Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) gồm 9 chương, 110 điều quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thủy sản; trách nhiệm và quản lý Nhà nước về thủy sản.
Đối tượng áp dụng của luật này là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và các tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê phát biểu tại hội nghị
Các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa, tính cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản trong đời sống xã hội. Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn thẩm quyền, thời hạn cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; quy định cụ thể, chi tiết điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; bổ sung quy định về kiểm dịch giống thủy sản và quy định về giao, cho thuê, sử dụng mặt nước hồ để nuôi trồng thủy sản…
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân tham gia góp ý xây dựng luật.
Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) gồm 12 chương, 111 điều quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Các đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định xử phạt đối với hành vi đổ rác thải vào rừng; quy định chặt chẽ, cụ thể trách nhiệm của chủ rừng khi để xảy ra tình trạng mất rừng; bổ sung thêm đối tượng là viên chức, người lao động trong lực lượng kiểm lâm bị thương hoặc hy sinh khi thi hành công vụ cũng sẽ được công nhận hoặc được hưởng chế độ, chính sách thương binh, liệt sỹ theo quy định; hướng dẫn chi tiết nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với các dự thảo luật. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, tham gia góp ý tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Theo baodaklak