Buổi họp báo do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì diễn ra hơn 10 phút và kết thúc trong sự ngỡ ngàng của các phóng viên có mặt
Lúc 20g ngày 27-4, tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây hiện tượng cá chết hàng loạt là: do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển; do hiện tượng bất thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người, tạo nên hiện tượng “tảo nở hoa” hay thủy triều đỏ.
Theo ông Nhân, đến thời điểm này chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa hoạt động của Công ty Formosa và các nhà máy với hiện tượng cá chết hàng loạt. Ngay cả các thông số về môi trường cũng đều nằm trong “quy chuẩn quy định”.
Như vậy, những câu hỏi vì sao cá chết, nước biển có độc hay không, ăn cá có độc hại gì không... đều chưa có câu trả lời.
Ngoài thông tin do ông Nhân đưa ra trên, không có phóng viên nào kịp đặt câu hỏi phỏng vấn tại cuộc họp báo này.
Có đúng là do “tảo nở hoa”?
Có nhiều chuyên gia khẳng định hiện tượng tảo nở hoa không thể gây cá chết hàng loạt, trên diện rộng và nhiều như vậy. Chưa kể có rất nhiều trong số cá chết là cá lớn (nặng tới trên 30kg), sống ở khu vực nước sâu và xa bờ.
Với nguyên nhân do độc tố hóa học thì đúng là như ông Nhân: “Đây là vấn đề phức tạp và đòi hỏi phải có thời gian mới phát hiện được”.
Theo ông Trần Thế Mưu - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, từng có vụ việc tương tự ở Nhật Bản và phải mất 12 năm người ta mới tìm được nguyên nhân là do hóa chất độc từ các nhà máy.
“Điều kiện hiện hiện nay có thể không mất nhiều thời gian như vậy, nhưng vẫn cần thời gian để xác định chính xác” - ông Mưu nói.
Trong cuộc họp báo, không có bất kỳ cơ quan báo chí nào đặt được câu hỏi, tuy nhiên ông Võ Tuấn Nhân cũng đã trả lời một số câu hỏi bên lề cho báo chí.
Theo ông Nhân, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ cung cấp các kết quả phân tích các độc tố, đồng thời đưa ra khuyến cáo về hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản.
Bộ Khoa học - công nghệ chủ trì, huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học để thực hiện các nghiên cứu nói trên, nếu cần thiết sẽ mời các nhà khoa học quốc tế để kiểm chứng.
Tuy nhiên, ông Nhân cũng thừa nhận hiện chưa trả lời được các câu hỏi về việc đã nuôi trồng, đánh bắt hải sản và tắm biển trở lại tại khu vực xảy ra cá chết bất thường hay chưa là vẫn còn “nợ” người dân.
Đời sống không thể đợi thêm nữa, hàng trăm ngàn gia đình đang sống dựa vào biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đang rất khó khăn, họ cần những thông tin cụ thể để tái sản xuất và sống bình thường.
Quá chậm trễ và lúng túng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Văn Nguyên, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết viện này “đang cử cán bộ đi lấy lại mẫu nước biển vùng có cá chết, vì mẫu lấy trước đó không đúng quy trình và quá xa so với thời điểm cá chết”.
Theo tìm hiểu, từ lúc cá lồng được nuôi ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bắt đầu chết đến thời điểm các cơ quan chức năng lấy mẫu nước biển và trầm tích đi kiểm nghiệm phải mất 12-17 ngày, trong khi sau vài ngày là nước biển có thể thay đổi nên kết quả phân tích sẽ không còn chuẩn xác.
“Hai yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến kết quả phân tích, đánh giá là thời điểm và quy trình chuyên môn lấy mẫu.
Trong vụ này, cả hai yếu tố này đều không đảm bảo. Khi mẫu được lấy theo đúng quy trình kỹ thuật, có chuyên môn thì đã quá trễ, còn những mẫu trước đó khó có thể kiểm chứng” - một chuyên gia chia sẻ.
Thử điểm lại hoạt động của các cơ quan chức năng trong hơn 20 ngày tìm nguyên nhân cá chết cho thấy rất chậm trễ và lúng túng.
Hơn 10 viện tham gia lấy mẫu, nhưng vì lấy mẫu quá muộn, nhiều cá dạt vào bờ phân hủy, nên số mẫu chuyển tới các viện đều rất ít ỏi.
Như Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia - viện đầu ngành về kiểm nghiệm thực phẩm - chỉ nhận được... 2 mẫu cá xay nhuyễn. Số mẫu rất ít ỏi này khiến kết quả là không phát hiện điều gì đáng ngờ!
Theo ông Trần Thế Mưu, số mẫu được lấy ít ỏi là do thời điểm thu mẫu cá chết thì cá đã bị phân hủy, số cá đủ điều kiện làm mẫu rất ít ỏi.
Ông Mưu cũng cho hay ngoài các mẫu nước, mẫu cá, hiện Viện Hóa học đang nghiên cứu mẫu trầm tích, nhưng thông thường kiểm tra mẫu trầm tích phải năm ngày mới có kết quả, phải đợi thêm 1-2 ngày tới.
Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì tìm căn nguyên nhưng không có phương án ứng phó tổng thể, không phân công vai trò chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan có liên quan. Bộ Khoa học - công nghệ cũng thể hiện vai trò của mình quá muộn, các đơn vị nghiên cứu vào cuộc quá chậm.
Đến ngày 20-4, các viện của Viện hàn lâm Khoa học công nghệ VN mới chính thức triển khai lấy mẫu tại vùng biển miền Trung, quá xa so với thời điểm bắt đầu xuất hiện cá chết là ngày 6-4.
Theo Tuoitre