LÀ CÁN BỘ ĐOÀN PHẢI BIẾT LÀM KINH TẾ GIỎI
LÀ CÁN BỘ ĐOÀN PHẢI BIẾT LÀM KINH TẾ GIỎI
Qua giới thiệu của huyện Đoàn Krông Buk, chúng tôi có dịp được ghé thăm gia đình anh Hà Văn Thực, sinh năm 1981, Phó Bí thư Đoàn xã Tân Lập, anh là cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi, là điển hình học tập và làm theo lời Bác.
Là bộ đội xuất ngũ, hiện tại gia đình anh Hà Văn Thực có 1 ha cà phê, bên cạnh đó anh đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau sạch tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bằng nghị lực vươn lên từ hai bàn tay trắng, hiện nay gia đình anh Thực có nhà xây kiên cố, kinh tế ổn định. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hà Văn Thực còn giữ cương vị là Phó Bí thư Đoàn xã Tân Lập.
Cán bộ Đoàn trước hết phải làm kinh tế giỏi
Theo gia đình đi kinh tế mới từ khi còn nhỏ, anh Thực cảm nhận được sự khó khăn và thiếu thốn trong gia đình, chính vì vậy mà ngay từ nhỏ anh đã ý thức sự cần cù chịu khó, biết quan tâm giúp đỡ gia đình, hoà đồng trong cuộc sống được bạn bè, hàng xóm quý mến. Sau khi hết chương trình phổ thông, giữa năm 2003 anh Thực đi bộ đội. Trong môi trường quân ngũ anh Thực giữ vai trò là Tiểu đội trưởng, trung đội trinh sát, Trường Sỹ quan Đặc công 198. Niềm đam mê hoạt động phong trào gắn bó với anh Thực trong những năm quân trường, khi hoàn thành nghĩa vụ, anh Thực chuyển về địa phương cuối năm 2006. Là người nhiệt huyết trong các hoạt động phong trào địa phương, anh Thực được sự tín nhiệm giữ chức Bí thư Chi đoàn thôn 3 xã Ea Đê. Năm 2009, sau khi tách xã Ea Đê thành lập xã mới, anh Thực tín nhiệm giữ chức vụ Phó Bí thư Đoàn xã Tân Lập. Với bản tính cần cù chịu khó, nhiệt tình trong công việc, dám nghĩ dám làm anh Thực chia sẻ: “Làm công tác Đoàn mình được nhiều cái thuận lợi lắm, được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế do Đoàn, Hội tổ chức mình trưởng thành hơn nhiều, từ đó mình áp dụng đầu tư cho gia đình đồng thời hướng dẫn cho các hộ thanh niên có nhu cầu phát triển kinh tế, từ thực tế bản thân mình thể hiện sẽ tạo hiệu quả thiết thực trong đoàn kết tập hợp thanh niên”.
Sự sắp xếp công việc gia đình và tham công tác Đoàn thể anh luôn có sự động viên tinh thần của người vợ đảm đang, quán xuyến công việc gia đình, là hậu phương vững chắc để anh thực dành thời gian cho công tác Đoàn. Chị Nguyễn Thị Hải, vợ anh Thực tâm sự: “Nhiều khi anh Thực mê công việc quên cả giờ giấc, không thể phụ giúp công việc nhà, một mình tôi quán xuyến, công việc tuy vất vả nhưng thấy anh ấy đam mê hoạt động phong trào nên cũng thấy thương và chia sẻ với anh ấy”.
Gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào
Xã Tân Lập có hơn 1.500 đoàn viên, thanh thiếu nhi, trong đó có hơn 960 đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên trong đó đa phần thanh niên đi làm ăn xa, hiện tại trên địa bàn xã Tân Lập hiện nay có hơn 30% đoàn viên, thanh niên nông thôn. Nắm bắt điều kiện thực tế địa phương bên cạnh lồng ghép các hoạt động phong trào tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây cà phê, hồ tiêu và chăn nuôi… từ đó vận động thanh niên đến với tổ chức Đoàn. “Là cán bộ Đoàn mình không chỉ nhiệt tình mà còn động viên anh em, có thể còn nhiều khó khăn nhưng mình luôn gắn bó với phong trào, qua đó tạo cho mình thêm niềm tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống”, anh Thực chia sẻ.
Sự cần cù, sáng tạo trong phong trào thanh niên, đồng thời biết tận dụng thời cơ tạo nguồn lực kinh tế, giúp ổn định cuộc sống đang là hướng đi của nhiều thanh niên nông thôn hiện nay. Anh Trần Văn Lương, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ xã Tân Lập cho biết: Năm Thanh niên 2011, từ sự chỉ đạo của Đảng uỷ, phối hợp với các ban, hội với Đoàn thanh niên, các hoạt động phong trào thu hút thanh niên đến tổ chức Đoàn, đặc biệt công tác hướng nghiệp, chuyển giao mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong thanh niên, từng bước có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của Đoàn, trong đó có mô hình phát triển kinh tế của anh Hà Văn Thực”.
THU TRANG