Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 05/05/2015

Linh thiêng một miền truyền thuyết

Về đất Tổ Phú Thọ, dù đặt chân tới vùng đất nào, dọc vùng ven sông Thao đỏ nặng phù sa, bước chân lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng nhìn thẳng xuống dòng Đà giang cuộn chảy hay ngược Hiền Lương nơi Quốc Mẫu Âu Cơ dừng chân trong hành trình “khai thiên phá thạch”, ai cũng lắng lòng mình trước tán cọ xanh rợp để hòa vào miền truyền thuyết vừa linh thiêng vừa gần gũi. Là con dân đất Việt, ai cũng nhớ về nguồn cội của mình và ai cũng từng nghe, lưu giữ trong tâm khảm những câu chuyện từ thuở hồng hoang. Vùng quê Phú Thọ từ bao đời nay đã được xem là vùng đất cội nguồn, là nơi hội tụ những truyền thuyết, những huyền tích về những hành trình, những mốc son lịch sử mà cha ông ta đã làm nên trong quá khứ.

Lễ hội đền Chu Hưng (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) nơi thờ một vị tướng thời Hùng Vương.
Lễ hội đền Chu Hưng (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) nơi thờ một vị tướng thời Hùng Vương.

Những truyền thuyết về nguồn cội của dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ câu chuyện về Lạc Long Quân - vị Quốc Tổ của muôn dân đất Việt và Đệ nhất Tiên Thiên Công chúa - Quốc Mẫu Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng rồi mỗi người dẫn 50 người con đi về một hướng để tạo lập giang sơn. Là người Việt, ai ai cũng biết câu chuyện đó. Nhưng điều quan trọng là dù đó chỉ là huyền tích nhưng trong tiềm thức của con dân đất Việt từ bao đời nay, mỗi người Việt Nam đều xem chuyện mình được sinh ra từ bọc trăm trứng như một minh chứng cho tinh thần đoàn kết một lòng, là niềm hãnh diện về dòng giống Tiên Rồng. Về xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) ngày nay, hay tụ về Đất Mẹ Hiền Lương (huyện Hạ Hòa) nơi có đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, ai cũng như chìm vào dòng huyền thoại dường như chảy mãi từ quá khứ đến hiện tại về nguồn cội của dân tộc mình.

Hành trình 18 đời Vua Hùng dựng nước luôn được người dân xứ cọ kể cho nhau nghe qua những huyền thoại. Truyện kể rằng, trước khi quyết định đóng đô ở núi Nghĩa Lĩnh, Vua Hùng đã đi tìm đất để đóng đô. Đến vùng đất Ao Châu (Hạ Hòa) thấy địa thế sơn thủy hữu tình, núi non trùng điệp, Vua quyết định chọn nơi đây để đóng đô. Nhưng ngay sau đó có một con rắn bò ra tâu với nhà vua rằng đây là vùng đất của rồng rắn nên không thể sống chung với con người được. Nghe vậy, Vua Hùng bèn thay đổi hành trình, xuôi về sông Thao, dừng chân đóng đô ở đất Phong Châu nơi có ngọn núi Nghĩa Lĩnh sừng sững soi mình xuống dòng sông Đà phía trước, xung quanh có 99 con voi hướng chầu. Truyền thuyết còn kể rằng, Vua Hùng đi đến đâu, dân trong vùng đều kính trọng và ủng hộ nhà vua. Người dân dâng lên Vua những sản vật từ bông lúa củ khoai, từ chính bàn tay họ làm ra như xôi nếp, chè lam, bánh chưng, bánh dày. Rồi Vua Hùng dạy dân trồng lúa nước, dạy dân cày bừa, trồng dâu dệt vải, khai khẩn sơn trang. Những câu chuyện đã nhấn mạnh về quan hệ vua - tôi từ thời dựng nước đã hết sức gần gũi, ấm áp và ân tình. Là con dân đất Việt, ai mà không biết đến truyền thuyết về bánh chưng,  bánh dày. Hình như đến hôm nay, câu chuyện về những thức bánh thảo thơm của Lang Liêu ngày nào không còn là huyền tích nữa bởi nó đã in đậm trong lời ăn tiếng nói, trong phong tục của người Việt. Để rồi truyền thuyết hiện hữu trong những ngôi nhà, những miền đất, những cái tết quê sum vầy. Trăm thứ bánh đã làm nên lòng thơm thảo, truyền thuyết đã dạy cho người dân đất Việt từ đời này sang đời khác biết quý trọng và gìn giữ hạt gạo để làm nên sự vuông tròn trong cuộc sống.

Về miền đất Tổ, ai cũng muốn lắng hồn mình để nghe những câu hát Xoan nơi đình làng. Câu ca di sản ấy từ bao đời nay đã hòa vào huyết quản của cư dân vùng đất Tổ như một điều thiêng liêng tự bao giờ. Huyền tích về câu hát Xoan được người dân Phú Thọ truyền nhau, kể cho nhau nghe từ bao đời rằng vào một ngày đẹp trời, ba anh em Hùng Vương đi tìm đất đóng đô, nhân lúc nghỉ chân ở ven rừng, Vua trông thấy lũ trẻ chăn trâu đùa nghịch và hát đồng dao. Vua cho gọi chúng đến trò chuyện và bảo chúng hát cho nghe.

Nghe xong, Vua truyền dạy cho lũ trẻ những điệu hát múa của người Lạc Việt trên đất Văn Lang. Những câu hát Xoan bắt nguồn từ đó. Ấm áp và bình dị như vậy đó.

Vùng quê Phú Thọ cứ mỗi khi tết đến xuân về lại rộn rã với lễ hội gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Và như thế, những truyền thuyết lại được bừng lên trong nghi ngút hương trầm, trong lễ vật dâng lên Tiên Tổ, trong câu ca, điệu hát… Đó là các lễ hội: Lễ hội ném chài, lễ hội đền Lăng Sương, lễ hội rước ngựa làng ở xã Hiền Đa, lễ hội cướp phết ở Hiền Quan, lễ hội đền Hùng giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội đền Chu Hưng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, lễ hội Trò Trám… Điểm chung của các lễ hội này là đều khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nhắc lại cho con cháu nghe về những truyền thuyết, những tích liên quan đến truyền thuyết Hùng Vương. Điều đặc biệt là những truyền thuyết, những huyền tích nơi miền Đất Tổ không phải là những câu chuyện cổ xưa chỉ còn tồn tại trong sách vở mà đó là những câu chuyện đã in sâu vào tâm khảm mỗi người dân đất Việt, trở thành nếp sống, nếp nghĩ, phong tục tập quán. Vì thế, sự trường tồn và sức lan tỏa của những truyền thuyết thời Hùng Vương đã trở thành sức mạnh cho tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, tiếp thêm niềm tin cho con người hướng về phía trước.

Theo baodaklak

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready