Một thế kỷ lưu lạc của cuốn sử bằng tranh
|
Không nhiều người biết rằng cuốn sách còn có một bản khác, không hề trùng lặp với ba bản kia, có thể gọi là tập hai đang được cất trong kho lưu trữ của một trường đại học ở Nhật Bản.
Nguồn tư liệu lịch sử vô giá
Số phận của cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple annamite) cũng chìm nổi giống như cuộc đời của người đã có công thực hiện - Henri Oger, một sĩ quan người Pháp.
Đi lính tại Đông Dương, cậu sinh viên Oger được chính phủ Pháp đặc cách cho sống tại Hà Nội. Ngay từ lần đầu tiên đặt chân tới đây, Oger đã bị cuốn hút bởi văn hóa của đất nước phương Đông này. Ông muốn khám phá và ghi lại tất cả những hình ảnh nhìn thấy được về cuộc sống sinh hoạt, tín ngưỡng của người dân bản địa (cũng có tài liệu viết Oger được nhiệm sở giao yêu cầu nghiên cứu về những thao tác và nghề nghiệp thủ công, thống kê các thuật ngữ kỹ thuật, nghiên cứu sinh hoạt gia đình của người Việt). Và Oger đã làm việc đó không phải với chiếc máy ảnh mà là cùng với những người thợ vẽ VN. Ông cùng họ đi khắp Hà Nội và vùng phụ cận, sau đó đưa ra ý tưởng, đặt ra các chủ đề để vẽ. Trên cơ sở các bản vẽ, Oger đưa cho các nhà nho để viết lời ghi chú bằng chữ Nôm và chữ Hán. Tiếp đó, ông thuê thợ khắc ở làng Liễu Chàng, huyện Gia Lộc, Hải Dương khắc lại các bức tranh tại đình Vũ Thạnh, rồi đem in tại hiệu in mà ông làm chủ ở Hàng Gai. Không có tiền, Oger vừa làm vừa vận động xin tiền. Ông đã làm tất cả công việc này với 200 đồng bạc được các nhà hảo tâm quyên góp. Đến năm 1910, cuốn sách được xuất bản với số lượng rất ít ỏi (chỉ khoảng 60 bản).
Năm 1919, Oger về Pháp vì sức khỏe yếu, nhưng cũng có tài liệu cho biết ông bị trục xuất khỏi VN do tìm cách xây dựng một cơ chế mới, giúp hai phía thống trị và bị trị có thể gặp gỡ, thảo luận với nhau. Henri Oger mất tích một cách bí ẩn tại Tây Ban Nha vào năm 1936, sau khi ông đã hoàn thành xuất sắc việc tái hiện văn minh vật chất người Việt đầu thế kỷ 20 bằng tranh minh họa.
|
GS Phan Huy Lê đã nhận định, đây là cuốn sử bằng tranh cực kỳ sinh động, phản ánh đời sống của người dân Hà Nội vào đầu thế kỷ 20 rất phong phú và đầy đủ từ cách ăn, ở, đi lại, mưu sinh, tập quán, tín ngưỡng, vui chơi ở các rạp hát, những công đoạn làm nghề ở các làng nghề thủ công, cho đến chu kỳ của một đời người - từ lúc sinh ra, trưởng thành, đến khi lìa đời. “Đây là nguồn tư liệu lịch sử vô giá”, GS nhấn mạnh. Ông còn cho rằng: “Cái quý nhất là Oger đã không theo phong cách phương Tây mà tạo cho mình phong cách mới trên cơ sở nhận thức được đặc trưng văn hóa có tính chất dân dã rất thú vị. Oger đã đưa ý tưởng sử dụng nghệ nhân VN là những thợ khắc, thợ vẽ bản địa, in khắc lăn mực theo kiểu truyền thống của VN”.
Tuy nhiên cho đến giờ, người ta mới chỉ biết đến cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam với hơn 4.000 bức tranh đã được công bố mà không biết rằng còn có hơn 4.000 bức tranh khác nữa.
Bất ngờ từ tin rao bán sách cũ ở Nhật
Trong một lần GS Phan Huy Lê đến thăm Đại học Keio (Tokyo, Nhật Bản), GS Kawamoto Kuniye đã dẫn ông đi thăm kho lưu trữ của trường và nói rằng: “Ông là người VN đầu tiên được biết đến bộ sưu tập cực kỳ quý giá của chúng tôi. Tôi tin nếu được xem, ông sẽ rất kinh ngạc”.
Và GS Phan Huy Lê đã thật sự kinh ngạc khi nhận ra những bức tranh có cách bố trí giống như trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger, nhưng là những bức vẽ hoàn toàn mới, không hề trùng lặp với những bức tranh đã công bố. “Có thể coi đây là tập hai của cuốn sách. Bản thảo gồm 700 trang các bản vẽ đã được dán vào từng trang kèm theo lời chú thích và số thứ tự như tập đã xuất bản. Tập này là bản thảo đã hoàn chỉnh nhưng chưa khắc in thành mộc bản và không phải là bản in như tập đã xuất bản. GS Kawamoto Kuniye cho tôi biết, vào khoảng những năm 1960 thế kỷ trước, căn cứ theo tin quảng cáo bán sách cũ, ông đã được Đại học Keio ủy nhiệm đứng ra giao dịch để mua tập bản thảo quý giá này”, GS Phan Huy Lê nhớ lại. Có lẽ, Henri Oger đã âm thầm thực hiện phần tiếp theo của cuốn sách nhưng vẫn còn dang dở.
Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) đã ngỏ ý được hợp tác với Đại học Keio giới thiệu sách cổ nhưng phía trường dự định công bố tập tranh quý này một cách độc lập. “Tôi hy vọng rồi đây bản thảo này sẽ được Đại học Keio xuất bản, cung cấp những tư liệu quý, không chỉ bản in mà cả bản thảo gồm các bản ký họa và chú thích trên nền giấy dó”, GS Lê bày tỏ.
Theo thanhnien