Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 22/09/2023

Ngăn chặn âm mưu tác động “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trên không gian mạng hiện nay


Hiện nay, không gian mạng đang trở thành môi trường hoạt động cực kỳ hữu hiệu được các thế lực thù địch lợi dụng hòng thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên không gian mạng, chỉ ra những nguy cơ, thách thức của nó và đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn chặn âm mưu tác động “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá góp phần củng cố trận địa tư tưởng trên không gian mạng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh mới.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nguy cơ hết sức nghiêm trọng đối với sự tồn vong của chế độ ta. Nó đã và đang bị các thế lực thù địch kích hoạt trên nhiều môi trường khác nhau, trong đó không gian mạng được chúng tận dụng triệt để - trở thành “môi trường tác chiến mới” cực kỳ lợi hại. Theo thống kê của vnetwork.vn, đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số; thời gian truy cập internet trung bình của người Việt lên đến 6 giờ 23 phút/ngày; 100% số cơ quan nhà nước có cổng thông tin điện tử, sử dụng mạng nội bộ LAN, Extranet, internet; sử dụng các kênh liên lạc trên không gian mạng để giao dịch. Tuy nhiên, một “lỗ hổng” lớn là kiến thức kỹ năng về tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng của người dùng còn hạn chế, dễ bị các đối tượng lôi kéo, tiêm nhiễm các quan điểm sai trái, thù địch. Đây thực sự là nguy cơ tiềm tàng, một loại kẻ thù giấu mặt, một thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm cần được nhận diện, ngăn ngừa, đấu tranh.
Nhận diện âm mưu
Hiện nay, bên cạnh các phương thức truyền thống, các thế lực thù địch đang sử dụng triệt không gian mạng để chống phá trực diện, thông qua các trang web, blog (như:“Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Biển Đông’’, “Ba Sàm”, “Chân dung quyền lực”, “Tạp chí sự thật”, “Lỗi hệ thống…), các trang mạng xã hội facebook, youtube… để lập nhóm, hội nhằm tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp dư luận xã hội. Chúng thường núp dưới vỏ bọc các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”... để tuyên truyền, xuyên tạc, phát tán các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu, độc, phản động, từ đó kích động hình thành các hoạt động gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền cơ sở. Hoạt động mà các thế lực thù địch nhằm tác động “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trên không gian mạng hiện nay được tiến hành theo từng cấp độ khác nhau.
Cấp độ thứ nhất, các tổ chức nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng phản động người Việt ở nước ngoài và các tổ chức phản động như “Việt Tân”, “Chân trời mới Media”, “Đài Á châu tự do”… dùng các phần mềm can thiệp trực tiếp vào mạng xã hội để thu thập các thông tin cá nhân, địa chỉ thư điện tử và tạo dựng các trang thông tin điện tử mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và nhiều bộ, ngành, tổ chức với các tên miền, tên cá nhân có đuôi “.com, .net, .org, .info và .biz”. Để tạo được sự quan tâm, tin tưởng từ phía người đọc, chúng cung cấp những thông tin nhanh và đúng như các tờ báo chính thống đưa tin. Nhưng thủ đoạn tinh vi của chúng là ở chỗ: không hướng dư luận theo kiểu “phải trái phân minh” mà thường lập lờ để dư luận tự phán xét. Thậm chí cùng một bài viết, đa phần các thông tin nêu ra là chính xác, chúng chỉ cài một vài thông tin sai lệch, xuyên tạc khiến người đọc rất khó phân định đúng - sai. Phương châm hòng tác động “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” mà các thế lực thù địch sử dụng là “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì, bền bỉ. Và khi đã thu hút được một số lượng người tham gia, mức độ uy tín tăng lên, các đối tượng điều hành các trang web, kênh thông tin này sẽ lồng ghép những thông tin sai lệch, bịa đặt, gây tâm lý hoài nghi, hoang mang, dao động tới người đọc.
Cấp độ thứ hai, khi đã tập hợp được một lượng không nhỏ những độc giả vào các hội, nhóm, các trang thông tin điện tử mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch tìm cách xây dựng một mạng lưới truyền thông của chúng trên tất cả các lĩnh vực: Internet, truyền hình, phim ảnh, báo chí, đài phát thanh, các chương trình biểu diễn văn hoá - văn nghệ… nhằm hậu thuẫn cho các các tổ chức phản động, các tổ chức chính trị đối lập và bảo vệ những nhà “dân chủ”, “bất đồng chính kiến” với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thông qua mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Cấp độ thứ ba, khi đã tạo dựng được “ngọn cờ” của những phần tử “bất đồng chính kiến” với Đảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng được một mạng lưới truyền thông hỗ trợ đắc lực, các thế lực thù địch đẩy mạnh xuyên tạc, công kích, chống đối chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta; tiến hành triển khai hành động bạo loạn lật đổ, ly khai, khủng bố khi có điều kiện thuận lợi. Đây là mức độ biểu hiện, phản ánh rõ ràng nhất âm mưu tác động “tự chuyển hoá” của các thế lực thù địch trên không gian mạng hiện nay.
