Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 07/04/2015

Hồ Chí Minh - Rạng ngời cốt cách vĩ nhân trong ánh sáng đời thường

Bùi Kim Hồng

Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà yêu nước và cách mạng vĩ đại, người khai sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người là vị cha già dân tộc, một Bác Hồ nhân đức, hiền từ, giản dị, thân dân, trọng dân, gần dân. Ra đi về thế giới những người hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những để lại cho chúng ta một sự nghiệp cách mạng vẻ vang chưa từng có trong lịch sử dân tộc mà còn để lại cho chúng ta một di sản vĩ đại, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức, tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc và của loài người. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người cộng sản vĩ đại đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một người bình thường, ai cũng có thể học theo để làm một người cách mạng, một người công dân tốt hơn.

1. Người là muôn vàn tình thuơng yêu

Trải qua quá trình 10 năm tìm tòi, khảo nghiệm, năm 1920 khi bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở đây con đường giải phóng dân tộc, tìm thấy cái cẩm nang để giải phóng triệt để con người. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bởi theo Người, tình yêu thương con người không thể chung chung, trừu tượng, mà thiết thực, cụ thể, trước hết dành cho người mất nước, người cùng khổ. Chính vì vậy, Người đã nguyện dành cả cuộc đời mình để lo giải phóng cho dân tộc, đấu tranh cho con người thoát khỏi áp bức, bất công: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân.

Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó”1.

Mục tiêu giành độc lập, thống nhất của Tổ quốc không thể tách rời với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh tâm niệm: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng  hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”2. Ngay từ ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người đã nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành. Để làm được điều đó, Người đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói và giặc dốt. Thương nhân dân đời sống khó khăn, Người nhắc nhở nhiệm vụ thường xuyên là xóa đói nghèo, làm cho kinh tế phát triển; người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu và người khá giàu thì giàu thêm. Kinh tế có phát triển, đời sống đồng bào có ấm no thì đất nước mới cường thịnh.

Đặc biệt, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng ra đời từ phong trào cách mạng của nhân dân, có thiên chức lãnh đạo cách mạng vì mục đích phục vụ nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm lợi ích cao nhất của mình, thì Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung”3. Dẫn ra hai câu thơ của đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn:

“Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ,

Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu”.

mà Người tạm dịch là:

“Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ,

Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”.

Người đã kết luận: “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”4. Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải có thái độ yêu kính nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, học hỏi quần chúng, thật thà, ngay thẳng, không giấu dốt, giấu khuyết điểm, giấu sai lầm; khiêm tốn, gần gũi quần chúng; không được kiêu ngạo, phải thực sự cầu thị, không được chủ quan; kiên quyết dựa vào quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành thắng lợi mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù uy tín rất cao, có khả năng thu hút, tập hợp quần chúng rất lớn, được toàn dân suy tôn là “Cha già của dân tộc” nhưng không bao giờ Người xem mình đứng cao hơn nhân dân. Người tự cho mình là “người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”, là “người đày tớ trung thành của đồng bào”. Đó là tư cách của vị lãnh tụ Đảng cầm quyền trong giai đoạn nhân dân giữ vai trò làm chủ đất nước, xây dựng một xã hội mới. Nhận được thư, quà chúc mừng của nhân dân, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn tự tay viết thư trả lời, cảm ơn một cách thân tình, chu đáo, nêu một tấm gương ứng xử rất văn hóa, đầy khiêm nhường và kính trọng đối với nhân dân.

