Mẹ Phan Thị Hà Thanh: 'Con huy chương vàng, cả nhà hết đau tim'
Bà Trần Thị Quán, 50 tuổi, mẹ của Hà Thanh đang ở cơ quan, bà và rất nhiều đồng nghiệp đã tập trung lại trong một căn phòng, nín thở theo dõi các phần thi của con gái qua ti vi.
Còn bố của Hà Thanh, ông Phan Văn Đoàn, cán bộ của Đài khí tượng thủy văn Đông Bắc phải đi công tác Trung Quốc ngay trong chiều nay. Trước giờ bay, nói với chúng tôi qua điện thoại khi mà Hà Thanh vừa mới thi cầu thăng bằng xong, ông Đoàn bảo ngồi lên máy bay bây giờ, nhưng cũng như ngồi trên lửa.
Những người thân của cô gái vàng TDDC này không xa lạ gì với những chiến thắng của Phan Thị Hà Thanh, vì cô cứ đi thi đâu là mang vàng từ đó về, cả các giải đấu trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, họ vừa phải trải qua những giờ phút rất căng thẳng khi ngày hôm qua, 7.6 ngay trước hôm thi toàn năng này, Hà Thanh tái phát chấn thương ở đầu gối.
Đây là một bất lợi lớn của TDDC cũng như đoàn thể thao Việt Nam, thậm chí, đã có lúc nhiều người không dám đặt hi vọng Việt Nam có vàng toàn năng nữ.
“Hôm qua vừa dọn cơm thì thấy bản tin đưa Hà Thanh bị chấn thương. Nhìn thấy con khóc. Hai vợ chồng cũng chảy nước mắt theo con, nghĩ chắc con đau quá. Mâm cơm bỏ bẵng đấy, không nuốt nổi nữa.
Tôi lên mạng, nói chuyện với HLV Thanh Thúy của cháu, cô Thúy cứ động viên là yên tâm. Nhưng suốt từ tối qua tới giờ, bây giờ con cầm HCV rồi mới không thấy đau tim nữa”, bà Quán kể lại.
Thú thật, bản thân chúng tôi khi theo dõi những tin tức về Hà Thanh trong suốt 24 giờ qua cũng “đau tim”, khi liên tục nghe thấy những cụm từ “Hà Thanh chấn thương” lặp lại.
Cảm giác lo sợ, hồi hộp cũng đeo bám chúng tôi suốt từ 15 giờ đến 16 giờ 50 chiều nay, khi dõi theo các phần trình diễn của Hà Thanh. Lo Hà Thanh không ở vị trí cao nhất là một phần, lo cô gặp sự cố gì trên sàn đấu thì lớn hơn gấp bội.
Vì thế, những cú văng người trên không ở phần xà lệch, những cú nhảy, xoay người ở phần cầu thăng bằng của nữ VĐV sinh năm 1991 khiến ai nấy đều thót tim.
Ơn giời, Hà Thanh đều thực hiện chuẩn xác. Chỉ có sơ xuất một chút xíu ở phần cầu thăng bằng, nhưng cô gái vẫn giữ vững cơ thể, tiếp đất thành công.
Không hề có chút thiên vị khi nhận thấy ở tất cả các phần thi: nhảy chống, xà lệch, cầu thăng bằng, thể dục tự do, Hà Thanh tỏa sáng nhất trong số tất cả các cô gái đến từ các quốc gia Malaysia, Singapore, Myanmar, Thái Lan.
Vóc dáng thon gọn, khuôn mặt xinh xắn, thần thái tươi tỉnh, những động tác vừa uyển chuyển, dứt khoát và chính xác, tổng điểm số 53,650 dành cho Hà Thanh hoàn toàn thuyết phục tất cả các đối thủ của chính cô.
Bông hoa khiêm nhường thành phố Cảng
Có đến nhà riêng của Hà Thanh ở Hải Phòng, mới thấy bất ngờ về mái ấm của cô gái vàng TDDC Việt Nam. Căn nhà rất nhỏ trên phố Bến Bính, cảm giác các chỗ trống đều treo huy chương, bằng khen, các quà lưu niệm tại các giải đấu Hà Thanh đã đi qua.
Mẹ làm việc tại một bệnh viện trong quân đội, bố là cán bộ dự báo khí tượng thủy văn, Hà Thanh còn có một em trai đang học lớp 11. Hà Thanh đang thuộc biên chế của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hải Phòng, với những thành tích đạt được, cô được Hải Phòng tặng một miếng đất từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chia sẻ thành thật với chúng tôi, mẹ của Hà Thanh cho hay gia đình chưa đủ tiền để xây một căn nhà rộng hơn.
Hà Thanh kín đáo, khiêm nhường, cô ít thích nói nhiều về mình mà chỉ lẳng lặng tập luyện. Trong nhà, cô thích tâm sự với bố, nhưng không phải gì cũng kể, đặc biệt liên quan đến chuyên môn tập luyện và những chấn thương.
“Tôi thấy con tái phát chấn thương, nhắn tin trên facebook động viên con. Nhưng Hà Thanh không vào facebook mấy ngày này, con để hết tâm trí cho SEA Games”, bà Quán kể.
Hà Thanh ước mơ được trở thành một HLV TDDC, cô từng chia sẻ với Thanh Niên Online, muốn dạy cho nhiều trẻ em ở Hải Phòng biết và yêu thể dục dụng cụ hơn, bằng phương pháp mới mà từ những kinh nghiệm của chính mình.
Chấn thương là có huy chương
Từ năm 6 tuổi đến nay, chấn thương đã thành “bạn đồng hành” của Hà Thanh trên con đường đi đến những chiến thắng lừng lẫy ở châu lục và thế giới. Chưa bao giờ Hà Thanh bỏ cuộc. Năm 2011, Hà Thanh từng phải đi hút dịch ở chân và nghỉ gần 2 tháng vì chấn thương đầu gối, song khi trở lại cô đã đoạt chức vô địch thế giới. Năm 2012, cô gái cũng vô địch Cúp thế giới, dù trước đó tái phát chấn thương chân. |
Theo thanhnien