Lan tỏa lối sống đẹp, sống có ích trong thanh niên
Quang cảnh Diễn đàn
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nêu ra thực trạng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, chấp hành pháp luật của thanh niên hiện nay, vai trò của các cấp bộ Hội trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên; Giới thiệu những gương thanh niên tiêu biểu, có việc làm, nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn với cộng đồng xã hội; Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp phát huy gương thanh niên tiêu biểu trong các lĩnh vực, thanh niên sống đẹp, người nổi tiếng, tấm gương thanh niên, hành động đẹp trong các đối tượng thanh niên; chăm lo cho nhóm thanh niên yếu thế, thiếu cơ hội phát triển, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống; …
Tuyên truyền pháp luật, các giải pháp giáo dục cảm hóa thanh niên chậm tiến
Môi trường sinh hoạt chính thống giúp các đối tượng thanh niên yếu thế sớm hòa nhập cộng đồng, vượt lên trên nghị lực, chị Nguyễn Quỳnh Trang- Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ tại Diễn đàn
Nhằm giáo dục, cảm hóa thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, thanh niên sau cai nghiện, nhất là việc làm sao hình thành thế hệ thanh niên sống đẹp, sống có ích, cống hiến cho cộng đồng, chị Nguyễn Quỳnh Trang - Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam quận Hoàng Mai, Hà Nội đưa ra mô hình: Hiện nay Hội LHTN VN quận đã thành lập CLB B93 gồm 20 thành viên, các thành viên đều là thanh niên sau cai nghiện. Để duy trì CLB đều đặn, Hội luôn có sự phối hợp chặt chẽ của cảnh sát khu vực để nắm rõ tình hình thanh niên. Qua sinh hoạt, CLB gửi gắm tuyên truyền pháp luật đến thanh niên, đổi mới hình thức theo phương pháp tương tác 2 chiều. Hàng tháng CLB đều có hoạt động cho các đối tượng sau cai nghiện trở về, các thành viên đều được hỗ trợ sắp xếp có công ăn việc làm ổn định, có anh đã trở thành chủ cơ sở sản xuất gỗ, môi trường sinh hoạt chính thống giúp các đối tượng thanh niên yếu thế sớm hòa nhập cộng đồng, vượt lên trên nghị lực.
Chị Nguyễn Thị Phương Quỳnh- Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Hội LHTN Hà Nam mong muốn đưa các em đến với hoạt động ý nghĩa của tổ chức Đoàn, Hội, dần dần giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội
Để làm tốt công tác giáo dục, chị Nguyễn Thị Phương Quỳnh- Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Hội LHTN Hà Nam cũng cho biết: Hà Nam đã xây dựng mô hình khu dân cư không mắc tệ nạn xã hội, từ 2014, Hội đã đề ra 1 số tiêu chí như 100% các hộ khu dân cư có con từ độ tuổi 9- 30 tuổi đều ký cam kết phối hợp trong quản lý thanh thiếu niên như trốn học, chơi game… đồng thời thành lập tổ thanh niên xung kích, khoanh vùng những em đang mắc tệ nạn, thông tin được cung cấp từ phụ huynh, nhà trường, công an để có giải pháp giúp đỡ kịp thời.
“Chúng tôi tiếp cận theo hướng cá nhân, tác động từ những người bạn, người có uy tín, đưa các em đến với hoạt động ý nghĩa của tổ chức Đoàn, Hội, dần dần giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội, hướng thanh niên đến với lối sống đẹp sống có ích", chị Phương Quỳnh cho hay.
Phát huy mô hình, lối sống đẹp trong thanh niên
Anh Hoàng Hoa Trung- Chủ nhiệm CLB tình nguyện Niềm tin, để sống đẹp bản thân phải ý thức từ những việc nhỏ nhất như không được xả rác bừa bãi, đặc biệt là tệ nạn uống rượu, hút thuốc lá trong thanh niên
Những việc làm, nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn với cộng đồng xã hội đã được anh Hoàng Hoa Trung - Chủ nhiệm CLB tình nguyện Niềm tin chia sẻ tại Diễn đàn.
Theo anh Trung, sống đẹp bản thân phải ý thức từ những việc nhỏ nhất như không được xả rác bừa bãi, đặc biệt là tệ nạn uống rượu, hút thuốc lá trong thanh niên. Anh Trung giới thiệu với đại biểu tại Diễn đàn mô hình “Nuôi cơm trẻ vùng cao”, với phương thức 1 người nuôi 1 em, như vậy sẽ kiểm soát được thông tin và hàng tháng từng người đều có báo cáo cụ thể. Anh cho biết, khi mô hình ý nghĩa này được thực hiện thì đến nay, CLB đang có 12 nghìn cháu nuôi bởi 12 nghìn người tham gia nuôi, hoạt động này đã được cộng đồng chia sẻ rất rộng rãi và đã kết nối được 7 tỉnh, thành đơn vị phối hợp tham gia.
Bạn Minh Thy - sinh viên khoa Du lịch, Trường ĐH Phan Thiết, Bình Thuận: Để thay đổi môi trường sống xanh sạch đẹp hơn, Trường ĐH Phan Thiết đã thành lập CLB lửa xanh. Theo đó, ngoài tham gia các tour du lịch tuyên truyền bảo vệ môi trường, các bạn sinh viên Trường ĐH Phan Thiết còn thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh môi trường dọc bãi biển, và CLB cũng tổ chức luôn các hoạt động vui chơi ngay tại bãi biển nhằm thu hút, tuyên truyền đến các đoàn viên thanh niên và người dân xung quanh. Hiện nay, với số lượng sinh viên tham gia ngày càng đông, CLB duy trì 1 tháng tổ chức 1 lần vào đầu tuần chủ nhật, với mong muốn tuổi trẻ cả nước hướng đến một môi trường sống xanh, hành động biến môi trường sống của mình trở nên xanh hơn.
Theo doanthanhnien