Nhà Thơ Tố Hữu đã từng viết:

Bác ơi, tim Bác mông mênh mông thế,

Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Trái tim, khối óc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nghĩ về việc nước, về phong trào cách mạng ở năm châu, bốn bể mà còn hằng lo cả đến bếp ăn của bộ đội, nhà tắm cho nông dân, nơi an dưỡng của người già, trại trẻ cho các cháu nhỏ... Biết bao câu chuyện thường ngày đã nói lên tình thương yêu con người, sự quan tâm rất cặn kẽ, tỉ mỉ của Người đối với đồng bào, đồng chí và chiến sĩ. Làm phụ bếp bên Anh, khi rửa bát đĩa, Bác để riêng những thức ăn thừa còn lại, gói vào một gói, khi về mang ra cho những người nghèo khổ ăn xin ngoài đường. Dự tiệc chiêu đãi ở Pari, ra về Bác dành quả táo cho em nhỏ. Giữa cánh đồng khô nóng Ấn Độ, những giọt nước mắt cảm thông của Người đã rơi trên vai ông lão nông dân áo quần rách nát. Mùa hè đến, mồ hôi thấm áo, Người nghĩ đến những chiến sĩ phòng không trên trận địa nóng bỏng. Đi công tác ở nước ngoài được biết có loại cây lá xanh quanh năm không rụng lá, Người nghĩ tới chị lao công đêm đêm vất vả quét lá nên tìm cách đưa loại cây ấy về nước. Đưa anh hùng Trần Thị Lý đi thăm vườn Phủ Chủ tịch, Bác không đưa chị đi trên những con đường sỏi vì Bác biết chân chị dẫm trên sỏi thì ảnh hưởng vết thương trên đầu. Vào các dịp lễ Tết điều đầu tiên Bác nghĩ tới là đi thăm các trường con em miền Nam. Bác bảo: “Các cháu xa nhà, xa quê. Mong người thân lắm. Để Bác đến thăm cho các cháu đỡ buồn”. Vậy là Bác đi, khi Vĩnh Phú, lúc Hải Phòng... Trái tim Bác là vậy, trải đều tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí, già trẻ, gái trai ở cả hai miền Nam - Bắc nước ta và cả đến kiều bào ngoài nước. Bởi vì Bác quan niệm rằng: Yêu thương con người là phải tôn trọng, quý trọng con người. Bác tôn trọng từ các nhà khoa học, các bậc hiền tài cho tới những người lao công quét rác. Đối với Bác, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau.

Ngay cả với những người lầm đường, lạc lối hay phạm sai lầm, lòng thương yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng thành lòng khoan dung. Người nói: ''Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài.Nhưng ngắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ''5. Người kêu gọi nhân dân ''khoan hồng đại độ'' đối với những ai tham gia ngụy quân, ngụy quyền và căn dặn cán bộ nên ''đối đãi nhân đạo với các tù binh'' để ''cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước''6. Trong Chiến dịch Biên giới 1950, khi đi thăm trại tù binh, Bác đóng giả một cụ già nông dân và Người cũng lại cởi tấm áo ngoài của mình cho một đại úy thầy thuốc.

Tư tưởng yêu thương con người được Hồ Chí Minh nêu lên và vận động mọi người cùng thực hiện suốt cả cuộc đời. Khi nằm trên giường bệnh trong những ngày Người đau nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đề cập một lời nào về diễn biến sức khỏe của mình. Những giây phút cuối cùng đó, Bác còn nghĩ đến miền Nam, đến hạnh phúc và niềm vui của đồng bào miền Bắc. Người hỏi: ''Trong Nam, mấy hôm nay đánh thế nào?''; Người hỏi: ''Quốc khánh năm nay, có đốt pháo hoa cho đồng bào vui không?''. Và trong bản Di chúc, khi để lại ''muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng'', và ''gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế'', Người vẫn ân cần nhắc nhở toàn Đảng phải tiếp tục chăm lo cho con người. Trước hết, là những người đã hy sinh một phần xương máu cho công cuộc kháng chiến, là cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ, là bà con nông dân, thanh niên phụ nữ... lo cho hiện tại, lo đào tạo cho tương lai. Ngay cả ''với những nạn nhân của chế độ cũ như: trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện''7.

2. Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta

Với thế giới, cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất sôi nổi, Người là một trong những nhân vật làm nên thế kỷ XX, với đất nước, Người là vị lãnh tụ tối cao được kính mến nhưng đời sống của người rất bình thường, vô cùng giản dị, khiêm tốn. Cuộc đời của Người, từ lúc làm một thợ ảnh bình thường ở ngõ hẻm Côngpoanh nước Pháp đến khi làm Chủ tịch nước sống giữa Thủ đô Hà Nội, vẫn là một cuộc đời thanh bạch, giản dị, tao nhã từ câu nói, tác phong đến vật dùng tư trang hàng ngày, từ ăn uống đến sở thích sống hòa mình với nhân dân.

Cuộc sống đời thường đạm bạc nơi chiến khu Việt Bắc, theo Bác suốt những năm dài kháng chiến là mái lán đơn sơ của cây rừng Việt Nam. Ở nơi đâu Bác cũng tạo nên một không khí bình thản, tự tại, một cuộc sống đầm ấm mang nặng tình đồng chí để vượt qua thử thách, gian nan thiếu thốn của cuộc kháng chiến. Bác yêu cầu chỗ ở cho Bác phải là nơi yên tĩnh, bí mật, nơi có bóng cây thoáng mát và có đất để tăng gia, gần nguồn nước, phía sau có núi để dễ làm hầm trú ẩn, thuận lợi cho liên lạc, dễ dàng di chuyển khi có động. Cách chọn địa điểm dựng lán trại của Bác được anh em ghi thành bài văn vần như sau: ''Trên có núi, dưới có sông - Có đất ta trồng - Có bãi ta vui Tiệnđuờng sang Bộ Tổng Thuận lối tới Trung ương Nhà thoáng gió, kín mái Gần dân không gần đuờng''. Bác giao hẹn: lán cho Bác có chiều cao có thể giơ tay với được, còn chiều ngang thì đưa tay sang phải, sang trái vừa chạm đến, để tiện lấy được các vật dùng để ở vách, lán không to quá, diện tích bằng khoảng hai chiếc chiếu, đủ cho Bác kê chiếc bàn nhỏ làm việc và nơi nghỉ. Làm lán không cầu kỳ mà giản dị, bằng vật liệu sẵn có xung quanh như tre, luồng hoặc nứa. Đồ dùng bày biện phía trong lán lại càng đơn giản hơn: một bàn, một ghế bằng gỗ tạp đủ để cái máy chữ nhỏ, một ít sách, tài liệu cần thiết, những thứ đồ dùng vặt như bút giấy, hai hòn sỏi bóp luyện tay... để cạnh. Kháng chiến thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội, nhưng Bác không về ở trong ngôi nhà toàn quyền cũ vì Bác bảo, Bác chứ không phải vua, Chủ tịch một nước còn nghèo, chưa có quyền hưởng thụ quá mức trung bình của người dân. Bác quyết định chọn cho mình ngôi nhà của người thợ điện ngày trước, nơi mà mùa nóng thì nhiệt độ cao hơn hẳn xung quanh, ngày thiếu ánh sáng phải thắp đèn. Năm 1958, Trung ương quyết định xây nhà cho Bác, nhưng Bác đề nghị chỉ nên làm một căn nhà nho nhỏ theo kiểu nhà đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, giống như ngôi nhà Bác đã từng ở trong những năm kháng chiến chống thực dân pháp. Khác hẳn với công trình kiến trúc đồ sộ, bề thế như Phủ Chủ tịch và các ngôi nhà xây dựng bằng những nguyên liệu bền vững như sắt, thép, xi măng,... trong khu vực, ngôi nhà sàn của Bác được xây dựng bằng gỗ bình thường, được thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc Việt Bắc: nhà hai tầng, xung quanh có mành che, tầng dưới để thoáng. Nét kiến trúc thanh nhã, trang trí không cầu kỳ này khiến công trình trở thành một kiến trúc độc đáo, mang sắc thái riêng nhưng rất hài hòa với thiên nhiên và các công trình kiến trúc xung quanh. Trong nhà sàn bố trí đơn giản, chỉ có những đồ dùng rất gần gũi với Bác: Một chiếc giường đơn trải chiếu cói, cái tủ nhỏ, bộ bàn ghế, trên bàn để đèn, lọ hoa, chiếc máy thu thanh, cái quạt nan, mấy quyển sách cần thiết hàng ngày. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh quê hương Nghệ An, nơi Bác sinh ra và lớn lên. Trong hồ nước rộng hơn 3.000m2 trước nhà sàn, Bác nuôi cá vì theo Người nuôi cá ở đây vừa cải tạo môi trường sống trong lành, cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa là một cách thư giãn thú vị sau giờ làm việc khi Người cho cá ăn. Nhà sàn của Bác hòa hợp với thiên nhiên là thế đấy! Nó tạo ra nét bình dị gần gũi với mọi người dân Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Khi đi thăm các địa phương xa, phải lại qua đêm, các đồng chí địa phương thường bố trí cho Bác nơi ở tốt nhất, nhưng Bác cũng không đồng ý. Bác tự chọn cho mình chỗ nghỉ, có khi bố trí gần bãi biển, có lúc cạnh trận địa pháo. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vậy, với tư tưởng tác phong luôn gần dân, luôn luôn giữ mức sống như người dân bình thường, hòa cùng nhịp sống, nỗi niềm của người dân.

Không chỉ nơi ở đơn sơ, đồ dùng của bác cũng thật giản dị. Đôi dép cao su làm từ lốp cũ xe ô tô, Bác dùng đến mòn vẹt phải đóng đinh bao lần. Đôi dép đã theo Bác trên những nẻo đường Pắc Bó, Điện Biên trong kháng chiến, trở về thủ đô Hà Nội khi hòa bình lập lại, sang cả Ấn Độ khi Người đi thăm các nước anh em. Đôi dép đã góp phần tạo nên huyền thoại về một vị Chủ tịch nước dân chủ nhất thế giới như lời báo chí Ấn Độ đã từng ca ngợi. Rồi bộ bà ba nâu, bộ quần áo kaki, đôi tất vá đến hai, ba lần. Chỉ khi đi ra nước ngoài Bác mới mặc áo sơ mi và mới đồng ý may bộ quần áo dạ đen.

Bác thích món cá kho, bát canh và quả cà xứ Nghệ. Bác thích ăn những con cá Bác tự nuôi, những ngọn rau Bác tự trồng và còn chia những thứ đó cho các đồng chí sống gần Bác. Bác ngồi xếp bằng bên cửa sổ nhà sàn ngắm trăng, Bác xắn gọn quần và rảo bước nhanh qua suối hay đi bên bờ ruộng như một cụ già nông thôn thực thụ. Bác còn bế em nhỏ hoặc ngồi bón cơm cho trẻ như bất kỳ một người bình thường nào ta gặp. Bác còn nắm chắc tay gàu sòng tưới nước mà không ngỡ ngàng, lúng túng. Là Chủ tịch nước nhưng trong nếp sinh hoạt thường ngày những việc nào làm được, Bác tự làm, không nhờ vả hay ỷ lại cho người khác làm thay mình, việc nào không làm được Bác mới nhờ đến những anh em phục vụ. Tất cả những chi tiết đó, hình ảnh đó tự nói lên nhiều điều: một tư thế giản dị, ung dung, tự tại, luôn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của một lãnh tụ mẫu mực.

Bác là tấm gương tiêu biểu tiết kiệm của công, thái độ giữ gìn tài sản chung của nhân dân được Bác luôn luôn chú ý. Đi đâu Bác chỉ dùng một chiếc xe Pôbêđa do nhân dân Liên Xô gửi tặng. Xe dùng đã lâu ngày nên cũ và hay hỏng vặt, văn phòng đề nghị Bác cho đổi xe khác tốt hơn, Bác không đồng ý Bác bảo: ''Ai thích đi nhanh, thích êm thì đổi. Còn Bác thì không''. Bác rất nghiêm khắc trong việc tự phê bình, Bác căn dặn cán bộ phải “tự phê bình cái sai của mình trong mỗi việc làm, mỗi trận đánh giống như rửa mặt hàng ngày cho sạch vết nhơ”8. Đồng chí giúp việc của Bác kể rằng, có lần Tỉnh ủy Quảng Ninh biếu Bác một cành san hô to, đẹp lắm, màu sắc trắng hồng như ngọc. Bác thích lắm dùng làm quà biếu người lãnh đạo một Đảng anh em. Mọi việc thu xếp xong. Cành san hô để ở nhà khách Phủ Chủ tịch, chờ Bác ra xem lần chót rồi bỏ vào hòm, ô tô đợi sẵn, chở ra sân bay, gửi đi. Lúc để ở nhà khách, anh em xúm lại xem. Thấy nó đẹp quá ai cũng trầm trồ. Ai cũng muốn nhìn và ai cũng muốn sờ một chút. Xô đẩy thế nào đó, một anh lỡ tay đánh rơi, võ làm đôi. Mọi người sợ quá, sợ đến mức không dám đứng đấy mà nhận lỗi của mình nữa. Bác cũng bị bất ngờ, tưởng xong đâu đấy hết thì đã vỡ rồi. Bị bất ngờ như thế nhưng một nét nhíu lông mày Bác cũng không có, một lời nói nặng càng không có nữa. Bác làm vui trước cho anh em. Bác biết là anh em sợ lắm, làm thế nào trấn tĩnh được tinh thần anh em: ''Thôi, phận san hô nó mỏng manh, con san hô về đất rồi. Anh em đi đâu, gọi các chú ấy ra đây. Bây giờ Bác, cháu ta tính thế nào nhỉ, lại đây cùng nhau bàn xem gỡ cái chuyện này thế nào''. Cuối cùng phải lấy một bức ảnh to của Bác, Bác đề tặng và ký vào gửi biếu. Người lỡ tay đánh vỡ con san hô thấy Bác độ lượng như vậy, cảm động, giàn giụa nước mắt. Nhưng mà câu chuyện chưa hết. Đến buổi tối hôm đó, làm việc với đồng chí phụ trách văn phòng xong, Bác bảo: ''Hôm nay còn thừa thì giờ, bây giờ chú kể cho Bác nghe cành san hô ấy bị vỡ thế nào?''. Đồng chí này kể lại từ đầu. Bác phát hiện chi tiết này: người đánh vỡ là đồng chí lái xe. Bác bảo: ''Thế này nguyên nhân không phải là lỡ tay, giá như là chú, phụ trách văn phòng, hay một chú nào khác có nhiệm vụ cầm cành san hô đặt vào hòm mà đánh vỡ thì đúng là lỡ tay. Đây không phải. Chú lái xe thì có nhiệm vụ gì sờ vào cành san hô. San hô đẹp thì để anh em nhìn ngắm, được rồi, muốn sờ tay vào nó cũng được, nhưng cứ từng người, việc gì phải xúm vào, rồi người xô đằng này, người đẩy đằng kia. Và không có tổ chức, không có nền nếp, xúm vào như thế cho nên mới đi đến chỗ có người lỡ tay ẩy nó rơi vỡ. Nguyên nhân ở trong tổ chức và nếp làm việc, không phải chỗ lỡ tay. Nói lỡ tay là nói qua loa cho xong. Nếu chú thấy đúng như thế, lần nào họp, anh em bàn lại chuyện này rút kinh nghiệm, sửa đổi đi. Bảo là lỡ tay, đến lần sau, có cái tặng phẩm đẹp lại xúm vào xem, lại xô, lại đẩy, lại rơi vỡ lần nữa, lại lỡ tay lần nữa”9. Bác là như thế. Một sai sót nhỏ cũng không bỏ qua, rút kinh nghiệm để sửa chữa, nhưng vẫn không nói nặng một lời nào.

Rất bình thường và cũng rất sâu sắc, phong cách sinh hoạt của Bác là tấm gương, là cách Bác dạy bảo cán bộ được làm việc gần Bác một cách thiết thực nhất. Trong tình hình kinh tế và chính trị của dân ta hồi đó, việc Bác sinh hoạt bình thường như cán bộ và nhân dân chứng tỏ Bác hiểu rất rõ, rất sát tình hình đời sống vật chất của nhân dân và cán bộ, đồng thời thể hiện tấm lòng chân thành của Bác, tấm lòng của một lãnh tụ muốn cùng chịu gian khổ với dân. Bác đã vượt lên trên những tập quán thông thường về cách sống của một vị Chủ tịch nước hay một vị lãnh tụ; chính những tập quán, lề lối đó lại thường vô hình ngăn cách lãnh tụ với nhân dân, với thực tế đời sống của xã hội. Năm 1946, hồi Bác sang Pháp với tư cách khách mời của Chính phủ Pháp, ở khách sạn, Bác không ngủ trên giường mà ngủ trên sàn, ăn sáng vào lúc sáu giờ, và tự giặt lấy quần áo lót… Các đồng chí cùng đi cảm thấy kỳ lạ vì giữa một thủ đô hoa lệ, thành phố ánh sáng như Pari mà Bác cứ khăng khăng giữ những thói quen ở trong nước. Nhưng sau đó thì ai cũng hiểu rằng, Bác muốn cho tất cả cùng theo gương Bác để tự kiềm mình trước mọi cám dỗ của cuộc sống ở đây. Đồng thời, Bác cũng nhắc nhở mọi người rằng nước mình còn nghèo, mà cái nghèo thì không phải dễ dàng nhanh chóng khắc phục, còn phải chịu đựng nó lâu dài, vậy thì thói quen sống giản dị, khiêm tốn là thói quen tốt cần rèn luyện để giữ nó.

Một nhà báo Australia viết rằng: Người ta không thể trở thành một Cụ Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn. Cả cuộc đời Bác là tấm gương sáng về sự tận tụy, đức hy sinh vì nước, vì dân, không một chút riêng tư. Bác đã xa chúng ta, nhưng nhân dân ta vẫn còn tìm thấy Bác, vẫn được gặp Bác trong từng hành động cách mạng, trong tình thương yêu với già trẻ, gái trai, trong nét sinh hoạt đời thường rất giản dị, chan hòa, chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian, chẳng có ham muốn danh lợi riêng cho mình. Hơn 40 năm đã trôi qua, mỗi một câu chuyện về Bác đều trở thành một bài học vô giá về nhân cách, về đạo đức cho mỗi chúng ta học tập và làm theo trong cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' mà Đảng và Nhà nước ta phát động.Việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã và đang trở thành hành động tự giác, tích cực của nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng trên mọi miền đất nước. Tư tưởng của Bác, tấm gương đạo đức của Bác vẫn đang bay cao, tỏa sáng, để tạo dựng nên lớp lớp những chiến sĩ, những cán bộ, những con người của thế hệ Hồ Chí Minh mới trọn đời vì nước, vì dân, vì hòa bình, độc lập và sự tiến bộ trên thế giới. Đúng như lời Thủ tướng Ấn Độ I.Gandi đã từng ca ngợi: “Tên tuổi của Người sẽ trường tồn như nhân dân của Người. Đức độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân loại, sự tận tụy hy sinh và lòng dũng cảm của Người sẽ cổ vũ các thế hệ mai sau”10.

___________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.240.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.56.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.380.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.6, tr.185.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.246.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.28.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.504.

8. Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.205.

9. Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.595.

10. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.595.

Nguồn dangcongsan.vn (VN)

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready