Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 06/02/2015
Muốn phát triển bền vững  phải giảm nghèo cho dânThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị chiều 5.2 - Ảnh: Ngọc Thắng
 
Cùng dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về giảm nghèo bền vững và các thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư; Ủy ban T.Ư MTTQ VN; T.Ư Hội Cựu chiến binh VN; T.Ư Hội Nông dân VN. Tại điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có thành viên ban chỉ đạo giảm nghèo 63 tỉnh, thành phố; văn phòng giảm nghèo cấp tỉnh...
Chấm dứt cảnh “3 ra, 1 vào”
 
 
Muốn phát triển bền vững phải giảm nghèo cho dân - ảnh 2 Cả thế giới xem mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội tiến bộ công bằng xã hội là một trong những giá trị cốt lõi của nhân loại. Thế giới rất quan tâm giảm nghèo và khen ngợi ta. Muốn phát triển bền vững phải giảm nghèo cho dân
 
Muốn phát triển bền vững phải giảm nghèo cho dân - ảnh 3
 
Thủ tướng khẳng định
 

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho rằng nguyên nhân tỷ lệ giảm nghèo còn cao, các hộ tái nghèo còn nhiều do nhận thức của một bộ phận hộ nghèo vẫn còn trông chờ, ỷ lại. Trong khi đó, theo lãnh đạo tỉnh Hà Giang, chính sách giảm nghèo chưa đúng trọng tâm. Ở tỉnh vùng cao, núi đá như Hà Giang không có đất trồng trọt thì không nên hỗ trợ vào lĩnh vực này mà cần thay vào đó bằng 1 - 2 con bò cho bà con sẽ phù hợp hơn.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết tỉnh này phải vận động hộ dân đăng ký thoát nghèo thông qua tập trung đầu tư cho các hộ này, không hạn chế số lần hỗ trợ. Cần khuyến khích thoát nghèo để không tạo ra sự ỷ lại cho người dân. Việc hỗ trợ đời sống chỉ nên dành cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, còn lại tập trung vào sản xuất mới thực sự có kết quả.
Bà Trần Thị Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng muốn giảm nghèo phải có thời gian và có tính bền vững. “Nếu tiếp tục để tình trạng hỗ trợ 400.000 đồng/hộ ở nông thôn, 500.000 đồng/hộ ở thành thị, chỉ bằng 4 - 5 ổ bánh mì cho một ngày sẽ rất khó. Hỗ trợ như vậy nên cứ rút chính sách cái là lại tái nghèo ngay”, bà Thái phản ánh.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, lo lắng về tình trạng cứ 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo hoặc nghèo mới. Để chấm dứt cảnh “3 ra, 1 vào” như vậy, theo ông Hùng, cần phải xây dựng chuẩn nghèo mới đảm bảo mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Đồng quan điểm với ông Hùng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử nêu thực trạng đáng ngại khi có địa phương giảm nghèo bao nhiêu lại tái nghèo bấy nhiêu. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo cao rơi chủ yếu vào đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó cao nhất là các tỉnh trung du miền núi phía bắc như Cao Bằng 99,62%, Lai Châu 98%...
Hỗ trợ cho người nghèo “cần câu”
 
 
Lãi suất 1% để tránh ỷ lại
Theo Thủ tướng, đối với bà con ở nông thôn thì trước hết là trồng trọt. Muốn vậy phải hỗ trợ đất sản xuất, còn đồng bào ở vùng sâu vùng xa thì dễ nuôi nhất là bò, trâu, dê. “Đồng bào nghèo chủ yếu vùng sâu, vùng xa, nông thôn thì sản xuất lương thực, cây ăn quả, nhưng không có đất thì làm gì, cần phải hỗ trợ đất. Rồi hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò, dê. Tôi đồng ý không cho vay không, lãi suất 1% để tránh ỷ lại. Mỗi năm người dân bán được 1 - 2 con trâu, bò được mấy chục triệu rồi”, Thủ tướng nói.
 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngay ý kiến của Bộ trưởng Giàng Seo Phử. Khẳng định tỷ lệ này đã giảm so với trước, nhưng theo Thủ tướng như vậy vẫn còn rất cao. “Đây là điều chúng ta còn trăn trở. Chúng ta làm được nhiều việc nhưng thực tế số hộ nghèo vẫn còn cao như thế”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá chính sách giảm nghèo có nhiều nhưng còn chồng chéo. Bên cạnh đó, nguồn lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, có cái sử dụng hiệu quả chưa cao, ví dụ đầu tư hạ tầng vùng nghèo. Có nơi dành ưu tiên cho nguồn lực này chưa phù hợp, rồi ỷ lại vào ngân sách T.Ư. “Có tỉnh khó khăn vẫn dành nguồn lực, nhưng có nơi chỉ trông chờ ngân sách T.Ư. Việc này ta cần nói với nhau. Những hạn chế cần trao đổi nghiêm túc khi có nơi, có lúc việc quan tâm, nhận thức về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo chưa đúng mức nên trách nhiệm quan tâm chỉ đạo chưa cao. Thực tế nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thì có chuyển biến, có kết quả rõ ràng”, Thủ tướng lưu ý.
Trong năm 2015, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải quyết tâm thực hiện cho được chỉ tiêu giảm nghèo mà nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Trong hoàn cảnh nào cũng phải chăm lo cho đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo; không để tình trạng cứ 3 hộ thoát nghèo lại có 1 hộ tái nghèo. Phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo. “Cả thế giới xem mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội tiến bộ công bằng xã hội là một trong những giá trị cốt lõi của nhân loại. Thế giới rất quan tâm giảm nghèo và khen ngợi ta. Muốn phát triển bền vững phải giảm nghèo cho dân”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới cần hỗ trợ tập trung vào hộ nghèo và đặc biệt là hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cần tập trung hỗ trợ người nghèo “cần câu” thông qua sản xuất, coi đây là cái gốc và hỗ trợ cho tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, nhà ở, thông tin...
Thủ tướng cũng yêu cầu phải huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực. Đối với ngân sách địa phương, tiết kiệm các khoản chi để dồn cho giảm nghèo, lồng ghép chương trình, quan tâm sử dụng hiệu quả. Giai đoạn năm 2016 - 2020, thực hiện chuẩn nghèo mới bao gồm thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, không chỉ dựa vào thu nhập mà phải có cả tiêu chuẩn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
 
Muốn phát triển bền vững phải giảm nghèo cho dân - ảnh 4Người dân tộc thiểu số lao động ở H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - Ảnh: Bạch Dương
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, Phó trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020, tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8 - 2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8 - 6%). Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014), đảm bảo theo kế hoạch đầu năm.
Trong năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34.700 tỉ đồng. Trong đó một số mục tiêu cụ thể đã được hiện thực hóa như ngân sách nhà nước bố trí 12.822 tỉ đồng mua bảo hiểm y tế cho người nghèo; bố trí trên 7.000 tỉ đồng miễn giảm học phí cho học sinh nghèo; khoảng 60.000 lao động được đào tạo nghề miễn phí...
Tuy nhiên, theo đánh giá của ban chỉ đạo, kết quả giảm nghèo thời gian qua chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%.

Theo thanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready