Chị Triệu Thị Châu (áo đen) trả lời câu hỏi của khách tham quan mô hình.
Cuối thu năm 2016, ông Lê Hoàng Cơ, Giám đốc Đam San Tour rủ tôi cùng về xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk, để tận mắt xem cách đồng bào ở đây làm vườn theo tiêu chuẩn hữu cơ lành mạnh và văn minh như thế nào, kết hợp khảo sát cung đường hái cà phê thơ mộng nhất.
Chàng nông dân tiên phong “organic”
Nơi đoàn dừng chân là trang trại cà phê của chàng nông dân 28 tuổi Đặng Văn Huy. Gia tộc Huy gồm 10 hộ, sở hữu gần 100 ha vườn rẫy ở xã Cư Suê. Với vốn tiếng Anh tự học, Huy đã khoác ba lô du lịch bụi qua hàng chục cường quốc nông nghiệp như Israel, Thái Lan, Brazil, Malaysia... Trở về, Huy chuyển cách thâm canh vườn cà phê lối cũ sang kiểu organic (hữu cơ), không phân bón thuốc sâu, năng suất từ 3 tấn tụt xuống còn 1,5 tấn nhân/ha. Không nao núng, anh kiên trì chào bán loại cà phê Robusta tự nhiên 100% này giá 300 nghìn đồng mỗi kg hạt sống, khoảng 7 lần giá cà phê hạt thông thường, vẫn có nơi mua dù kén khách.
Huy kể, anh học được khối điều hay về nông nghiệp sạch ở các nước, để về chăm chút đám rẫy nhà mình thêm, không trồng thuần nữa mà xen nhiều thứ. Nào tiêu, bơ, sầu riêng, mắc ca, đu đủ... mọi khâu chăm bón đều không dùng hóa chất. Động thực vật nương vào nhau phát triển cân bằng, hoa tươi trái ngọt quanh năm. “Thà ăn ít mà ngon lành, không khí thoáng đãng trong sạch, cuộc sống sẽ bình yên hơn trước”- Huy nói.
Nữ chủ nhiệm hợp tác xã
Ngày 10/11/2017, hơn 100 nhà khoa học trong, ngoài nước và nông dân đã cùng dự hội thảo giới thiệu “công nghệ nhiệt phân cải thiện chất lượng cà phê”, do 4 bên phối hợp tổ chức tại Buôn Ma Thuột, gồm Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (NVCPC), Quỹ Neumann (HRNS) và Công ty TNHH Việt Hiền.
Nhóm doanh nhân đến từ Indonesia đặc biệt hứng thú với chiếc máy sấy công nghệ nhiệt phân “made in Việt Nam” đã được sử dụng hiệu quả tại Hợp tác xã nông nghiệp Bình Minh. Một chiếc được bán sang Brazil với giá 300 nghìn USD, rẻ hơn cả chục lần so với máy sấy nhiệt phân nếu chế tạo tại Thụy Sĩ. Công suất của cỗ máy này đủ dùng cho 20-30 ha cà phê, năng suất 4 tấn nhân/ha.
Đồng chủ trì hội thảo là một phụ nữ mặc trang phục dân tộc Dao mạch lạc trả lời các câu hỏi về hiệu quả sử dụng cỗ máy sấy hiện đại này. Đó là chị Triệu Thị Châu, 30 tuổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bình Minh. Thời gian đầu HTX có 27 nông hộ, tổng diện tích canh tác 108 ha, mà anh Đặng Văn Huy-cậu ruột của chị, là một trong các thành viên. Sau 1 năm hoạt động hiệu quả, đến nay HTX đã có 145 nông hộ, sở hữu 402 ha tiêu và cà phê chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap. Chúng tôi theo Châu về tận nơi xem cỗ máy đang đốt vỏ tạo nhiệt sấy cà phê, hơi nước tỏa mờ mịt mà hoàn toàn không tạo khói hoặc mùi.
Châu kể: chị tốt nghiệp loại khá ngành Công nghệ sinh học trường Đại học Tây Nguyên năm 2010, ra trường đi xin việc mãi không được, đành quay về làm nông. Đồng cảnh ngộ như Châu ở thôn Bình Minh lúc bấy giờ có tới 18 thanh niên đã học xong cao đẳng, đại học. Nhiều người trong số đó xem việc về quê cuốc đất như một sự thất bại.
Sự thay đổi đến, khi các tổ chức thành viên trong mạng lưới toàn cầu của UNIDO-UNEP về “hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn” phát hiện vùng đất Cư Suê rất phù hợp để xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ. Châu được tài trợ tham gia liên tục 10 khóa học về kinh tế hợp tác xã, sang Ý dự một hội nghị cà phê tiêu chuẩn châu Âu. Trở về, chị tích cực vận động dân làng tham gia kinh tế tập thể, xúc tiến thành lập hợp tác xã (HTX), tháng 8/2016 thủ tục hoàn tất. Chiếc máy sấy nhiệt phân hiện đại đầu tiên ở Việt Nam được HTX mua về với giá 660 triệu đồng lập tức phát huy tác dụng. Năm xã viên qua tập huấn tỉ mỉ đã thành thạo thao tác sử dụng máy.
Châu cho biết: Vụ cà phê vừa qua chín trúng đợt mưa dầm. Trong khi cà phê của mấy thôn bên cạnh mốc đen, thì cà phê Bình Minh được chiếc máy này “cứu” được hết. Đổ 2 tấn rưỡi vỏ cà phê vào buồng đốt với một mồi lửa gar, phần nhiệt lượng sinh ra đủ sấy khô 4 tấn cà phê tươi trong 18 tiếng. Sản phẩm là 6 tạ than sinh học, giá hiện tại 18.000đ/ký. Trừ tiền điện và lương công nhân trực máy, nếu máy chạy liên tục 24h/ ngày, 200 ngày mỗi năm thì chỉ 2 năm là HTX thu hồi được vốn. Sắp tới, HTX sẽ mua thêm 1 máy nữa. Hiện cả tiêu và cà phê sạch do HTX sản xuất đều được doanh nghiệp bao mua với giá cộng thêm từ 3-5 nghìn đồng mỗi ký so với giá thị trường.
Huy thử nghiệm ghép chồi cà phê năng suất siêu cao.
Làng trí thức trẻ
Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ ngành gạo và cà phê giảm thiểu chất thải sinh khối thông qua con đường năng lượng, sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học Thụy Sĩ đã giải được bài toán khó này bằng cách dùng công nghệ nhiệt phân hiện đại để đốt trấu hoặc vỏ quả cà phê thành than sinh học, đồng thời tạo nguồn năng lượng để sấy quả cà phê tươi, tuyệt đối không tạo khói hay tỏa mùi. Giải pháp này vừa nâng cao chất lượng nông sản và cải thiện độ màu mỡ của đất, vừa góp phần giữ sạch môi trường, giảm thiểu phát thải CO2.
Cái khó để ứng dụng thành tựu nghiên cứu, từ phía Thụy Sĩ, là phải tìm cho được những chuyên gia cơ khí giỏi tại các địa phương có điều kiện phù hợp để chuyển giao công nghệ miễn phí, hỗ trợ họ sản xuất ra những cỗ máy đạt chuẩn kỹ thuật, giá thành hạ; Mặt khác, phải tìm được những nhóm nông dân có ý thức bảo vệ môi trường, đủ năng lực tài chính mua máy, đủ trình độ để đào tạo sử dụng, vận hành.
Họ đã tìm thấy tại thủ phủ ca phê của Việt Nam cả 2 đối tác phù hợp, là Công ty TNHH Việt Hiền, đơn vị tư nhân được tỉnh Đắk Lắk công nhận là doanh nghiệp khoa học kỹ thuật đầu tiên, và nhóm nông dân trí thức ở xã Cư Suê. Qua trang web Việt Hiền hướng dẫn miễn phí cho nông dân nhiều kỹ năng về cơ khí nông nghiệp một cách dễ hiểu, hữu dụng, các chuyên gia trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đánh giá cao và làm cầu nối cho cuộc chuyển giao này.
Khăn gói sang Thụy Sĩ học công nghệ, về mày mò suốt 2 năm ròng mới chế tạo hoàn chỉnh cỗ máy đốt vỏ cà phê tạo than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân, hai anh em Lê Viết Vinh - Lê Viết Hiền của Công ty TNHH Việt Hiền đã đi khắp nơi tìm xem nông dân ở đâu hiểu được giá trị của cỗ máy này, có thể vận hành suôn sẻ, mua được máy và thu lợi từ nó. Rốt cục, Việt Hiền cùng các bên đồng tài trợ đã nhất trí chọn thôn Bình Minh, xã Cư Suê, nơi có nhiều trí thức trẻ về làng lập nghiệp, làm điểm đến.
Theo tienphong