Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại phiên họp - Ảnh: Thái Sơn
|
Phó thủ tướng cho rằng, hiện nay chưa có giải pháp mạnh đối với những khu vực có sự gia tăng về tai nạn, do đó các bộ, ngành hữu quan cần phải chủ động nghiên cứu để đánh giá và áp dụng các biện pháp hữu hiệu, trong đó phải lưu ý đến tình hình ở khu vực nông thôn; những nơi nào xảy ra điểm đen về an toàn giao thông (ATGT) thì phải khắc phục cả nguyên nhân trực tiếp lẫn gián tiếp, mặt khác phải huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực.
|
Phó thủ tướng cho biết, tới đây Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh việc xử lý các hành vi vi phạm giao thông theo hướng xử phạt nặng. “Trong hòa bình mà mỗi năm có cả vạn người chết như thế thì không thể nghe được, các ngành phải khẩn trương có giải pháp khắc phục cho được. Nói đã nhiều lắm rồi, giờ phải làm chứ không thể nói mãi nữa”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
3 tháng 2.345 người chết
Báo cáo tại phiên họp sơ kết quý 1/2015 của Ủy ban ATGT quốc gia chiều qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết trong 3 tháng đầu năm (tính từ 16.12.2014 đến 15.3.2015), cả nước xảy ra hơn 5.800 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 2.345 người, làm bị thương gần 5.500 người. Trong số này, TNGT đường thủy xảy ra 23 vụ, 23 người chết tăng 6 vụ (+35,2% so với cùng kỳ), đường sắt xảy ra 43 vụ khiến 38 người chết, 11 người bị thương, tăng 2 vụ so với cùng kỳ.
Dù đánh giá tình hình quý 1 có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ 2014, nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh số người chết chỉ giảm được 3,8% (82 người), tai nạn đường thủy tăng cao với số người chết tăng tới 53%. Đặc biệt, trong tháng 3, tai nạn diễn biến rất phức tạp, trong khi số vụ giảm nhẹ thì số người bị thương tăng 5 và người chết tăng đột biến đến 169, tương đương 27,8%.
Phân tích của Ủy ban ATGT quốc gia cho biết các hành vi vi phạm trực tiếp dẫn đến TNGT phổ biến là đi không đúng phần đường, làn đường. Có tới 67,7% phương tiện gây tai nạn là mô tô, xe gắn máy, ô tô chiếm 26,3%. Địa bàn xảy ra TNGT chủ yếu là ngoài đô thị, trong đó quốc lộ chiếm 35%, tỉnh lộ 17%, đường liên thôn xã 12,8%.
|
Góp ý thêm về tình hình TNGT trong quý 1, thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết trong 3 tháng qua đã xử phạt trên 1 triệu trường hợp, phạt tiền hơn 616 tỉ đồng. “Chúng tôi thấy băn khoăn khi các ngành, các cấp vào cuộc rất quyết liệt, quy định pháp luật tương đối đầy đủ, nhưng vi phạm vẫn tăng cao, nguyên nhân là do đâu?”, ông Hà đặt câu hỏi.
Bí thư, chủ tịch UBND tỉnh ra “đứng đường”
Bàn đến giải pháp, ông Hà đề xuất đưa việc giảm TNGT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm, mặt khác phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng tình ý kiến này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói kinh nghiệm xử lý xe quá tải trong thời gian qua đã cho thấy địa phương nào bí thư, chủ tịch UBND tỉnh ra “đứng đường” thì chỗ đó không còn quá tải. “Điều này cũng đồng nghĩa với việc nơi nào còn tình trạng này chứng tỏ chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc công an còn thiếu trách nhiệm”, Bộ trưởng Thăng nói và cho biết ngành giao thông đang thực hiện triệt để trách nhiệm người đứng đầu.
“Trên tuyến quốc lộ từ Hải Phòng đến Lạng Sơn, Cao Bằng, chúng tôi yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ phải tăng cường trách nhiệm cả ngành dọc lẫn ngành ngang. Nếu như tại cảng Hải Phòng mà để chất hàng quá tải lên xe thì giám đốc cảng phải nghỉ việc, tương tự ở địa phương thì lãnh đạo các đơn vị quản lý đường bộ phải chịu kỷ luật”, Bộ trưởng Thăng nói.
Siết chặt quản lý lái xe
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải VN, cho rằng TNGT xảy ra nhiều có nguyên nhân “buông lỏng quản lý đào tạo, quản lý lái xe”. “Quản lý lái xe lỏng lẻo kể cả ở khâu đào tạo, mang tiếng là doanh nghiệp HTX vận tải nhưng phó mặc cho lái xe tự tung tự tác trên đường. Bên cạnh đó, còn có tình trạng tôi là tài xế ở doanh nghiệp này thì bị xử lý nhưng ở doanh nghiệp khác cũng vi phạm thì không bị gì. Tức là xử lý người vi phạm chưa nghiêm và chưa minh”, ông Thanh nói và đề xuất các cơ quan hữu quan cần đánh giá đúng mức về thiết bị giám sát hành trình bởi hiện nay chỉ dùng để quản trị doanh nghiệp, chưa được sử dụng để quản lý nhà nước, trong khi đó ở nước ngoài áp dụng rất hiệu quả.
Ông Thanh cũng đề xuất đối với việc tài xế sử dụng rượu bia thì phải quyết liệt, việc tịch thu phương tiện dư luận có nhiều tranh cãi thì tìm biện pháp phù hợp hơn. “Thực ra, cá nhân mỗi người sẽ sợ nhất việc bị giam giữ, bị quản chế, buộc lao động công ích 5 - 10 ngày hơn là bị phạt 5 triệu, 10 triệu đồng”, ông Thanh nói và cho rằng đó coi như là một bước đột phá và đánh giá kỹ có làm được, có hiệu quả hay không, nếu được thì sửa luật hay thông tư cũng phải chấp nhận.