Ngày hội Văn hóa - Thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột: Đa sắc màu và đầy ấn tượng
Mối dây cộng cảm
Không chuyên nghiệp, không màu mè và nhất là không có “ông bầu” nào đứng ra đạo diễn, Ngày hội VH-TT các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (cụm 1) năm nay diễn ra trong không gian bình dị, tự nhiên và ấm áp tại khuôn viên Nhà Văn hóa Cộng đồng K’Dun (xã Cư Êbur). Và cũng chính trong không gian còn lưu giữ vốn văn hóa truyền thống đậm đặc ấy (nhà dài, vườn cây, bến nước) đã góp phần làm nên chiều sâu cho ngày hội.
Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, Trưởng Ban tổ chức ngày hội chia sẻ: Từ sáng sớm, bà con ở 19 thôn, buôn và khối phố trên địa bàn các xã, phường thuộc cánh Đông - Tây - Bắc của thành phố đã tập trung đông đủ. Bà con mang theo vốn văn hóa độc đáo và đặc sắc của dân tộc mình như: chiêng, ché, đàn, sáo, kèn, trống… và cả lúa gạo, chày cối, khung dệt thổ cẩm, soong nồi để giao lưu, biểu diễn. Không khí của ngày hội nhanh chóng sôi nổi và lan tỏa khắp cả vùng.
Đội chiêng nữ dân tộc Mường (thôn 3, xã Hòa Thắng) diễn tấu tại ngày hội.Ảnh: Đ. Triều
Thật thân thương, giàu tình cảm và ngọt ngào – ai có mặt trong dịp này đều có chung tâm sự ấy. Nhất là khi các nhạc sĩ, nghệ sĩ Linh Nga Niê Kdăm, Y Phôn Ksor, Y Kô Niê - những người con của buôn làng người Êđê, đồng thời cũng là những người “cầm cân nảy mực” cho các cuộc thi trong ngày hội nói lên tự đáy lòng mình: Những gì bà con mang đến – cồng chiêng, kèn đing năm, đing tút, đing pơng, tak tà, sáo vỗ, ching Kram … hòa quyện trong thanh âm dân ca, dân vũ đặc sắc: hát K’ưk, Aray (người Êđê) và các làn điệu cổ của người Thái, Tày, Mường…từ các tỉnh phía Bắc di cư vào Đắk Lắk những năm 90 thế kỷ trước, mới thấy đó là dòng chảy văn hóa đích thực của các cộng đồng người dân tộc thiểu số hiện đang chung sống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Trong ngày hội, nghệ nhân Y Míp Ayun - Đội chiêng lừng danh buôn Kô Siêr tâm tình: Dù đã từng đi biểu diễn nhiều nơi - từ trong Nam, ngoài Bắc…cho đến tận trời Tây, nhưng không nơi nào có được cảm xúc lâng lâng như ở đây. Bởi mình đánh chiêng cho chính đồng bào mình nghe và cũng qua tiếng chiêng, ai cũng muốn gửi gắm đến nhau lời chào, niềm vui trong mối dây cộng đồng và cộng cảm sâu đậm. Ngoài những bài chiêng cổ (Mời khách, Mưa ngàn, Thác đổ…) của 19 đội chiêng tham gia ngày hội như để thăm hỏi, tri ân nhau qua câu hát “Saih asei mlei mơh he, mơak mơh – Chúc mừng sức khỏe”, họ còn lắng nghe và chia sẻ với bà con, bạn bè về đời sống hôm nay bằng thứ âm thanh rộn ràng, huyền diệu thông qua những bài chiêng mới (Lời của gió và đất bazan, Ngân nga nhà sàn, Ngắm trăng mùa thu…) đầy tâm trạng. Những giai điệu ấy ngân lên trong ngày hội dường như đã đánh thức ký ức của bao người, kể cả lớp trẻ bằng những tiết mục văn hóa – văn nghệ tươi mới, sinh động và hết sức phong phú của các tộc người thiểu số trên địa bàn thành phố.
Đã thấy sự kế thừa
Điều đáng mừng nhất là ngày hội năm nay, số đội chiêng trẻ tham gia tăng lên khá nhiếu so với các lần trước. Trong số 19 đội chiêng đến từ 19 thôn, buôn đã có 6 đội chiêng trẻ của buôn Ea Bông (xã Cư Êbur), buôn Ky (phường Thành Nhất), buôn Akô Dhông, Dhăp Prông (phường Tân Lợi), Kom Leo (xã Hòa Thắng), Kô Tam (xã Ea Tu)… góp mặt với khí thế và sắc thái mới. Các em không những diễn tấu được chiêng tre (ching Kram), mà cả chiêng đồng cũng thể hiện rất tốt trên phương diện kỹ thuật lẫn bài bản dựa trên sự kế thừa và sáng tạo mới.
Diễn viên trẻ H'Đa Niê cùng các nghệ nhân buôn Ko Siêr (phường Tân Lập) thể hiện làn điệu dân ca "Cội nguồn Buôn Ma Thuột". Ảnh:Đ. Triều
Theo nhạc sĩ Y Phôn Ksor, thành viên Ban giám khảo phần thi dân ca, dân vũ ngày hội, cứ mỗi dịp tổ chức là mỗi lần các cộng đồng dân tộc ở đây có cơ hội đánh giá, kiểm chứng lại vốn văn hóa truyền thống của mình. Qua thực tế cho thấy, bên cạnh số lượng các đội chiêng trẻ tăng lên và được Hội đồng thẩm định đánh giá là có chất lượng thì phần thể hiện văn nghệ dân gian cũng có những tín hiệu hết sức lạc quan. Chẳng hạn các làn điệu hát K’ưk, hát Aray có đệm cồng chiêng, kèn đing năm, đing tút, tak tà, đing pơng... được thế hệ trẻ kế thừa và thể hiện một cách nhuần nhuyễn. Tiết mục hát kể Khan “Mdrong Dam” của Y Who Knul (35 tuổi, ở buôn Akô Dhông) là một tín hiệu vui và cũng là hy vọng mở ra trong việc kế thừa, phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu, giàu bản sắc này. Hoặc là những bài hát dân ca (K’ưk) rất độc đáo và tiêu biểu của người Êđê như “Chil ria “, “Buôn duor K’măn”… được cô gái trẻ H’Đa Niê và tốp ca buôn Kô Siêr trình diễn thuần thục và nhuần nhuyễn, đem lại niềm hy vọng kế thừa, tiếp nối nguồn mạch văn hóa cho mỗi cộng đồng.
“Nét mới rất đáng được khích lệ trong Ngày hội VH-TT lần này là đã thấy lớp trẻ hát kể Khan khá bài bản và hấp dẫn không thua kém gì các nghệ nhân già vốn còn lại rất ít trong các buôn làng” Nhạc sĩ Y Phôn Ksor
|
Ông Đoàn Văn Thống, Trưởng Phòng VH-TT thành phố Buôn Ma Thuột, Phó trưởng Ban tổ chức Ngày hội VH-TT nhận xét: Sự quan tâm, đầu tư đúng mức của Đảng, Nhà nước đã bắt đầu cho thấy hiệu quả trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc. Đặc biệt là bước trưởng thành, kế thừa có chọn lọc của thế hệ trẻ trong đời sống hôm nay - từ nhịp chiêng đến các làn điệu dân ca, dân vũ của cha ông, đã được kế thừa, sáng tạo nên những giai điệu, tác phẩm mới dựa trên vốn văn hóa truyền thống sâu dày và đặc sắc của dân tộc mình nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đa dạng, phong phú trong đời sống đương đại.
Theo baodaklak