Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 04/01/2017

Giải pháp này được xem là giải pháp “mềm”. Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác GDCTTT. Tuy nhiên hiện nay, GDCTTT chưa ngang tầm nhiệm vụ, cho nên sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trở thành nguy cơ trực tiếp đến sự tồn vong của dân tộc, chế độ XHCN và Đảng ta.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ: “Công tác GDCTTT cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới… Sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, đơn điệu…”.

Vấn đề đặt ra có tính cấp thiết hiện nay là phải đổi mới GDCTTT theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII để tạo động lực ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có hiệu lực, hiệu quả. Cái mới của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII là đã khái quát, chỉ rõ những biểu hiện; những nguyên nhân và tính chất nguy hiểm của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" một cách cụ thể, sát thực.

Ảnh minh họa - Nguồn: QĐND.vn

GDCTTT, tự phê bình và phê bình là 1 trong 4 nhóm giải pháp cơ bản trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, cho nên triển khai thực hiện hiệu quả phải có tính đồng bộ. So với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, GDCTTT phải đổi mới ngang tầm thì mới có thể khắc phục, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã đến mức trầm trọng hiện nay. Điều quan trọng nhất đối với thực hiện biện pháp GDCTTT hiện nay là phải: Tạo chuyển biến tích cực trong thái độ, hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên đối với ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái.

Quá trình GDCTTT nói chung và giảng dạy, học tập Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII phải bảo đảm sự thống nhất giữa tính khoa học với tính chính trị, cách mạng để vừa hiểu đúng bản chất, vừa phù hợp với định hướng XHCN. Trong thực hiện biện pháp phải chú trọng đến nâng cao tính lập luận, chứng minh, luận chứng khoa học để có tính thuyết phục, sự hấp dẫn. Trong giảng dạy, tuyên truyền, khắc phục sự áp đặt một chiều, thiếu tính lập luận làm cho người nghe bị nhàm chán, chiếu lệ, qua loa, không có chiều sâu. Đội ngũ giáo dục chính trị, giảng dạy nghị quyết phải được tuyển chọn và chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, phương pháp, tạo tâm thế chủ động, vững vàng, tự tin thì mới đáp ứng yêu cầu mới hiện nay.

Trong GDCTTT nói chung cần kết hợp giữa trang bị tri thức cơ bản với sự gợi mở, định hướng nghiên cứu, lôi cuốn đối tượng tham gia vào quá trình luận giải lý luận chính trị. Sử dụng linh hoạt các tình huống, dẫn dắt người học vào các bước suy luận, sáng tạo từ thấp lên cao. Liên tục đưa người học vào những “tình huống” thúc bách trong suy nghĩ, tư duy đối với bảo vệ quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, nội dung nghị quyết; đồng thời đấu tranh với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và biểu hiện của suy thoái hiện nay. Không để cho người nghe tiếp thu tri thức lý luận chính trị, nghị quyết của Đảng một cách xuôi chiều. Quá trình đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái phải luận chứng khoa học chặt chẽ; chỉ ra được bản chất phản động, phản khoa học từ những lời tuyên truyền về dân chủ, nhân quyền, tự do, tôn giáo,… của các thế lực thù địch thì tính thuyết phục mới cao.

Vận dụng tinh thần trong GDCTTT nói chung vào đổi mới phương pháp học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII một cách cụ thể phải bám chắc vào mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Trung ương để có sự tập trung trong giảng dạy, học tập và triển khai thực hiện. Với ba biểu hiện suy thoái là: Về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phải truyền thụ cũng như tiếp thu đầy đủ, đúng thực chất. Mỗi mặt đều có 9 biểu hiện cụ thể, điều quan trọng là người dạy và người học phải chứng minh Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; không phải giấu giếm, bao che khuyết điểm để củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên, đồng thời đấu tranh phê phán những quan điểm xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; tạo cho cán bộ, đảng viên, nhân dân có niềm tin vững chắc vào Đảng trong lãnh đạo thực hiện khắc phục, đẩy lùi sự suy thoái; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.

GDCTTT, giảng dạy, học tập Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII phải nâng tầm cao và thực hiện bước chuyển hóa từ nhận diện những biểu hiện suy thoái đến củng cố thái độ, động cơ, niềm tin, ý chí quyết tâm và hành vi trong khắc phục, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ một cách sát thực.

GDCTTT, giảng dạy và học tập Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII phải dẫn người học đến trình độ có “dũng khí” bảo vệ cái đúng, đấu tranh, phê phán cái sai. Để có được “dũng khí” ấy là kết quả của nhiều biện pháp, nhưng GDCTTT phải thể hiện được thế mạnh, ưu thế trội nhất. Ngoài nâng cao trình độ giảng dạy, nghệ thuật tuyên truyền, mỗi giảng viên lý luận chính trị phải thật sự giác ngộ chính trị; là tấm gương sáng, có “dũng khí” trong đấu tranh phê phán những biểu hiện suy thoái; có thái độ công bằng, khách quan trong đánh giá thực tiễn.

GDCTTT trong khắc phục suy thoái về đạo đức, lối sống cũng phải có biện pháp phù hợp. Đội ngũ trực tiếp tham gia GDCTTT không chỉ có trình độ lý luận chuyên sâu; phương pháp đổi mới; mà còn là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, lương tâm đạo đức cách mạng. Nếu không có trình độ chuyên môn, chuyên sâu và lương tâm đạo đức trong sáng thì càng diễn thuyết hay, càng phản tác dụng. Phần việc này phải đi từ nâng cao khả năng nhận thức (nhận diện) đúng các biểu hiện suy thoái ở từng mặt đến tạo ra sự thức tỉnh “lương tâm đạo đức cách mạng” trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức quyền để trục lợi, chủ nghĩa cá nhân,… là biểu hiện cao nhất của suy thoái đạo đức, lối sống; là kẻ thù số một của đạo đức cách mạng. Chỉ khi có sự “thức tỉnh lương tâm đạo đức cách mạng” thì sẽ có động lực tinh thần để tự chiến thắng những động cơ vì lợi ích cá nhân và tự thấy hổ thẹn với lương tâm của mình trước những hành vi ấy. Phải lấy những biểu hiện của sự suy thoái đã được khái quát trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII làm nội dung trọng tâm, trọng điểm trong GDCTTT, giảng dạy nghị quyết.

Cùng với đó, việc chủ động đổi mới chương trình, nội dung, đặc biệt là phương pháp để người học hiểu đúng thực chất những biểu hiện cũng như tính chất nguy hiểm của suy thoái đạo đức, lối sống sẽ liên quan trực tiếp đến sự tồn vong dân tộc, chế độ XHCN hiện nay. Kết hợp giữa tính hiệu lực, hiệu quả của kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước với dư luận xã hội, dư luận đạo đức văn hóa để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống, để thức tỉnh lương tâm đạo đức cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Trong điều kiện hiện nay, sức lôi cuốn của tính vụ lợi cá nhân rất lớn. Những biện pháp hành chính càng phải được tăng cường, nhưng hiệu quả, hiệu lực cao nhất phải bằng thức tỉnh lương tâm của mỗi cán bộ, đảng viên thì mới bền vững, đi từ nguyên nhân bên trong; sức mạnh to lớn đối với khắc phục, đẩy lùi suy thoái.

GDCTTT đối với khắc phục “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ phải chuyển hóa từ tri thức lý luận chính trị đến tinh thần cảnh giác đối với sự chống phá của các thế lực thù địch; đến ý thức trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cần phải làm “… thấm nhuần tinh thần dân tộc…” vào thực hiện mục tiêu, nội dung, biện pháp GDCTTT, giảng dạy và học tập Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII một cách hữu hiệu.

Thấm nhuần tinh thần dân tộc là tự hào truyền thống anh dũng; tự tôn, không chịu làm nô lệ; tinh thần trách nhiệm đối với lịch sử,... Thấu hiểu tinh thần dân tộc theo quan điểm của Đảng để truyền thụ cho cán bộ, đảng viên hiểu thực chất và tạo ra trách nhiệm trong ý thức cũng như hành vi đối với khắc phục nguy cơ, sự suy thoái hiện nay; đối với tương lai tươi sáng của dân tộc. Đó là những dữ liệu cơ bản giúp các đối tượng có thái độ cảnh giác cao trước những mầm mống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ nhỏ nhất đến lớn nhất ngay trong nội bộ.

Nội dung các biện pháp trên mang đặc trưng của GDCTTT, giảng dạy và học tập Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII được tiếp cận ở từng mặt, nhưng thống nhất với nhau trong tính chỉnh thể. Vận dụng và triển khai phải có tính đồng bộ, thể hiện rõ định hướng của Đảng về: “Kết hợp giữa “xây” và “chống; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Thực hiện nhóm các biện pháp trên trong tính tổng thể với những nhóm các biện pháp khác như trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào việc khắc phục, đẩy lùi suy thoái và biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.

Theo dangcongsan
In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready