Kiến trúc đặc biệt của di tích tâm linh thời Lý
|
Di tích đàn tế độc nhất vô nhị trên thế giới
“Tôi đặc biệt nhấn mạnh sự độc đáo của kiến trúc, là một khối kiến trúc đặc thù, chưa từng thấy ở bất cứ quốc gia nào, ngay cả ở những quốc gia thuộc cùng hệ thống văn hóa với VN như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Có thể nói đây là di tích đàn tế độc nhất vô nhị trên thế giới”, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử nói về di tích thời Lý vừa xuất lộ trong cụm di tích Hoàng thành Thăng Long.
Di tích được xây dựng bằng gỗ - đá, nằm hoàn toàn trong lớp đất đắp nền thời Lý, xuyên qua lớp văn hóa Đại La. Di tích nằm sâu trong tầng sinh thổ cách bề mặt hiện tại 2,23 m. Di tích xuất lộ gồm 3 bộ phận cấu trúc móng đặc biệt. Cấu trúc móng trung tâm và 2 cấu trúc móng phụ đối xứng về 2 phía đông - tây với tổng diện tích ước tính khoảng 400 m2.
Móng trung tâm có 4 lớp bao bọc lẫn nhau theo thứ tự: chính giữa là khối đá lớn, mặt khối khoét lõm hình tròn có đường kính 66 cm, sâu 34 cm. Quanh khối đá có 4 xà gỗ khớp mộng bao quanh tạo thành hình vuông. Đáy của móng bước đầu xuất lộ 2 lớp xà gỗ lớn khác chồng lên nhau. Bao quanh phía ngoài là các cọc gỗ cắm sát nhau tạo thành hình vuông. Lớp ngoài cùng có 2 vòng tròn đồng tâm mà dấu tích là các lỗ cột lớn tạo thành. Hai cấu trúc phụ có mặt bằng cao hơn mặt bằng chính của kiến trúc trung tâm nhưng hoàn toàn làm bằng gỗ, hình giống hình elip. Cả ba cấu trúc móng này tại vị trí chính giữa đều có bộ phận đá hoặc có lõm tròn hình trứng với gia cố nền móng hết sức chắc chắn. Nó cho liên tưởng được sử dụng để đỡ các cấu trúc nêu trên có thể chuyển động được.
Trong lòng kiến trúc trung tâm, các nhà khảo cổ tìm thấy ít nhất 5 lá đề bằng gỗ. Trong đó có một lá đề cân, được sơn son và chạm hình 2 con rồng chầu quầng sáng hình lá đề mang đặc trưng của nghệ thuật thời Lý. Chính những lá đề này là yếu tố để các nhà khoa học cho rằng nó có thể liên quan đến Phật giáo Mật Tông vốn rất phổ biến trong xã hội thời Lý.
GS Lưu Trần Tiêu và GS Ngô Đức Thịnh cho rằng kiến trúc này có liên quan đến đài và đèn Quảng Chiếu trong hội đèn Quảng Chiếu. Hội đèn này là một lễ hội tâm linh hoàng cung lớn nhất trong Hoàng thành Thăng Long thời Lý. Ý kiến khác cho rằng nó có thể là cửu phẩm liên hoa với các cối kinh có trục xoay. Cũng có người cho đó là tổ hợp tâm linh cầu quốc thái dân an và nghi thức trấn yểm phục vụ quy hoạch xây dựng kinh đô Thăng Long.
Tuy nhiên, kết luận sau cùng, sau nhiều nghiên cứu trao đổi với các nhà khoa học nước ngoài thì đây chính là kiến trúc kiểu Minh Đường mang các nét đặc trưng riêng của VN. Đây là loại kiến trúc tâm linh quan trọng nhất trong các vương đô cổ ở Trung Quốc, Hàn Quốc và VN. Do là kiến trúc tế trời nên kiến trúc kiểu Minh Đường thực chất là một loại tên gọi của đàn tế Nam Giao, tên gọi phổ biến sau này của kiến trúc tế trời trong các vương đô cổ phương Đông.