Vụ việc nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6 khiến một số chiến sĩ công an, cán bộ xã hy sinh, cho thấy những nguy cơ tiềm tàng của âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, âm mưu tác động “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của các thế lực thù địch. Kết luận về vấn đề này, tại Hội nghị Cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước, do Liên Hợp Quốc tổ chức tại New York (Mỹ) (19-22/6/2023), Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt - Cục trưởng Cục An ninh nội địa đã có bài phát biểu, nêu rõ 4 nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới nguy cơ lợi dụng không gian mạng để thực hiện âm mưu khủng bố: “Các nhóm khủng bố, bạo lực cực đoan triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội truyền bá chủ nghĩa cực đoan trên toàn thế giới. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có lượng người dùng internet lớn, nên khả năng bị ảnh hưởng cao…; lợi dụng internet và mạng xã hội tuyên truyền, xúi giục, hướng dẫn phần tử xấu trong nước thực hiện các vụ tấn công khủng bố lực lượng thực thi pháp luật và người dân vô tội”[2].
Cách thức phòng, chống
Chúng ta làm thế nào để phòng, chống âm mưu tác động “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của các thế lực thù địch trên không gian mạng ở Việt Nam hiện nay?
Điều cơ bản nhất là phải xác định và nâng mức độ đặc biệt quan trọng của công tác này. Trước tiên là ở tầm vĩ mô, cần nâng mức độ đặc biệt quan trọng của chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng. Kiên quyết, kiên trì, chủ động ngăn chặn, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời nâng cao kỹ năng tác chiến trên không gian mạng cho toàn bộ hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân ta.
Để làm tốt yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược này, cần thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và cá nhân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò của không gian mạng, an ninh mạng quốc gia và những âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng hiện nay. Cần làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân quán triệt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; tăng cường phổ biến thực hiện luật An ninh mạng nhằm giúp họ thấy rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi các nhân trên không gian mạng trong bối cảnh hiện nay.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng. Các cấp uỷ đảng cần đẩy mạnh công tác nắm tình hình, nâng cao năng lực dự báo về diễn biến và nguy cơ mất an ninh mạng quốc gia ở Việt Nam hiện nay. Đây là công việc có vai trò hết sức quan trọng, cần phải được triển khai thường xuyên, liên tục và rộng rãi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhận diện đúng và dự báo trúng diễn biến của các nhân tố tác động, nguy cơ gây mất an ninh mạng quốc gia có thể xảy ra ở những thời điểm, giai đoạn cụ thể; hiểu rõ phương thức hoạt động của các phương tiện truyền thông, các đối tượng, các nguồn thường tung ra các thông tin thù địch, thông tin phiến diện, sai sự thật, hoặc không chính xác để xây dựng phương thức đấu tranh thông tin phù hợp.
Thứ ba, tăng cường quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh không gian mạng quốc gia, áp dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ trong việc giám sát, điều chỉnh, kiểm soát toàn bộ các nguồn thông tin được đăng trên mạng xã hội. Cần tiếp tục đầu tư trọng điểm xây dựng các đơn vị an ninh mạng, tác chiến điện tử đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ quốc gia trên không gian mạng, sẵn sàng ứng chiến khi có chiến tranh mạng xảy ra.
Thứ tư, tăng cường xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao; đồng thời nghiên cứu, nắm bắt, tiến tới chủ động về công nghệ, trang thiết bị và dịch vụ mạng. Trong thời gian tới, cần có chiến lược đào tạo phù hợp để có nguồn nhân lực đủ cả về số lượng và bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay.

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready