Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 14/08/2017

Mồ hôi nhỏ xuống, công trình mọc lên

Mồ hôi nhỏ xuống, công trình mọc lên

Chiến sĩ Mùa hè xanh 2017 Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng người dân sửa chữa cầu Rỗng Cát tại ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: Q.L.

Các bạn trẻ được trải nghiệm cuộc sống thực tế hằng ngày của bà con cô bác, hiểu và dấn thân, từ đó biết suy nghĩ về cộng đồng nhiều hơn dù ở bất kỳ vai trò, vị trí nào trong cuộc sống.

Ông Tất Thành Cang (phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM)

Nơi bước chân 
tình nguyện đi qua

Men theo con đường mòn nhỏ dọc mé kênh, chúng tôi tìm đến ngôi nhà tình bạn mà các chiến sĩ Mùa hè xanh ĐH Công nghệ Sài Gòn xây tặng gia đình ông Nguyễn Văn Kiếm tại xã Tân An Hội, huyện Mang Thít (Vĩnh Long).

Ông bà có hai con trai, một đang đi nghĩa vụ quân sự, một đang làm công nhân tại TP.HCM. Cùng với mảnh vườn nhỏ trước nhà, thu nhập chính của ông bà nhờ làm mướn, ai mướn gì làm nấy.

Thay cho ngôi nhà lá xiêu vẹo bao năm qua là ngôi nhà nền lát gạch men, cột bêtông và mái tôn ximăng. Bà con xung quanh khi đó cũng chạy qua phụ với mấy bạn sinh viên TP một tay, bất kể ngày nắng mưa để gia đình người hàng xóm diện hộ nghèo sớm có căn nhà mới.

Ông Kiếm cười hiền lành: “Nhiêu đây là mơ ước cả đời của tui rồi đó, có chỗ kiên cố chui ra chui vào, mùa mưa đỡ lo hơn”.

Hôm sửa cây cầu bêtông Rỗng Cát tại ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi 
(TP.HCM), bà con qua lại có bất tiện một chút nhưng ai nấy cũng vui. Cây cầu là con đường chuyên chở của nhiều hộ dân có ruộng, vườn phía bên kia cầu.

Chỉ sau vài ngày, với đội hình chuyên xây dựng gồm 15 chiến sĩ Mùa hè xanh ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng một người thợ tại địa phương, cây cầu đã được giặm vá, mặt cầu được đổ lớp bêtông dày 7cm, phần lan can cũng được sơn sửa mới.

19 cây cầu bêtông nông thôn đã được xây mới, sửa chữa trong Mùa hè xanh 2017. Trong đó, 3 cây cầu được xây mới hoàn toàn tại Đồng Tháp, Bến Tre và Vĩnh Long. Riêng tại năm huyện ngoại thành TP.HCM, 9 cây cầu đã được sửa chữa, sơn mới, giúp bà con đi lại thuận tiện hơn.

Đó là chưa kể gần 43km đường nông thôn tại các mặt trận đã được chiến sĩ tình nguyện bêtông hóa, trong đó có hơn 15,3km đường, hẻm ở ngoại thành và quận vùng ven TP.HCM.

Trải nghiệm 
và trưởng thành

Có một nhóm những cựu chiến sĩ Mùa hè xanh đã cùng rủ nhau về thăm lại mặt trận Bến Tre - nơi họ đóng quân năm 2002 - vào những ngày cuối tháng 7 qua. Chuyến trở về sau 15 năm đã để lại trong họ nhiều cảm xúc. Cảnh vật và nhiều thứ xung quanh thay đổi, duy chỉ có tình yêu thương và tấm lòng của bà con vẫn nguyên vẹn.

Quà cho ngày về lại mặt trận xưa là những suất học bổng, quà cho học sinh vùng quê chuẩn bị năm học mới, quà tặng các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, những bữa cơm đậm nghĩa tình tại các gia đình nuôi quân năm xưa. Ở đó còn có mối dây gắn kết khi những cô cậu sinh viên Mùa hè xanh năm xưa nay đã là dâu, rể nơi mình đóng quân.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang nhớ đó là năm 1996, khi TP hoàn thành mục tiêu quốc gia xóa mù chữ với sự góp công đáng kể của sinh viên TP. Chính hoạt động Ánh sáng văn hóa hè khởi nguồn từ sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM làm cho phong trào tình nguyện của sinh viên TP bắt đầu sôi nổi và đòi hỏi cần có một hoạt động khác khi việc xóa mù chữ đã xong.

Và Mùa hè xanh ra đời, chính thức bước vào mùa chiến dịch đầu tiên năm 1997.

Trò chuyện trước chiến sĩ tình nguyện 2017 tại Vĩnh Long, ông Tất Thành Cang nói 20 năm qua nhiều thế hệ thanh niên, sinh viên của TP.HCM đã thật sự được rèn luyện và trưởng thành. Ông cũng nói lời cảm ơn lãnh đạo và bà con tại các địa phương đã đùm bọc, nuôi dạy bao thế hệ sinh viên của TP suốt thời gian qua khi các bạn về công tác tại địa bàn.

Dự án tình nguyện trên đảo Thổ Chu

Mồ hôi nhỏ xuống, công trình mọc lên

Chiến sĩ Mùa hè xanh TP.HCM cùng hợp sức thực hiện các công trình tặng bà con tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang) trong chiến dịch năm 2017 - Ảnh: Q.NG.

Tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang), gần 50 chiến sĩ tình nguyện TP.HCM đã thực hiện nhiều công trình. Trong đó, ba dự án đoạt giải cao cuộc thi ý tưởng dự án tình nguyện “Vì biển, đảo xanh” đã được triển khai vào thực tế gồm: xây dựng và lắp đặt phòng thực hành, thí nghiệm cùng phần mềm “Giờ thực hành cho em”; xây dựng và lắp đặt thư quán đọc sách công cộng cho thanh niên và thiếu nhi; hoàn thành và trao tặng vườn rau thủy canh công nghệ cao cho bộ đội.

Ngoài ra các bạn còn thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, lọc nước sạch, xây dựng nếp sống văn minh, an toàn giao thông, chăm sóc thiếu nhi, xây dựng nông thôn mới, hướng về biển đảo Tổ quốc...

Mồ hôi nhỏ xuống, công trình mọc lên

Các bạn trẻ huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) giúp người dân ở bản Chiềng Nang, xã Giao An đổ bêtông, làm đường vào nhà - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Dưới cái nắng chang chang của ngày hè, gần 400 đoàn viên thanh niên huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) chia thành các đội, về các gia đình ở xã Giao An giúp người dân xây chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, xây công trình nhà vệ sinh, làm đường bêtông nối từ đường liên thôn, bản vào nhà dân.

Chương trình nằm trong chiến dịch “Hè tình nguyện 2017”. Mỗi người một việc, người khiêng ximăng, cát, đá dăm, người trộn hồ, đổ bêtông... Khi mặt trời đổ bóng về phía núi xa xa, chiếc áo xanh tình nguyện của các bạn ướt đẫm mồ hôi, cũng là lúc từng đoạn đường bêtông vào nhà dân, từng công trình nhà vệ sinh, chuồng trại nuôi gia súc được hoàn thành trong ánh mắt tràn đầy niềm vui của người dân.

Cùng nấu từng bữa cơm cho các bạn thanh niên tình nguyện, người dân địa phương hôm thì góp vài củ măng rừng, hôm thì góp bó rau xanh hái trên đồi, làm nên bữa ăn thật đầm ấm, đậm nghĩa tình đồng bào vùng cao.

Theo Huyện đoàn Lang Chánh, kết thúc đợt hoạt động tình nguyện này, các bạn trẻ của huyện đã xây dựng được hơn 4km đường bêtông vào nhà, làm mới hơn 70 chuồng trại gia súc, 25 nhà vệ sinh và khơi thông cống rãnh thoát nước cho hơn 85 hộ dân.

Lúc chia tay các bạn thanh niên tình nguyện, người dân xã Giao An nắm chặt tay các bạn trẻ. Nhiều người cho biết từ nay con đường vào nhà của đồng bào không còn lầy lội mỗi khi mùa mưa đến nữa, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được di dời ra xa nhà ở, không còn tình trạng ô nhiễm môi trường.

Anh Lê Văn Khánh - bí thư Huyện đoàn Lang Chánh - cho biết: “Hoạt động tình nguyện vì cộng đồng những ngày qua của đoàn viên thanh niên huyện Lang Chánh là chương trình tình nguyện lớn nhất từ trước đến nay ở địa phương. Với các hoạt động tình nguyện vào mùa hè, mùa đông, Đoàn sẽ giúp người dân các xã thực hiện nhiều công trình dân sinh khác, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng tốt hơn”.

Mồ hôi nhỏ xuống, công trình mọc lên

Các bạn sinh viên Việt và Malaysia trong một tiết mục giao lưu văn nghệ tại lễ tổng kết - Ảnh: C.NHẬT

Chiều 12-8, tại Thành đoàn TP.HCM đã diễn ra lễ tổng kết hoạt động của sinh viên tình nguyện Malaysia trong chiến dịch Mùa hè xanh 2017. 

Năm nay là năm thứ 6 sinh viên tình nguyện Malaysia tham gia Mùa hè xanh (với 50 sinh viên Malaysia tham gia), là cột mốc khẳng định sự phát triển bền vững giữa Thành đoàn TP.HCM và Tổ chức sinh viên tình nguyện (Bộ Giáo dục đại học Malaysia), góp phần thiết thực vào sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Cầm trên tay tờ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình, bạn Yew Ching Ryu (23 tuổi, sinh viên ĐH Malaysia Kelantan) cho biết đây là lần đầu tiên bạn đến VN và bạn đã có những ngày hoạt động tình nguyện rất vui, ý nghĩa và khó quên.

Ching Ryu nói với ánh mắt lấp lánh: “Trước khi qua VN, tôi chỉ có một người bạn Việt duy nhất, bây giờ con số đó đã nhảy lên 50. Tôi thấy người Việt rất thân thiện và nền văn hóa phong phú. Tôi chắc chắn sẽ quay lại thăm vùng đất này vào năm sau”.

Từ 12-7, các bạn sinh viên Malaysia và sinh viên một số trường ĐH trên địa bàn TP.HCM đã tham gia nhiều hoạt động (xây và sửa đường, cải tạo sân chơi thiếu nhi, thăm các hộ gia đình có công với cách mạng...) tại quận 12 và các huyện: Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè.

Theo tuoitre

 

 

 

 

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready