Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 26/03/2015

Lên Đắk Lắk thưởng lãm sắc hương cà phê

Cà phê là cây công nghiệp dài ngày, mỗi năm cho thu hoạch một lần vào những tháng cuối năm Tây lịch. Suốt một năm dài, cây cà phê chắt chiu chất dinh dưỡng, hấp thụ tinh túy đất trời để tạo nên những hạt cà phê có mùi hương đậm đà. Sau mỗi vụ thu hoạch, thân cây, cành lá khô dòn giữa tiết trời nắng nóng khắc nghiệt của Tây Nguyên, nhưng chỉ cần qua một đợt tưới hoặc mưa về là những chồi hoa trong kẽ lá lại nở trắng toát, tỏa hương ngào ngạt như là một phần thưởng xứng đáng cho những nông dân quanh năm gắn bó với loài cây này. Bà Nguyễn Thị Xuân (thôn 7, xã Krông Buk, huyện Krông Pak) phấn khởi: “Hôm qua tưới nước, nụ hãy còn xanh, sáng nay ngủ dậy khắp phòng đã ngập tràn hương hoa cà phê. Hoa nở đều, đồng loạt báo hiệu một niên vụ cà phê thắng lợi”. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN & PTNT cho biết, sau khi thu hoạch, cây cà phê cần có thời gian dưỡng sức khoảng vài tuần, chỉ cần 1 đợt tưới hoặc trận mưa là mầm hoa bung nở trắng xóa. Nếu mưa nhỏ, hoa nở ít thì bà con có thể để hoa tự rụng, chờ đợt mưa sau hoặc tưới đuổi cho hoa nở đồng loạt. Trong 3 phương pháp tưới phổ biến tại Dak Lak hiện nay: tưới phun mưa (hay còn gọi là tưới béc), tưới nhỏ giọt và tưới dí, thì phương pháp tưới dí hiệu quả nhất trong việc điều tiết hoa cà phê nở đồng loạt, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng của vườn cây. Còn phương pháp tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt là hình thức tưới nước tiết kiệm, thích hợp cho việc bón phân, phun thuốc hoặc giai đoạn tưới nước chống hạn cho cây. Do vậy, để hoa nở đều đồng loạt, giúp quả cà phê chín tập trung cuối vụ, bà con thường kết hợp cả 3 phương pháp trên.
Khách  chụp hình lưu niệm  tại một vườn cà phê  đang trổ hoa ở huyện Krông Pak.
Khách chụp hình lưu niệm tại một vườn cà phê đang trổ hoa ở huyện Krông Pắk.

Có hoa, có hương tất yếu có ong. Mùa này, khắp các triền đồi, lô vườn, nương rẫy cà phê, khách du lịch dễ dàng bắt gặp những chú ong rừng, ong nhà say sưa hút mật trên hoa. Cà phê có mùi hương đặc trưng nên những giọt mật được lấy từ loài hoa này cũng mang đậm hương vị của nó, khiến người sử dụng rất dễ nhận biết khi thưởng thức. Anh Trần Văn Sỹ, một người nuôi ong tại phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, mật ong, phấn hoa của hoa cà phê mang hương vị cà phê rất đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng. Tháng 9, đưa ong xuống Bình Phước đánh mật cao su thì ngay đầu tháng 12, anh dời đàn ong về lại Dak Lak để hút mật hoa cà phê.

Dưới bầu trời trong xanh, hương hoa cà phê thơm ngát, sắc trắng tinh khiết của hoa trải dài khắp các nẻo đường, sườn đồi khiến bao du khách trầm trồ khen ngợi. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty du lịch Vạn Phát cho biết, thời gian nở của hoa rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng vài ngày khiến loài hoa này trở nên độc đáo, hấp dẫn du khách hơn. Mặt khác, diện tích cà phê Dak Lak lớn, trên 203.000 ha và khả năng điều tiết thời gian nở, lượng hoa của cây khá dễ dàng dựa vào tưới nước, đã mở ra nhiều triển vọng cho việc phát triển các tuyến tham quan liên kết giữa ngành du lịch và thưởng lãm sắc hương hoa cà phê. Thực tế, du lịch trải nghiệm đang là hướng phát triển chung, không chỉ tạo nên dấu ấn đặc trưng cho từng vùng miền, vào từng thời điểm nhất định mà còn góp phần quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đến với du khách quốc tế. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần du lịch cộng đồng Ko Tam chia sẻ, mùa thu hoạch với những quả cà phê chín mọng, đỏ rực đồi, vườn, và mùa cà phê bung hoa là hai thời điểm có thể khai thác du lịch, bởi có nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài thích thú với phong cảnh Tây Nguyên vào mùa này, vì không chỉ tham quan mà họ còn được tham gia vào các hoạt động sản xuất của người dân như: thu hoạch, chăm sóc, tưới nước, bón phân cho cà phê…

Theo baodaklak

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready