Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum; các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực cây cà phê. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Quốc Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Đinh Văn Khiết; Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Lương Văn Tự đồng chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu chủ trì Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã khẳng định những đóng góp to lớn của ngành cà phê trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Cà phê là đặc sản của Tây Nguyên, Việt Nam. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển của ngành cà phê. Đây là mặt hàng chủ lực, đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn với hơn 500 nghìn hộ gia đình trồng, sản xuất cà phê, giải quyết việc làm cho trên 1,6 triệu lao động. Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Đinh Văn Khiết cho rằng cà phê đã có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng nông thôn, chiếm kim ngạch xuất khẩu hàng đầu trong các mặt hàng nông sản.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu khai mạc Hội nghị
Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ lo lắng, băn khoăn trước những khó khăn mà ngành cà phê đang phải đối mặt. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đó là bài toán cần tái canh hơn 100 nghìn ha cà phê của cả nước sao cho có hiệu quả; trong quá trình sản xuất chế biến cà phê mới tập trung, chú ý nhiều ở khâu trồng trọt, xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô khiến giá trị gia tăng của cà phê còn khiêm tốn. Nhiều đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế khác như: quy mô phát triển chưa ổn định, một số diện tích phát triển ngoài quy hoạch; chưa hình thành các tổ chức liên kết trong sản xuất, nhất là trong sản xuất nông hộ; công nghiệp chế biến cà phê nhân trong cả nước đang còn rất phân tán và khá tùy tiện; sử dụng phân bón vô cơ ở mức cao…
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Trước thực tế này, nhiều giải pháp về phát triển cà phê bền vững đã được đề xuất, đề cập đến nhiều mặt, nhiều khía cạnh và lĩnh vực từ công tác quy hoạch, khoa học công nghệ, cơ chế chính sách, tổ chức sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, đổi mới công tác quản lý. Theo đó, các đại biểu đề xuất cần rà soát, phân loại, xác định diện tích tái canh và xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp huy động nguồn lực thực hiện. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc, thu hái, chế biến. Tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ về giảm tổn thất sau thu hoạch; khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Báo cáo đề xuất Chính phủ ban hành một số chính sách mới như hỗ trợ kinh phí mua giống cây cà phê tái canh; xây dựng quy hoạch, kế hoạch tái canh cà phê; đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử đất cho hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng tái canh theo quy định…
Giám đốc quốc gia IDH Việt Nam Flavio Corsin tham luận về chương trình phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam
Khuyến khích thành lập các chi hội người trồng cà phê tiến tới thành lập Hội Người trồng cà phê Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ xúc tiến thương mại, quỹ bảo hiểm ngành hàng để thực hiện các chương trình quảng cáo kích cầu cà phê trong nước và khắc phục rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trước những biến động tiêu cực của thị trường cà phê thế giới. Đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cán bộ quản lý; tăng cường đào tạo cho nông dân sản xuất cà phê. Thí điểm mô hình hợp tác công tư trong ngành cà phê như sản xuất giống cà phê, đầu tư thủy lợi và chế biến cà phê...
Theo Báo Đắk Lắk(CN)