Nên chấm dứt thẩm mỹ trọc phú
|
Để nghệ thuật đến gần với công chúng
Ở không gian nghệ thuật Manzi 14 Phan Huy Ích, Hà Nội; không chờ đến giờ mở cửa đã có khách đến xem tranh chương trình Art for you (Nghệ thuật cho mọi người) khai mạc hôm 5.12. Tranh treo kín tường và bày kín các bàn rộng. “Tôi chờ ở đây trước khai mạc để mua tranh của Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Minh Thành. Tôi thích hai họa sĩ này nhưng giá tranh của họ luôn ở mức tiền nghìn, chục nghìn USD”, một khách mua tranh chia sẻ.
|
Nhưng ở đây, tranh khổ nhỏ của “hoàng tử bé” Minh Thành chỉ bán với giá 500 - 1.000 USD. Công chúng có thể mua tác phẩm đậm cá tính của Nguyễn Mạnh Hùng với giá 500 USD. Cả hai nghệ sĩ đương đại giàu thành tích này đều tin tưởng giao tranh cho bà Vũ Ngọc Trâm - chủ không gian Manzi sau nhiều năm làm việc cùng. Bà Trâm từng là người phụ trách nghệ thuật ở Hội đồng Anh. “Thực sự chúng tôi chủ yếu muốn kết nối với người tiêu dùng. Sau đó, dần dần thị trường nghệ thuật trong nước sẽ hình thành”, bà Trâm nói.
Tại Manzi, các tác giả hầu hết đã định hình phong cách riêng. Bên cạnh cái nhìn hiện đại trào lộng của Mạnh Hùng còn có sự trong trẻo bền bỉ của Minh Thành. Bên cạnh cách tranh hóa ảnh, ảnh hóa tranh của Nguyễn Thế Sơn còn có sự điềm tĩnh của Nguyễn Huy An. “Sát thủ đầu mưng mủ” Thành Phong cũng có mặt với nét vẽ duyên dáng với câu chuyện trào phúng đặc trưng…
Cùng ngày, tại chợ Hàng Da khai mạc Chợ nghệ thuật. Khu chợ này không chỉ có tranh mà còn cả tượng. Các nghệ sĩ cùng tới đây, chào bán tác phẩm của mình với giá phải chăng để hút khách. “Chúng tôi mong Hàng Da sẽ trở thành điểm văn hóa hút khách du lịch ở phố cổ”, ông Vũ Trung Hiệp, đại diện truyền thông của dự án, nói. Một hướng marketing văn hóa đã được mở ra. Tuy nhiên, về tiếng tăm, dự án này chưa có những nghệ sĩ “nổi như cồn” như Manzi.
Trong ngày đầu tiên của cả hai dự án, họ đều bán được tranh. Các giao dịch thực hiện chủ yếu với mức giá dưới 500 USD/tác phẩm. Tại Manzi, tranh của Nguyễn Thế Sơn bán được nhiều. Tranh chỉ để mức giá “hữu nghị” 50 USD, khách thường mua vài bức, bày theo nhóm.
Phát triển thị trường mỹ thuật nội địa
Tại hội thảo Chính sách phát triển thị trường mỹ thuật do Bộ VH-TT-DL và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức tại Hà Nội tuần qua, nhiều ý kiến của các nghệ sĩ đã đóng góp cho việc cần hình thành một thị trường mỹ thuật nội địa.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhận định: “Muốn thị trường mỹ thuật trong nước phát triển cần sớm triển khai đồng bộ từ việc giáo dục nhận thức, hiểu biết cho mọi người trong xã hội. Đó là tiền đề cho một thế hệ người Việt văn minh, có thẩm mỹ cao gắn liền với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và hoàn toàn có thể trở thành nhà sưu tập, người hưởng thụ, sử dụng tác phẩm mỹ thuật trong nay mai”.
|
Theo nhà phê bình Nguyễn Quân, để tạo ra thị trường mỹ thuật nội địa, chỉ hai điểm như chợ Hàng Da và Manzi chưa đủ tạo ra hiệu ứng. “Tạo ra thị trường là phải có nhà đấu giá, các sưu tập lớn. Phải có khách mua. Phải có cả huấn luyện người chơi tranh nữa, từ sưu tầm. Phải có những sưu tập uy tín. Chúng ta cần có 10 gallery uy tín, 20 nhà sưu tập có chất lượng, chứ còn bây giờ vẫn nhỏ lẻ”, ông Quân phân tích.
“Đây cũng là một cách phát triển thị trường mỹ thuật nội địa. Tuy nhiên, về lâu dài, nhà nước cần chọn những việc cụ thể để thực hiện dứt điểm. Chẳng hạn, đào tạo nhân sự cho thị trường ra sao, giảm thuế cho người buôn bán tranh thế nào. Có vậy mới hích được thị trường mỹ thuật nội địa phát triển. Chúng ta cần chấm dứt thẩm mỹ trọc phú càng sớm càng tốt”, nhà nghiên cứu văn hóa, TS Đinh Hồng Hải nói.
Nhà phê bình Nguyễn Quân góp thêm ý kiến: “Về mặt chính sách, cần có các quỹ văn hóa của nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Cần có luật khuyến khích tiêu dùng nghệ thuật. Bên cạnh đó phải khẩn trương giáo dục nghệ thuật cho tầng lớp mới giàu, xây dựng lối sống mới có chiếm hữu tư nhân về nghệ thuật trong tầng lớp giàu có cũng như trách nhiệm văn hóa của chính quyền và doanh nhân”.
Theo thanhnien