Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 16/10/2017

HTX Thanh niên Phú Xuân: Tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp

Ban đầu, HTX chỉ có khoảng 8 thành viên, đa số là thanh niên nông thôn, đến nay đã tăng lên hơn 20 thành viên. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, các thành viên HTX đã tập trung phát triển kinh tế hộ theo mô hình trang trại. Anh Vũ Danh Nghiêm, Chủ nhiệm HTX cho biết, khi chưa thành lập HTX, đa số thanh niên nông thôn mạnh ai nấy làm, do vậy luôn thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất. Từ khi thành lập HTX, các bạn trẻ có cơ hội để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn và tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thời gian tới, HTX sẽ triển khai dự án trồng 5 ha cây đinh lăng và 5 ha nghệ trên địa bàn xã Cư Êlang (huyện Ea Kar) để làm nguồn quỹ hoạt động.

Mô hình trồng tiêu của gia đình anh Tạ Văn Cường (người đứng giữa).

Mô hình trồng tiêu của gia đình anh Tạ Văn Cường (người đứng giữa).

Một trong những mô hình kinh tế trang trại mang lại hiệu quả cao, được thanh niên tìm đến học hỏi đó là mô hình nuôi cá của anh Vũ Danh Nghiêm. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp ngành Cơ khí chế tạo máy Trường Đại học Công nghiệp 4 (TP. Hồ Chí Minh) anh Nghiêm không đi theo nghề đã học mà trở về quê hương lập nghiệp. Sẵn có hơn 6 ha diện tích mặt nước, anh thuê máy về múc thành ao để nuôi cá trắm, rô phi, mè… Hiện nay, mỗi năm thu nhập từ bán cá giống và cá thương phẩm gần 200 triệu đồng. Anh Nghiêm cho biết: “Nuôi cá ngoài phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình còn là thú vui của tôi, nhất là vào những dịp cuối tuần, được cùng bạn bè câu cá thư giãn”.

 
“HTX Thanh niên Phú Xuân đang từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, tăng thu nhập cho xã viên; đồng thời có những đóng góp tích cực cho phong trào Đoàn - Hội tại địa phương. Để hỗ trợ cho HTX phát triển, thời gian tới Huyện Đoàn sẽ tích cực tìm nguồn vốn cũng như tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục cho HTX khi cần thiết” 
 
Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Krông Năng Y Rôya Niê

Tương tự, mô hình trồng tiêu theo quy mô lớn của anh Tạ Văn Cường (thôn Xuân Thái) cũng được bạn trẻ nơi đây học hỏi kinh nghiệm. Trước đây, cũng giống như nhiều nông dân, anh Cường chọn cà phê là cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do giá cà phê trên thị trường bấp bênh, vườn cà phê già cỗi năng suất không cao khiến cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, anh Cường tiến hành chặt bỏ gần 4 ha cà phê để trồng 6.000 trụ tiêu. Với kinh nghiệm tích lũy được từ sách báo, mạng internet, lại chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn tiêu của gia đình anh luôn phát triển xanh tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho hiệu quả cao. Mặc dù hiện nay giá tiêu trên thị trường giảm sâu so với những năm trước nhưng thu nhập bình quân hằng năm của gia đình anh Cường cũng hơn 300 triệu đồng. Anh Cường tính toán: “Nếu 1 ha cà phê, mỗi năm chỉ thu được khoảng 3-4 tấn cà phê nhân, với giá trên 40.000 đồng như hiện nay thì thu được hơn 120 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư phân bón, chăm sóc… chỉ lời khoảng 60 triệu đồng; trong khi đó chuyển đổi sang trồng tiêu thu nhập cao hơn rất nhiều”.

Năm 2012, anh Vũ Ngọc Quỳnh (thôn 10) đầu tư hơn 20 triệu đồng để mua 2 cặp dê giống. Khi mới bắt tay vào việc chăn nuôi dê, anh đã gặp không ít khó khăn do chưa nắm kỹ kinh nghiệm chăm sóc, dê luôn còi cọc, biếng ăn. Không nản chí, anh đã tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm và quyết tâm làm giàu bằng chính sức trẻ của mình. Đến nay, anh có đàn dê hơn 20 con, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, anh không chỉ trả hết mọi khoản nợ mà còn dư giả xây dựng nhà cửa khang trang.

Trước đây, gia đình chị Phạm Thị Châu (thôn 6) có 6 sào ruộng lúa nước nhưng hai vợ chồng là cán bộ nhà nước, thời gian hạn hẹp, hơn nữa vào mùa mưa ruộng thường ngập úng nên hiệu quả kinh tế từ trồng lúa không cao. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, chị Châu quyết định phá bỏ ruộng lúa nước kém hiệu quả để chuyển sang trồng gần 150 cây bưởi da xanh. Hiện nay, vườn bưởi của chị đã bắt đầu cho quả bói, hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao trong những năm tới. Chị Châu chia sẻ: “Tham gia vào HTX, tôi và các thành viên có cơ hội được học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong xây dựng các mô hình kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. HTX còn là nơi tập hợp đoàn viên, thanh niên có cùng chí hướng, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên lập thân, lập nghiệp”.

Theo baodaklak

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready