Thứ sáu, ngày 03 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 02/11/2023

Huyện vùng biên Ea Súp bắt nhịp chuyển đổi số

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, hạ tầng, nhưng huyện biên giới Ea Súp đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền và phục vụ tốt hơn cho người dân.

Công tác chuyển đổi số ở huyện Ea Súp được triển khai đồng bộ trên cả ba nội dung: chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm phát triển chính phủ số; chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế số và chuyển đổi số trong hoạt động của người dân nhằm phát triển xã hội số.

Trong công tác xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chính quyền số, đến nay UBND huyện Ea Súp đã mở tài khoản thư điện tử cho các tập thể và cán bộ, công chức 12/12 phòng, ban, 10/10 xã, thị trấn với 64 tài khoản cơ quan, đơn vị, 1.064 cá nhân sử dụng hệ thống mail.easup.daklak.gov.vn để trao đổi văn bản. Bên cạnh đó, phần mềm quản lý văn bản được đưa vào quản lý và sử dụng từ ngày 1/10/2016 tại tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức. Tỷ lệ văn bản được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử giữa các cơ quan nhà nước đạt trên 90% đối với cấp huyện và trên 60% đối với cấp xã; hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã được liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã, thị trấn.

Nhân lực là vấn đề quan trọng trong công tác chuyển đổi số nên được huyện Ea Súp rất quan tâm. Đến nay, 100% UBND các xã, thị trấn đã thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo chuyển đổi số, 116/116 thôn, buôn, tổ dân phố có tổ công nghệ số cộng đồng với 580 thành viên. Các tổ này đã đến từng gia đình hướng dẫn người dân cài đặt và tạo tài khoản định danh điện tử, hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến…

Theo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Ea Súp, về chữ ký số, huyện đã cấp cho 32 tập thể và 87 cá nhân; tất cả các cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc ký số, trong đó có trên 90% văn bản đi của các cơ quan, đơn vị đã được thực hiện ký số. Cùng với đó, địa phương cũng đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 40% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Trong lĩnh vực xã hội số, số lượng người dân có tài khoản định danh điện tử là 25.960/78.132, đạt tỷ lệ 33,2% tổng dân số; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng đạt 76,3%; số lượng người dân được bảo vệ an toàn trên môi trường mạng đạt 44,6%.

Thay đổi tư duy

Theo đánh giá của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea Súp, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn nhân lực thực hiện xây dựng chuyển đổi số còn thiếu và yếu, chủ yếu là kiêm nhiệm về công nghệ thông tin; kinh phí đầu tư cho xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ số còn quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu; sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong phát triển công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số chưa được mạnh mẽ, nhiều người dân vẫn duy trì thói quen nộp hồ sơ bằng giấy, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh kết nối mạng Internet còn thấp.

 
Đoàn viên, thanh niên huyện Ea Súp hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Thời gian tới, huyện sẽ phát triển hạ tầng kỹ thuật về chuyển đổi số, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, đầu tư hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan, đơn vị để sẵn sàng kết nối, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh; phát triển các ứng dụng, dịch vụ nội bộ và thực hiện kết nối, liên thông giữa Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử (iGates) với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iDesk) để thống nhất xử lý hồ sơ công việc trên một hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ dịch vụ công và xử lý hồ sơ công việc.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Nguyễn Văn Nhiệm, chuyển đổi số là cơ hội lớn ở hiện tại và trong tương lai, nếu bỏ lỡ cơ hội này, huyện Ea Súp sẽ bị tụt lại sau các địa phương khác. Do đó, địa phương sẽ thực hiện quyết liệt trong chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Cùng với đó, người dân trên địa bàn huyện phải thường xuyên cập nhật các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số; thực hiện cài đặt, sử dụng các ứng dụng để nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công, dịch vụ bưu chính công ích.

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready