Loạn “tiến sỹ giấy”!
Số “tiến sỹ giấy” cũng “khơ khớ”. Để tránh lãng phí “nhân tài”, mấy ngày này cứ rộ lên việc bàn thảo về "xuất khẩu", để nâng vị thế cho đất nước. Một số nhà "tiên tri" dự báo có “loạn”. Nào là loạn “ông nghè dởm”, “loạn nhà ngoại cảm”, “loạn thày tướng số”...v.v.
Ờ, cũng đúng thật!
Ảnh có tính chất minh họa
Nhưng phải đánh giá cho khách quan chứ, không thể “vơ đũa cả nắm”! Có rất nhiều giáo sư, tiến sỹ thực tài đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó thì chẳng thể phủ nhận được. Nhưng tại sao cái đám “tiến sỹ dởm” ấy bây giờ lại đông như thế nhỉ? Cứ “vàng thau lẫn lộn” làm hoen ố đến các bậc hiền tài của đất nước, tức thật!. “Tiến sỹ dởm”, “sao chép”, “lắp ghép” rồi được cái danh hão để giới thiệu cho nó “oách xì dầu”!
Những vị như thế cả đời chẳng đọc một cuốn sách, chẳng nghiên cứu gì, ngoại ngữ thì viết mấy chữ cám ơn, lời chào bằng tiếng Anh còn sai be bét, đi nước ngoài hỏi đường bằng cách ra hiệu, tay chân cứ “múa loạn xạ cả lên, như lên đồng". Khi chúng tôi ngồi tán chuyện, nói về nhân vật "Tào Tháo" trong "Tam quốc", thì có vị "tiến sỹ" nghe lỏm cũng gật gù: cái nền văn học Pháp hay thật. Cha mẹ ơi!, sao mà cười "ra nước mắt".
Các bác sỹ của ta đi làm chuyên gia cũng nhiều, rồi đến điều dưỡng viên, nông dân cũng đi xuất khẩu được để hướng dẫn trồng cây...v.v Nông dân sáng chế ra máy bóc lạc, máy đào đất... Còn mấy “ổng tiến sỹ” đó, nghe đâu thường làm ở các cơ quan, đoàn thể thì phải!.
Bây giờ lại nghĩ đến xưa, thật xót cho cụ Trần Tế Xương sống ở cái thời “sự học chán lắm rồi”, cho nên lận đận về con đường “khoa cử”. Bây giờ thì cụ đã đỗ “tiến sỹ” từ lâu, chẳng phải vất vả thế!. Cụ có biết không?, bây giờ họ "phù phép" biến người buôn gỗ thành tiến sỹ y khoa đấy! Đến "Tôn hành giả" cũng phải bó tay.
“Tiến sỹ" như thế thì “xuất khẩu vào mắt à!?” giáo sư, tiến sỹ thực thụ ở trong nước làm chẳng hết việc, lấy đâu ra nhiều mà xuất khẩu.
Ở một số tuyến phố cổ, Hà Nội, thấy mấy người thợ cắt tóc bầy đồ nghề kê vào tường, mà có cần nhà hàng sang trọng, thế mà rất nhiều người ngồi chờ cắt tóc. Ngắm người thợ cắt tóc "múa kéo", xứng danh là "Thiên hạ đệ nhất kéo". Làm nghề gì mà giỏi đều được mọi người quý mến và làm không hết việc. Nhà báo Hữu Thọ đâu có giáo sư, tiến sỹ, nhưng được đồng nghiệp và công chúng nể trọng về nghề viết báo và những đóng góp trong lĩnh vực văn hóa - tư tưởng của ông. Tôi có may mắn được nhiều lần tiếp xúc với ông. Nghe ông lý giải nhiều vấn đề về nghề báo chí, kinh tế, chính trị và xã hội, luôn cảm thấy mình là một học trò nhỏ, trước người thầy lớn.
Vậy thì cơ chế nào mà sinh ra nhiều “tiến sỹ giấy" như thế!? Đúng rồi!, chúng ta khuyến khích việc học tập suốt đời. Học tập thêm kiến thức để làm việc tốt hơn. Chứ đâu phải “học giả” bằng thật, rồi “chạy” để lên ông này, bà nọ làm tổn hại cho dân, cho nước.
Trách nhiệm của những người cho ra "lò" những "tiến sỹ dởm" đến đâu? Nghị quyết của Đảng cũng nói rồi: Đánh giá cán bộ qua thực hiện tốt các công việc được giao, chứ đâu phải “bằng cấp”. Chúng ta trân trọng và ghi nhận sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của những người có học vị cao. Thế nhưng, “cái mốt sính bằng cấp” cũng chẳng dễ gì xoá bỏ. Chả lẽ cứ để “vàng thau lẫn lộn”, dứt khoát phải siết chặt thi cử bằng những cơ chế, quy định, để không có "đất dụng võ" cho các “tiến sỹ dởm”.
Cụ Nam Cao viết truyện “Đôi mắt” có nói về thằng bán thịt lợn, thì cứ để nó bán thịt lợn… Cụ Nam Cao tài thật, tài đến thế là cùng!
TheoDangcongsan (NM)