Lượng Hoàng Anh, chất Sông Lam & triết lý Miura
Cái hay của cả Mạnh Hùng lẫn Ngọc Hải là không chỉ thi đấu vững vàng, đĩnh đạc để phả một tầm ảnh hưởng lớn ở riêng khu vực phòng ngự, mà còn thường xuyên xuất hiện ở những điểm nóng trên sân và ở những chỗ "nóng" nhất, nếu Ngọc Hải luôn có thể tung ra những đường chuyền sáng nước thì Mạnh Hùng lại tạo cho người xem một cảm giác đầy hy vọng khi đối diện với mỗi pha đá phạt.
Chắc chắn Ngọc Hải, Mạnh Hùng với phong độ và khả năng thi đấu đa năng của mình vẫn sẽ là một trong những chọn lựa hàng đầu của ông Miura ở ĐT U.23 sắp tới. Nhưng với sự trở lại của Hoàng Thịnh - người từng đá chói sáng ở hàng tiền vệ tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2014, từng ghi bàn mở điểm vào lưới Philippines, tạo ra một đêm bay bổng ở Mỹ Đình thì chắc chắn chất Nghệ, chất Sông Lam còn được nhân lên nữa.
Một viễn cảnh mà nhiều người cùng nghĩ đến đó là hình ảnh hai con người Sông Lam đứng chặn trước khung thành và một người Sông Lam đóng vai trò quyét giữa. Đấy là còn chưa nói những cá nhân Sông Lam hứa hẹn khả năng đột biến như Phi Sơn, Tuấn Tài luôn có thể vào sân bất cứ lúc nào. Và như thế, chất Sông Lam, chứ không phải chất Hoàng Anh nhiều khả năng mới là cái chất làm nên linh hồn U.23 Việt Nam.
Điều này có vẻ nghịch lý khi nhớ lại những tuyên bố của giới lãnh đạo bong đá nước nhà hồi đầu năm. Hồi ấy, trong khi chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng nói thẳng với báo giới về việc sẽ lấy nguyên lứa U.19 + Hoàng Anh dự SEA Games thì PCT VFF Đoàn Nguyên Đức từng bày tỏ mơ ước về việc lứa cầu thủ này sẽ giúp nền bóng đá thoả nguyện giấc mơ vàng.
Trước đó, bầu Đức còn nhiều lần bày tỏ quan điểm nếu đã sử dụng thì nên sử dụng cả một tập hợp, chứ tuyệt đối không nên "xé lẻ" U.19. Thế nhưng từ vòng loại giải U.23 châu Á đến SEA Games 28 (dự kiến), không khó thấy việc ông Miura một mặt vẫn gọi một số lượng áp đảo các cầu thủ U.19 Hoàng Anh nhưng lại khéo léo "xé lẻ" những cầu thủ này trong mỗi lần bày trận. Câu hỏi đặt ra là cách làm của ông Miura có thật sự hợp lý?
Việc U.23 Việt Nam vượt qua vòng bảng để tham dự VCK U.23 châu Á vào năm sau chính là câu trả lời thuyết phục. Mặc dù bầu Đức có thể không thích tư tưởng dụng binh thực dụng của Miura hồi đó và tiếc nhớ hình ảnh cống hiến của U.19 trước đây thì ông cũng không hề phủ nhận những gì mà thầy trò Miura làm được.
Và cái sự "không hề phủ nhận" càng được củng cố khi mới đây, tại đấu trường V.League thì một Sông Lam thuần nội đã thắng một Hoàng Anh thuần nội đầy thuyết phục. Phải nhắc lại, đấy là chiến thắng mà Sông Lam không sử dụng lối chơi chém đinh chặt sắt, mà dùng chính tư tưởng kĩ thuật để đàng hoàng đấu lại một Hoàng Anh vốn vẫn được nhìn nhận như một điển hình kĩ thuật.
Lượng Hoàng Anh, chất Sông Lam và tư tưởng Miura (cái tư tưởng mà như thừa nhận của Quế Ngọc Hải thì chính những cầu thủ Sông Lam cũng phải học cách thi nghi cả ở những sinh hoạt phía trong lẫn phái ngoài sân cỏ), hy vọng đấy sẽ là công thức giúp người hâm mộ bóng đá nước nhà có thể sáng lên thật nhiều niềm tin.
Và cũng hy vọng là nếu ai đó có cảm thấy khó chịu với một công thức không như ý mình thì cũng không vì thế mà cả một đại cuộc lung lay!
Theo thanhnien