Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Đoàn trong đồng hành, thúc đẩy thanh niên phát triển kinh tế
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, đồng chí Đặng Thị Mỹ Cẩm - Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp; cùng gần 200 đại biểu là thường trực, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX) thanh niên các tỉnh khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị, các diễn giả đã trao đổi về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước hiện nay đối với hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể (THT, HTX); về quy mô, điều kiện sản xuất thủy sản, lúa giống, thương phẩm, nhu cầu sử dụng về thiết bị, vật tư nông nghiệp; những thuận lợi, khó khăn của các mô hình kinh tế tập thể, giữa các tỉnh, thành đoàn và các chuyên gia trong lựa chọn mô hình phát triển kinh tế khu vực.
Dịp này, các đại biểu đã cùng chia sẻ kinh nghiệm và nêu lên những khó khăn trong quá trình vận hành các THT, HTX như: sản phẩm chưa ổn định về thị trường và giá cả; khó khăn về vốn, thiết bị, xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn cho sản phẩm; sản xuất theo kinh nghiệm, chưa theo quy trình; thanh niên e ngại trong xây dựng kế hoạch, đề án, lúng túng trong ứng dụng KHKT vào sản xuất…
Đồng thời, đại diện các THT, HTX thanh niên cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình phát triển của mô hình THT, HTX. Theo đó, lãnh đạo các tỉnh cần tạo cơ chế, đầu ra cho sản phẩm, trong đó các doanh nghiệp, hội doanh nhân trẻ, liên minh hợp tác xã, truyền thông giữa các tỉnh cần gắn kết để quảng bá cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần định hướng cho các THT, HTX tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hỗ trợ cây con giống chất lượng, hướng dẫn quy trình, thủ tục việc xây dựng thương hiệu và công nhận cho sản phẩm…
Đại biểu chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế theo mô hình THT, HTX
Theo các diễn giả, việc xây dựng chuỗi giá trị THT, HTX sẽ cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên với giá thấp nhất và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của mình với giá bán cao nhất. Việc xây dựng chuỗi giá trị gắn với xây dựng các mô hình liên kết phát triển kinh tế cũng giúp cho các thành viên trong mô hình có tiếng nói mạnh mẽ hơn, có năng lực đàm phán trong giao dịch với đối tác hơn; liên kết giữa các thành viên trong THT, HTX là khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị của tổ chức sản xuất để nâng cao năng lực người nông dân.
Trao đổi ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn đề nghị, trong thời gian tới, các tổ chức Đoàn - Hội cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình trong đồng hành, thúc đẩy thanh niên làm kinh tế, xem đây là nhiệm vụ quan trọng và gắn thực hiện Nghị quyết đại hội Đoàn.
Để làm được điều này, theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, tổ chức Đoàn cần khơi dậy khát vọng vươn lên làm kinh tế của thanh niên; đào tạo tập huấn chuyển giao kiến thức, tri thức KHKT, tuân thủ nguyên tắc của thị trường và chấp hành quy định của pháp luật cho thanh niên; hình thành mạng lưới trao đổi thông tin trong cộng đồng khởi nghiệp; hỗ trợ pháp lý xây dựng thương hiệu và kết nối giao thương, đầu ra cho sản phẩm; phát hiện, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình hiệu quả; đề ra các thiết chế, cơ sở vật chất, con người, công nghệ chothanh niên khởi nghiệp; thường xuyên gặp gỡ lắng nghe tập hợp ý kiến và kịp thời tháo gỡ khó khăn, tư vấn cơ chế, chính sách cho thanh niên…