Phải bảo tồn tại chỗ, dù có phát sinh vấn đề khác nhau
GS Ueno Kunikazu (ĐH Nara, Nhật Bản) đánh giá: “Qua quan sát, tôi còn thấy tâm của kiến trúc mới phát lộ này gần như thẳng với tâm của kiến trúc bát giác ở khu C, nên có thể thấy ở khu vực này có tồn tại một trục trung tâm. Tôi khẳng định kiến trúc mới phát lộ ở khu G là kiến trúc rất quan trọng cho những nghiên cứu tiếp theo về di tích Hoàng thành Thăng Long và mong muốn kiến trúc sẽ được bảo tồn lâu dài tại chỗ, mặc dù có thể sẽ phát sinh những vấn đề khác nhau”.
“Luôn luôn phải là quy hoạch mở vì bằng cớ là khu A, B, C, D cho đến giờ vẫn chưa nghiên cứu xong, còn dang dở”, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN cho biết. Cũng phải nói thêm là công trình tâm linh đặc biệt thời Lývừa qua cũng là một điểm mới trong nghiên cứu trục trung tâm của khu di sản.
Ông Tín nhận định, trong trường hợp nghiên cứu còn dở dang, quy hoạch có thể thay đổi theo hướng mở thì việc triệt để tôn trọng luật là điều quan trọng nhất. “Phải bảo vệ nguyên trạng, hiện trạng của di tích như là các ranh giới giữa vùng lõi và vùng đệm. Các vùng đệm hiện nay cũng chưa được đúng hẳn như các nhà nghiên cứu và giới nghiên cứu đề nghị”, ông Tín nói.
Bảo tồn nguyên trạng và phục dựng di tích “Theo kinh nghiệm ở nhiều quốc gia trên thế giới, người ta sẽ bảo tồn nguyên trạng sau đó nghiên cứu di tích, tức là di tích ở tình trạng như thế nào để nguyên vẹn như thế, rồi nghiên cứu thật kỹ di tích đó. Thứ hai là nghiên cứu di tích phải trong kết nối nghiên cứu tổng thể các di tích ở trong khu vực đó. Thứ ba, trên cơ sở nghiên cứu kỹ như vậy tìm phương án nào cho phù hợp, có nơi nếu đầy đủ dữ liệu, người ta tìm cách phục dựng. Hoặc dữ liệu chưa đủ, nhưng giá trị di tích rất lớn thì người ta bảo tồn nguyên trạng dưới mặt đất rồi phục dựng nguyên trạng bằng các vật liệu khác trên mặt đất. Để phục dựng di tích, người ta dùng nhiều hình thức khác nhau như vẽ phục dựng 3D, phục dựng bằng mô hình, bên cạnh đó còn có nhiều cách khác để công chúng có thể hiểu được hình dáng, cũng như giá trị của di tích. Nói chung bảo tồn những di tích kiểu này rất khó, người ta thường bảo tồn nguyên trạng dưới mặt đất và phục dựng trên mặt đất. Hiện nay ở Nhật, Hàn Quốc hay Trung Quốc chủ yếu đều bảo tồn theo hình thức đó, có khi kết hợp phục dựng trên mặt đất với việc bảo tồn nguyên trạng dưới mặt đất và trưng bày từng phần trong lòng đất để cho công chúng thưởng lãm”. PGS-TS Tống Trung Tín Minh Ngọc |
Cần mời gấp chuyên gia bảo tồn nước ngoài “Ở nước ngoài, việc bảo tồn phải được nghiên cứu ngay khi công trình xuất lộ. Theo tôi phải mời ngay chuyên gia bảo tồn nước ngoài về làm việc. Bản thân trong nước cũng có những chuyên gia đủ khả năng. Nếu nhà nước đồng ý thì có thể mời chuyên gia Nhật Bản về nghiên cứu phương án bảo tồn. Việc nghiên cứu công trình vẫn phải tiếp tục, có thể kéo dài nhưng bảo tồn thì phải làm ngay lập tức. Tại sao khi xây các công trình có thể mời chuyên gia nước ngoài mà việc bảo tồn công trình tâm linh này lại không mời. Tôi chắc chắn các chuyên gia Nhật Bản sẽ nhận lời. Còn nếu ít tiền có thể mời chuyên gia Thái Lan cũng được”. PGS-TS Lâm Mỹ Dung |
Theo thanhnien