Đến nay, cả nước đã có 6 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc Zika gồm: TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An và Đắk Lắk. Đặc biệt, trường hợp trẻ bị dị tật đầu nhỏ nghi do vi rút Zika đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện tại Đắk Lắk cho thấy những diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, nếu không chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng chống bệnh thì khả năng bùng phát thành dịch và lây lan rộng là rất lớn.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và ngành Y tế tỉnh về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và vi rút Zika ở địa phương mới đây Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho rằng: “Trung gian truyền bệnh do vi rút Zika cũng chính là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, nếu chúng ta không triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó ngay từ đầu và không làm quyết liệt thì vi rút Zika có thể bùng phát ở nước ta”.
Cộng tác viên y tế của tổ dân phố 9, thị trấn M’Đrắk (huyện M’Đrắk) hướng dẫn người dân trên địa bàn các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết và vi rút Zika. |
Trước tình hình này, ngành Y tế đã tăng cường các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất, giường bệnh...) cho công tác phòng - chống dịch bệnh do vi rút Zika. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết: “Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika với 3 tình huống nhằm đáp ứng nhanh, xử lý kịp thời nếu có trường hợp nhiễm vi rút Zika. Hiện tại, tỉnh ta đang ở tình huống 2.2 nên các hoạt động sẽ tập trung khoanh vùng, xử lý, không để dịch bệnh lây lan rộng. Cụ thể, ngành Y tế đã tập trung triển khai giám sát ca bệnh theo hệ thống thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm và đẩy mạnh giám sát vi rút; hướng dẫn người dân cách xử lý các dụng cụ chứa nước diệt lăng quăng (bọ gậy) nhằm hạn chế nguồn sinh sản của muỗi và thực hiện các biện pháp phòng muỗi đốt…”.
Để chủ động ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika, Sở Y tế còn tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác phòng chống dịch, điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế 15 huyện, thị xã, thành phố về phương pháp giám sát, phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm, bảo quản, vận chuyển mẫu, chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức của người dân về phòng chống bệnh sốt xuất huyết và vi rút Zika để người dân kịp thời nắm được các thông tin, diễn biến dịch bệnh trong tỉnh và khu vực, từ đó thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả, nhất là với những người đi, về từ các quốc gia, các tỉnh có dịch bệnh.
Được biết, khó khăn lớn nhất trong phòng chống bệnh do vi rút Zika hiện nay ở tỉnh ta là mức độ giao lưu đi lại của người dân rất nhiều, trong khi các địa bàn lân cận như Khánh Hòa, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đều đã có ca bệnh. Vì vậy, để phòng bệnh một cách hiệu quả, người dân cần chủ động diệt muỗi, lăng quăng, thường xuyên kiểm tra các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật liệu phế thải không để cho muỗi truyền bệnh vào đẻ trứng, sinh sản và phát triển vì không có lăng quăng sẽ không có sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. Đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu hoặc có ý định mang thai cần chủ động phòng ngừa để không bị nhiễm bệnh, đặc biệt là các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt (mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng, mắc màn khi ngủ…). Trong trường hợp phát hiện bản thân hoặc người nhà, đặc biệt phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu có triệu chứng của bệnh do vi rút Zika (sốt nhẹ, viêm kết mạc hoặc xung huyết kết mạc, đau khớp hoặc phù quanh khớp và đau) nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.
Nhiễm vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes truyền bệnh. Bệnh lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và thời điểm sinh con. Bệnh thường diễn biến lành tính. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi, có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc gây hội chứng đầu nhỏ (hay còn gọi là hội chứng teo não) ở trẻ sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. |
Theo baodaklak