Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - 10 năm di sản
Tạo lập đời sống mới cho cồng chiêng
Đến giờ nhiều người lạc quan cho rằng cồng chiêng Tây Nguyên đã đi qua cái thời sống trong cảnh khắc khoải, mong manh vì bị chính chủ nhân của nó xa rời do nhiều nguyên nhân chi phối: hoặc chịu những tác động tiêu cực từ đời sống công nghiệp hiện đại lấn lướt; hoặc là giá trị văn hóa cồng chiêng trong nhận thức đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số tại chỗ bị phai lạt. Cồng chiêng đang dần trở lại gắn bó và hiện diện sinh động trong các buôn làng. Và xa hơn là “âm thanh của núi rừng” này đã tự tin ngân lên mọi lúc, mọi nơi - từ trong nhà, bến nước, trên nương rẫy…cho đến các lễ hội, sân khấu hiện đại trong nước và quốc tế, khiến bạn bè khắp nơi ngưỡng mộ.
Những giá trị văn hóa của cồng chiêng luôn được kế thừa và phát huy. Ảnh: Bảo Hưng |
Có thể nói, cồng chiêng Tây Nguyên đã có một đời sống mới và sức lan tỏa đã khác xưa. Từ buôn làng bước ra thế giới rộng lớn, đa chiều hơn là sự chuyển biến lớn lao, đáng ghi nhận của chính “chủ nhân” vốn văn hóa ấy - và hơn hết là mối quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền địa phương. Được biết từ khi Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh, các tỉnh trong khu vực, trong đó Dak Lak đã có những chương trình, đề án đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển với nguồn kinh phí không nhỏ, bình quân hàng chục tỷ đồng cho mỗi giai đoạn (2009-2013 và 2014-2018).
Từ nguồn kinh phí này, các tỉnh đã mua và bổ sung số lượng cồng chiêng cho các buôn làng; đào tạo nghệ nhân trẻ kế cận; tôn tạo và xây dựng không gian sống, sinh hoạt cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ; đặc biệt tập trung tổ chức nhiều hơn, quy mô hơn các lễ hội truyền thống, hội diễn văn hóa - văn nghệ dân gian có yếu tố cồng chiêng tham dự. Nhờ vậy, văn hóa cồng chiêng ở đây đã thật sự “lột xác” để hòa chung với nhịp sống đương đại.
Âm vang của núi rừng. Ảnh: Bảo Hưng |
Theo điều tra, thống kê sơ bộ của ngành Văn hóa các tỉnh ở Tây Nguyên, trên địa bàn hiện còn gìn giữ được hơn 4.400 bộ chiêng các loại. Riêng Dak Lak có khoảng 2.300 bộ chiêng được các gia đình, dòng tộc sở hữu, bảo tồn. Điều đáng nói là tuy số nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng mất đi khá nhiều do tuổi cao, sức yếu…nhưng số nghệ nhân trẻ được truyền dạy từ các thế hệ trước cũng đã tăng lên đáng kể. Trong số 579 buôn làng người dân tộc thiểu số ở Dak Lak thì đã có tới hơn 340 buôn làng có đội chiêng trẻ và chính các em ngày càng khẳng định được mình. Điều này dễ thấy qua các đội chiêng buôn Tul, buôn Pan, buôn Đing, Kon H’ring (huyện Cư M’gar); buôn A Kô D’hông, buôn Ea Bông, Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) hay dàn chiêng nữ duy nhất còn lại ở buôn Trấp (huyện Krông Ana) khi ai đó có dịp ghé thăm, hoặc chứng kiến họ diễn tấu cồng chiêng trong các cuộc liên hoan, lễ hội được tổ chức tại địa phương.
Mặt khác, ngày nay điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi, cồng chiêng Tây Nguyên ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng, nhất là môi trường diễn xướng, vì vậy phải tích cực gìn giữ, khôi phục môi trường sống cho cồng chiêng là vấn đề cấp bách. Việc gìn giữ, khôi phục cũng như phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng bằng cách nào và từng bước đi ra sao… còn tùy thuộc vào sự nỗ lực gắn với trách nhiệm của mỗi cộng đồng dân tộc ở đây. Vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu, cán bộ chuyên môn và quản lý văn hóa trên địa bàn Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung lưu tâm, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp cho cộng đồng tham vấn, thực hiện. Động thái tích cực đầu tiên của chính quyền và các cơ quan hữu trách ở các tỉnh trong khu vực là thường xuyên tổ chức các cuộc Hội thảo bàn về việc kế thừa, phát triển văn hóa cồng chiêng trong đời sống các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ, nhằm tìm cách chấn hưng di sản được thế giới tôn vinh. Từ những năm 2007 đến nay, Ngày hội Văn hóa Cồng chiêng được tổ chức định kỳ (1-2 năm/lần) cùng với các lễ hội truyền thống của bà con đã được các cấp, ngành quan tâm - và đó là cơ hội để giá trị văn hóa có tầm nhân loại này thăng hoa và lan tỏa trong đời sống của cộng đồng.
Thăng hoa với cồng chiêng. Ảnh: Bảo Hưng |
Bắt đầu từ mối quan tâm trên, cồng chiêng ở đây đã có một đời sống mới được tạo lập trên nền tảng kế thừa và phát huy có chọn lọc. Ví như dàn chiêng buôn Kô Sier (Phường Tân Lập - TP. Buôn Ma Thuột) được các nghệ nhân phiên chế lại theo điều kiện, cách thức của mình để có thể tham gia trình diễn với các loại nhạc cụ truyền thống khác ở bất cứ hoàn cảnh, không gian nào, cả trên sân khấu, hay ở các nước phương Tây như Thụy Điển, Pháp, Đức... mà họ đã từng lưu diễn. Và cũng chính tại đây, những nghệ nhân ấy đã làm cho cồng chiêng hiện diện, sống lại một cách sinh động trong lòng bạn bè quốc tế bằng sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Qua đó mới thấy Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên không biến mất trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử- xã hội nào, vì ngay từ khi sinh thành nó đã mang trong mình bản chất, tính đa nghĩa của một giá trị văn hóa tiêu biểu nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống vốn phong phú của con người. Hiện nay, tuy chức năng xã hội, tâm linh bị giảm thiểu hay mất đi ít nhiều, nhưng chức năng biểu hiện cảm xúc, hay nói cách khác là chính hình tượng nghệ thuật của cồng chiêng Tây Nguyên luôn mô tả, chuyên chở cảm xúc con người, cộng đồng trước hiện thực cuộc sống vẫn còn và đã trở thành một bộ phận hữu cơ trong dòng chảy văn hóa đương đại Việt Nam.
Còn đó những băn khoăn
Bên cạnh thành quả trên qua 10 năm Di sản Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được thế giới công nhận, đến nay việc bảo tồn và phát huy di sản này theo hướng nào cho thật sự hiệu quả và bền vững là băn khoăn, thậm chí là thách thức đặt ra cho những người quan tâm. Dĩ nhiên địa phương nào cũng cố gắng tìm cho mình câu trả lời thỏa đáng. Và câu trả lời ấy, nói như GS-TS Khoa học Tô Ngọc Thanh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) là “phải có thái độ ứng xử với quy luật văn hóa vốn dĩ - có nghĩa là đồng thời với việc bảo tồn thì phải tiếp tục phát triển không gian văn hóa cồng chiêng sao cho phù hợp với cuộc sống hôm nay…”. Tuy vậy cũng cần lưu ý thêm, trong quá trình ấy tuyệt đối không được phép có chuyện “có mới, nới cũ” như đã từng xảy ra tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn Tây Nguyên. Bởi việc làm đó là “hết sức nguy hiểm” đối với một di sản văn hóa nhân loại như Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.
Với nhà nghiên cứu giàu tâm huyết và có uy tín này, thì thái độ xa rời, đoạn tuyệt với những giá trị truyền thống để nắm bắt và hướng đến cái mới trong ý thức “mất gốc, lai căng” là có lỗi với lịch sử, với chính mình. Bản thân ông cũng như nhiều nhà nghiên cứu khoa học khác chỉ ra: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại là vì đó là một phần không thể tách rời trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của người Tây Nguyên. Thêm nữa đó còn là biểu tượng đặc sắc cho trí tuệ, tài năng sáng tạo âm nhạc độc đáo của người bản xứ. Và giờ đây, muốn hay không muốn, những giá trị ấy của cồng chiêng phải được bảo tồn, gìn giữ nguyên dạng mọi đặc trưng của nó.
Thạc sĩ Lê Xuân Hoan, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Gia Lai, hay nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên - Linh Nga Niê K’dăm cũng rất đồng tình với cách đặt vấn đề của GS-TS Khoa học Tô Ngọc Thanh. Họ cho rằng cải tiến, phát huy một giá trị văn hóa đã được tôn vinh, thừa nhận (như Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên) mà không có sự kế thừa, tiếp nối liền mạch thì không thể chấp nhận được. Việc cải tiến dàn cồng chiêng theo kiểu “gò” lại thang âm của phương Tây có đầy đủ bảy nốt (đồ, rê, mi, son, pha, la, si) để chơi một bài nhạc cụ thể nào đó là hoàn toàn xa lạ với truyền thống vốn có. Cái “mới” trong cách “cải tiến” này (từ thang âm, điệu thức, tiết tấu… đến hình thức và kỹ thuật biểu diễn) được coi là sự xâm lăng, xúc phạm đến vốn văn hóa ngàn đời của các tộc người ở Tây Nguyên.
Còn nhớ, Nhạc sĩ Măng Ngọc, nguyên Hiệu trưởng Trường Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai cũng coi việc treo cồng chiêng lên một cái giá, hai người khiêng hai đầu để cho một hoặc hai người khác đánh là “chẳng khác gì gõ kẻng” (!) Hoặc nói chính xác hơn, đó là hiện tượng tiếp thu văn hóa hiện đại một cách vô ý thức, cần phải kịp thời ngăn chặn. Bằng không, chẳng bao lâu nữa, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên sẽ mất! Thực tế những năm gần đây cho thấy một điều hết sức hệ trọng là cải biến cồng chiêng cho phù hợp với đời sống đương đại không có nghĩa là vứt bỏ, phá phách mọi giá trị truyền thống, mà ngược lại phải hết sức lưu ý đến yếu tố kế thừa, phát huy đúng nghĩa các giá trị truyền thống và nguyên dạng của nó.
Giờ đây, ai cũng nhận ra cồng chiêng Tây Nguyên đã bước ra và tham dự vào không gian rộng lớn hơn, sinh động hơn trong đời sống sinh hoạt của các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ. Có thể nói cồng chiêng trong dòng chảy văn hóa đương đại đã dần thoát khỏi “môi trường thiêng” để trở thành một trong những hoạt động văn hóa - nghệ thuật gần gũi và đời thường hơn. Không gian Văn hóa Cồng chiêng không còn bó hẹp trong lễ nghi tâm linh và tín ngưỡng dân gian xưa, mà đã hiện diện khắp nơi, kể cả trên sân khấu hiện đại. Nhiều người cho đó là sự “lột xác” của văn hóa cồng chiêng nhằm tìm đến với đời sống mới. Song, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, liệu đó có phải là không gian văn hóa đích thực - điều cốt lõi và quan trọng nhất mà UNESCO căn cứ vào đó để công nhận là Di sản Văn hóa nhân loại. Về điều này, GS Trần Văn Khê, trong một lần tham dự Festival Cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức tại thành phố Plei Ku - Gia Lai vào trung tuần tháng 3-2011 cho rằng, cồng chiêng ngày nay thoát ra khỏi “môi trường thiêng” để hòa mình vào cuộc sống đầy biến chuyển cũng là điều tất yếu, nhưng bảo đó là “mở rộng” không gian văn hóa cho cồng chiêng là không ổn. Đúng hơn, phải gọi đó là sự lan tỏa của một thực thể văn hóa được công nhận và tôn vinh. Bởi nói gì thì nói, môi trường sinh thành văn hóa cồng chiêng chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó được gắn liền với lễ nghi, phong tục, lễ hội và tín ngưỡng dân gian.
Tách cồng chiêng ra khỏi môi trường đó, coi như giá trị văn hóa đặc trưng và độc đáo trong ấy không còn hàm chứa “mã số thông tin” về mặt lịch sử, văn hóa nào nữa. Vậy nên, khi hoạch định, xây dựng các chương trình, đề án tiếp theo để bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa Cồng chiêng, những cơ quan, ban ngành có trách nhiệm cần lưu tâm đến điều đó, vì khi nói đến cồng chiêng là nói đến một không gian (sinh tồn và văn hóa), chứ không phải là sự trình diễn, tiếp nhận và cảm xúc về một nhạc cụ, hay loại hình âm nhạc đơn thuần. Những băn khoăn, trăn trở này cần được tiếp tục nghiên cứu, tham khảo để Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên luôn phát triển theo đúng quỹ đạo, xứng đáng với sự ngưỡng mộ và tôn vinh của nhân loại.
Theo baodaklak.vn