Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 04/06/2020

Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước và tầm nhìn thời đại

Ngày 5-6-1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh tư liệu: TTXVN

Tầm nhìn thời đại trong việc tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc

Chúng ta biết rằng, cuối thế kỷ XIX, nước Việt Nam phong kiến độc lập đã biến thành nước thuộc địa nửa phong kiến do sự xâm lược của thực dân Pháp. Một lẽ tự nhiên, sự phản kháng của nhân dân thể hiện qua các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp theo những ngả đường và khuynh hướng khác nhau đã liên tiếp nổ ra, nhưng kết cục đều thất bại, không có đường ra. Điều này thể hiện mâu thuẫn giữa sức sống, tinh thần đấu tranh anh dũng, bền bỉ của dân tộc với sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, về giai cấp tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh.

Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh rất khâm phục ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc của các bậc tiền bối, nhưng không tán thành đường lối cứu nước của họ. Trong bối cảnh những năm đầu thế kỷ XX, vào tháng 6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Người đi sang phương Tây, nhưng không phải đi tìm chỗ dựa, hoặc cầu viện các thế lực bên ngoài để cứu nước, mà là đi xem các nước làm như thế nào về giúp đồng bào mình.

Quyết định sang Pháp là một quyết định có ý nghĩa lịch sử, thể hiện rõ tầm nhìn, tư duy độc lập, sáng tạo của Người. Hồ Chí Minh đã mở tầm nhìn ra thế giới, sẵn sàng tiếp biến tinh hoa, trí tuệ của thời đại. Người phân tích, đánh giá ý nghĩa các sự kiện lớn trên thế giới, đặc biệt là các cuộc cách mạng xã hội. Bắt đầu từ lòng yêu nước, sự nhạy cảm với cái mới, cái tiến bộ, dựa trên tiêu chí ai, tổ chức nào bênh vực các dân tộc thuộc địa, ủng hộ và đoàn kết với họ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc, Người đã định hình ra con đường để đòi các quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho nhân dân mình.

Tại Pa-ri thủ đô nước Pháp, lúc này được coi là “trung tâm liên minh thế giới của bọn đế quốc”, Người đã có một bước phát triển mới trong nhận thức về con đường cứu nước khi tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Mặc dù, chưa hiểu hết ý nghĩa cực kỳ to lớn của Cách mạng Tháng Mười, nhưng với Người, đây là một biến cố to lớn, “có một sức lôi cuốn kỳ diệu vô cùng”. Đặc biệt, từ tháng 7-1920, khi tiếp xúc với bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lê-nin, Người đã tìm thấy ở Luận cương những giải đáp về con đường giải phóng cho các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

Tầm nhìn thời đại trong việc xác lập, kiến tạo mô hình xã hội gắn với các thiết chế hiện đại

Cuộc hành trình tìm đường cứu nước tháng 6-1911 của Nguyễn Tất Thành là cuộc tìm kiếm một con đường tranh đấu không chỉ nhằm giải quyết một mục tiêu như các bậc tiền bối: giành độc lập dân tộc, mà có mục tiêu “kép” là cứu nước và cứu dân. Chính vì vậy, quyết định đi sang phương Tây của Nguyễn Tất Thành là sự đoạn tuyệt đối với mô hình chính trị nhà nước quân chủ, phong kiến phương Đông, mở đầu cho quá trình nghiên cứu, tìm hiểu xã hội phương Tây.

Bằng khảo nghiệm các mô hình thể chế chính trị, mô hình nhà nước trên thế giới và tổng kết thực tiễn Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc và Đảng đã đi tới lựa chọn mô hình cộng hòa dân chủ, tạo nên động lực cho cao trào vận động dân chủ sôi nổi trong những năm 1936 - 1939. Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng tiếp tục tìm tòi, khảo nghiệm và đi tới lựa chọn thể chế chính trị, mô hình nhà nước thích hợp hơn, đó là thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thể chế chính trị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là mô hình nhà nước, là thể chế chính trị mới được Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng xác định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 5-1941. Mặt trận Việt Minh là một kiểu nhà nước tiền Chính phủ với chương trình hành động thể hiện rõ quyền lực thuộc về nhân dân, một thể chế chính trị xã hội quá độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mô hình thể chế đó là động lực, là ngọn cờ vẫy gọi toàn thể dân tộc Việt Nam vùng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xác lập được một thể chế chính trị xã hội mới theo sự tìm chọn của Nguyễn Ái Quốc, vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân quyền và dân sinh, tự do, hạnh phúc. Cùng với việc tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới, Hồ Chí Minh còn là người thiết kế các giá trị thuộc về nhân cách và phẩm giá con người Việt Nam.

Tầm nhìn thời đại trong việc xác định con đường phát triển của dân tộc Việt Nam

Với việc nắm bắt chính xác đặc điểm, xu thế của thời đại, Hồ Chí Minh đã xác định con đường phát triển cho dân tộc phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội không chỉ thể hiện sự khác nhau về chất giữa con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh với con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng phong kiến, hay hệ tư tưởng tư sản mà còn thể hiện rõ nét sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội từ sự lựa chọn của Hồ Chí Minh, đã trở thành lý tưởng và mục tiêu phấn đấu của cách mạng Việt Nam.

Độc lập dân tộc theo Hồ Chí Minh phải là một nền độc lập thực sự, hoàn toàn trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, ngoại giao... trong đó, trước hết và quan trọng nhất là độc lập thực sự, hoàn toàn về chính trị. Độc lập dân tộc phải gắn liền với hòa bình. Độc lập dân tộc phải đi tới tự do hạnh phúc của nhân dân. Độc lập dân tộc là tiền đề đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội, theo Hồ Chí Minh, tự nó có khả năng tạo ra sự phát triển, khác rất xa cái chủ nghĩa xã hội mà nhiều người ngộ nhận với những tiêu chí có tính áp đặt, xa vời, phi hiện thực. Quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là hết sức bình dị, gần gũi với cuộc sống thường ngày. Quan niệm chung nhất của Người về chủ nghĩa xã hội - đó là một xã hội đáp ứng ngày càng cao và toàn diện mọi nhu cầu chính đáng của con người. Chính xuất phát từ quan điểm độc lập dân tộc phải gắn liền với tự do và hạnh phúc của nhân dân mà Hồ Chí Minh hình thành nên triết lý phát triển của một xã hội nhân văn, một mục tiêu với nội dung thống nhất của cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tầm nhìn thời đại về quan hệ quốc tế và giải quyết các vấn đề quốc tế

Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng nắm bắt được đặc điểm của thời đại mới, thời đại sau Cách mạng Tháng Mười và tổng kết, khái quát thành những quan điểm lý luận về nhu cầu, khả năng, điều kiện hợp tác giữa các dân tộc.

Sau khi nắm bắt được đặc điểm của thời đại mới, Hồ Chí Minh đã hoạt động tích cực để gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Người không chỉ xuất phát từ những mục đích chính trị - xã hội của thời đại - độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, mà còn vì sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất thế giới. Trong tư tưởng của Người, hợp tác quốc tế là để xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, tiến kịp các nước trên thế giới và sâu xa là đặt chiến lược phát triển đất nước ta gắn liền với những chuyển biến mang tính thời đại.

Với tầm nhìn chiến lược đó, Người chủ trương mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Trung Quốc giúp cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia. Trong lời kêu gọi gửi tới Liên hợp quốc năm 1946, Hồ Chí Minh nêu rõ: Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc... Sau khi miền bắc được giải phóng, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, giao thương, tranh thủ sự viện trợ kinh tế, kỹ thuật của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các lực lượng dân chủ, hòa bình thế giới.

Trong quan hệ hợp tác quốc tế, Hồ Chí Minh xác định chính sách đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khéo chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam theo con đường độc lập, tự chủ, sáng tạo, phát huy nội lực của toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, để giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng

Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Theo Nhandan.com.vn)

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready