Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 13/04/2015

Hình tượng Sư tử và Nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam: Ấn tượng từ một triển lãm

“Kho báu” nghệ thuật điêu khắc cổ

Trong không gian khá khiêm tốn tại Bảo tàng Dak Lak, gần 60 hiện vật được trưng bày đã tạo cho người đến tham quan Triển lãm cảm giác lắng đọng, như tách biệt khỏi những náo nhiệt ồn ào nơi phố thị mà chìm đắm vào thế giới của những linh vật cổ với sự trầm mặc, nhiều suy tưởng.

Khách du lịch tham quan Triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”.
Khách du lịch tham quan Triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”.

Các hiện vật trưng bày chủ yếu là tượng, phù điêu nghê và sư tử từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến triều Nguyễn, được tạo tác bằng các chất liệu: đá, gốm, sành, gỗ, đồng… Bên cạnh đó, nhiều tư liệu, tài liệu của các nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa; các bản vẽ đạc họa, tường giải (vẽ lại chi tiết hoa văn trên tượng, phù điêu) cũng được giới thiệu nhằm giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về hình tượng hai linh vật này. Trong số những hiện vật được trưng bày, các tác phẩm về nghê chiếm số lượng lớn, được thể hiện trên các chất liệu đa dạng, trong nhiều không gian tín ngưỡng từ đình, chùa, đến đền miếu, lăng tẩm, từ chốn thôn quê đến cung điện hoàng gia (điện Thái Hòa, Huế)...

Mỗi hiện vật là một minh chứng sống động cho những giá trị nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam, tiêu biểu như hình tượng sư tử chầu ngọc ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) thế kỷ 11; sư tử chùa Bà Tấm (Hà Nội) thế kỷ 11; sư tử cầm ngọc, thế kỷ 13-14; nghê - thế kỷ 17 ở xã Giao Yến (Nam Định); nghê - thế kỷ 17 ở đền vua Lê Thánh Tông (Thanh Hóa); nghê - thế kỷ 17-18 ở chùa Xối Thượng (Nam Định); nghê - thế kỷ 17-18 ở chùa Hành Thiện (Nam Định); nghê - thế kỷ 17-18 ở đền Đồng Lư (Nam Định); nghê - thế kỷ 18 ở đền Lâu Thượng (Phú Thọ); nghê và lư hương - thế kỷ 19... Nhìn ngắm tác phẩm sư tử đá được làm từ thế kỷ 11 của chùa Bà Tấm (Hà Nội), mới thấy được các nghệ nhân dân gian từ ngàn xưa đã sáng tạo hình tượng linh vật độc đáo, tỉ mỉ đến từng chi tiết, mang nét uyển chuyển, cân đối, thể hiện triết lý sâu sắc. Hoặc tác phẩm nghê gỗ của chùa Xối Thượng (Nam Định), thế kỷ 17-18 với những đường nét tinh xảo, trau chuốt từ chiếc râu, lớp vảy, đuôi, mao… đã làm nổi bật hình tượng uy nghiêm, oai linh của chủ thể. Hay như hình tượng nghê được làm từ chất liệu gỗ (thế kỷ 17) tại đền vua Lê Thánh Tông (Thanh Hóa) cũng mang đến cho người xem những kiến thức mới; tác phẩm có hình dáng oai vệ nhưng vẫn giữ được những hoa văn, họa tiết đẹp, hiền hòa mang dấu ấn văn hóa Việt Nam...

Sư tử  chùa Thông (Thanh Hóa) làm bằng đá vào năm 1270 được  trưng bày tại Triển lãm.
Sư tử chùa Thông (Thanh Hóa) làm bằng đá vào năm 1270 được trưng bày tại Triển lãm.

Đến với Triển lãm, người xem được tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình và ý nghĩa văn hóa của hình tượng linh vật sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Những tác phẩm điêu khắc cổ ấy hết sức đặc sắc, phong phú và có giá trị về mặt thẩm mỹ cũng như ý nghĩa văn hóa, tâm linh. Đó là những linh vật hiện diện suốt cả chiều dài lịch sử dân tộc, mang theo những giá trị văn hóa mà ông cha ta từ hàng nghìn năm trước để lại.

Khẳng định vị thế của linh vật Việt

Qua Triển lãm lần này, người xem được thưởng thức, khám phá, tìm hiểu về hình tượng hai linh vật sư tử và nghê trong kho tàng di sản nghệ thuật điêu khắc cổ. Trải qua những biến thiên của lịch sử, dãi dầu qua bao mưa nắng, các di sản nghệ thuật điêu khắc cổ nói chung và về hai linh vật nghê, sư tử nói riêng là tinh hoa, tâm hồn và khí phách của người dân đất Việt dồn tụ. Những vốn nghệ thuật cổ truyền ấy là kết quả của nỗ lực không ngừng học hỏi, tiếp thu với sự chắt lọc những tinh hoa nhân loại trên cơ sở bản địa hóa, không rập khuôn máy móc theo các mẫu thức sẵn có. Hình tượng nghê, sư tử là những nét đẹp của di sản điêu khắc cổ, thể hiện rõ nét và liên tục năng lực, tài hoa sáng tạo của người Việt. Từ hình thức tạo tác, trang trí trên hình tượng linh vật sư tử và nghê, tới những công năng sử dụng cùng nhiều biến thể đa dạng, sinh động… đã chứa đựng những giá trị tinh thần, thẩm mỹ, biến đổi trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Tự bản thân mỗi tác phẩm đã tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn đối với các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, những người đam mê, yêu thích tìm hiểu về văn hóa – nghệ thuật.

Các hiện vật tại Triển lãm đã mang đến cho người thưởng ngoạn những nhận thức về giá trị văn hóa dân tộc cũng như về linh vật thuần Việt, để từ đó thêm tự hào, yêu quý và gìn giữ nét đẹp, giá trị hình tượng những linh vật trong không gian tín ngưỡng. Theo nhận xét, đánh giá của nhiều khách tham quan trong sổ ghi cảm tưởng, Triển lãm trưng bày như một “liều thuốc kháng sinh”, chống lại sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai. Nghê và sư tử là hai linh vật sớm xuất hiện và tồn tại gần gũi trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo - văn hóa của dân tộc Việt Nam, mang đậm vẻ đẹp và giá trị hình tượng trong không gian tín ngưỡng của người xưa; việc giới thiệu hình tượng hai linh vật này là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm định hướng thẩm mỹ công chúng, góp phần nâng cao sự hiểu biết, trân trọng và tự hào với kho tàng di sản và truyền thống văn hóa của dân tộc...

Theo baodaklak

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready