉ thu hút đông đảo thanh niên tham gia vào tổ chức Hội mà còn góp phần xây dựng phong trào văn hóa quần chúng tại cơ sở.
Theo baodaklak