|
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng cho biết Đảng và Nhà nước khẳng định tầm quan trọng của cải cách thủ tục và đã cho rà soát lại toàn bộ thủ tục hành chính và yêu cầu cải cách, đơn giản hóa các thủ tục gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. “Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4.712 thủ tục, đưa ra tới 25 nghị quyết yêu cầu phải đơn giản hóa, tới nay đã thực hiện được khoảng 89%. Bây giờ ngoài số này ra còn cái gì nữa không còn phù hợp thì các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, phải cải cách. Bộ Nội vụ phải đôn đốc với tinh thần thủ tục nào gây khó khăn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không cần thiết phải cương quyết cải cách, phải bỏ”, Thủ tướng chỉ đạo.
|
Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo với công tác tổ chức cán bộ là thực hiện nghiêm chỉ đạo không tăng biên chế, đi đến giảm biên chế và thực hiện đồng thời với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Thủ tướng cho biết vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ dựa trên đề xuất của các bộ ngành và địa phương đề nghị tăng thêm hơn 500 biên chế nhưng Thủ tướng yêu cầu không tăng thêm biên chế nào nữa. Thủ tướng cũng lưu ý thực hiện tốt các yêu cầu về xác định vị trí việc làm, chức danh, tiêu chuẩn công chức, qua đó thực hiện hiệu quả việc đánh giá cán bộ, công chức qua thực thi nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng nói rõ yêu cầu bổ nhiệm cấp phó phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chứ không phải “làm chính sách”. “Đầu nhiệm kỳ, chúng ta có 122 thứ trưởng, đến thời điểm này giảm 3 thứ trưởng còn 119. Như vậy số lượng so với đầu nhiệm kỳ có giảm nhưng bình quân một bộ vẫn còn 5,4 thứ trưởng. Do vậy, cần đánh giá lại, lĩnh vực nào thực sự cần có thứ trưởng để giúp việc cho bộ trưởng”, Thủ tướng nói.
Nhận định về cách đánh giá cán bộ, công chức hiện nay, Thủ tướng cho rằng chúng ta đánh giá theo 4 mức nhưng cả nước chỉ có 0,46% cán bộ công chức đánh giá ở mức “không hoàn thành nhiệm vụ”, còn lại chủ yếu là hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc và hoàn thành nhiệm vụ. “Nếu con số này đúng thì mừng quá nhưng nhân dân và dư luận chưa tin. Vấn đề làm thế nào để đánh giá sát thực tế”, Thủ tướng nói và yêu cầu việc xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức cần phải khẩn trương về tiến độ ban hành.
Theo mục tiêu của đề án thì đến tháng 6.2015 phải có 70% bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành xây dựng danh mục vị trí việc làm. Tuy nhiên, hiện nay mới có 25 địa phương và 8 bộ ngành gửi danh mục vị trí việc làm để Bộ Nội vụ thẩm định.
Công khai, minh bạch, không có chạy chọt Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển công chức đang tiếp tục được áp dụng, góp phần thực hiện triệt để nguyên tắc khách quan, công bằng và bảo đảm lựa chọn được những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực tuyển dụng. Đến nay đã có Bộ Tài chính, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thái Bình, Thanh Hóa, Đảng ủy khối các cơ quan T.Ư... chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ thí điểm ứng dụng phần mềm trực tuyến vào thi tuyển công chức. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa, cho biết năm qua Thanh Hóa thí điểm việc thi tuyển công chức theo phần mềm trực tuyến đã ra kết quả rất công khai, minh bạch, không có “chạy chọt”. Sau 2 vòng thi chỉ tuyển được 4,6% số người đăng ký theo vị trí việc làm. “Kể cả con các đồng chí lãnh đạo tỉnh mà thi không đậu cũng nằm trong danh sách công bố công khai”, ông Dũng nói. |
Theo thanhnien