HCB bắn cung và ước mơ chiếc xe cuốc
Nụ cười rạng rỡ của Châu Kiều Oanh khi nhận được huy chương bạc, đây là kỳ SEA Games đầu tiên của Oanh. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Khoảnh khắc đó nằm ngay trong loạt bắn 3 phát đầu tiên của trận chung kết nội dung cung 3 dây cá nhân nữ khi Kiều Oanh đối đầu với Sri Ranti (Indonesia).
Lần đầu của cô gái tuổi 20
Cả lượt đấu bán kết, Kiều Oanh giành được 145 điểm/150 điểm tối đa (trong 15 mũi tên, chỉ có 5 mũi là cô bắn không trúng ngay hồng tâm). Phong độ đều đến thế nhưng rồi Kiều Oanh lại mở màn lượt bắn chung kết với cả 3 mũi tên đều trật hồng tâm (chỉ được 27/30 điểm tối đa) trong khi Sri Ranti giành trọn 30 điểm. Trận chung kết đã sớm kết thúc từ đó. Bất chấp những nỗ lực sau đó, Kiều Oanh cũng chỉ thu hẹp khoảng cách được một chút và sau cùng giành HCB với 142 điểm, kém Ranti 2 điểm.
Nhưng chẳng ai trách Kiều Oanh. Với một môn thể thao đòi hỏi sự chuẩn xác như bắn cung, tâm lý luôn là một cuộc đấu then chốt. Và khi đứng trước trọng trách “mở hàng” cho đoàn thể thao VN tại SEA Games, sức ép càng lớn hơn gấp bội. Bước vào ngày thi đấu 16-8, cung thủ Nguyễn Tiến Cương - người sở hữu bộ sưu tập HCV đồ sộ qua 6 lần tham dự SEA Games trước đây - là người được kỳ vọng nhiều nhất. Nhưng rồi anh cũng không trụ nổi trước sức ép và sớm thất bại ở tứ kết.
Trái lại, cô gái trẻ quê Trà Vinh Châu Kiều Oanh không được kỳ vọng nhiều bởi đây mới chỉ là kỳ SEA Games đầu tiên của cô. Có lẽ sự thoải mái trong tâm lý đã giúp Kiều Oanh tiến băng băng, luôn nằm trong tốp đầu của vòng loại, vòng 1/8 rồi tứ kết, bán kết, trước khi tiến vào chung kết. Và khi từng cung thủ của VN cứ bị loại dần, loại dần, sức ép với Kiều Oanh cũng càng lớn hơn.
“Sức ép là điều không thể tránh khỏi trong thể thao, đặc biệt là với bắn cung, chúng tôi cũng chỉ có thể giảm bớt cho VĐV bằng cách tránh nói nhiều với họ về mục tiêu, chỉ tiêu mà thôi. Oanh hơi căng thẳng trong loạt bắn đầu tiên, cũng khó trách em bởi đây mới là kỳ SEA Games đầu tiên” - HLV Cáp Mạnh Tân chia sẻ sau trận chung kết.
Mong mỏi một chiếc xe cuốc đất mới cho cha
Có lẽ cũng vì sức ép nên Kiều Oanh trông lại... thoải mái, tươi vui hơn sau trận chung kết dù cô chỉ giành HCB. Với cô gái con nhà nghèo này, chiếc HCB ấy là cột mốc đầu tiên trong giấc mơ đổi đời cho gia đình bằng nghiệp thể thao. Kiều Oanh cho biết việc mưu sinh của cả nhà nhiều năm qua chỉ trông vào mỗi chiếc xe cuốc đất của cha. “Từ nhỏ, mỗi lần trông thấy cha mình chật vật sửa xe, tôi đã mơ một ngày mua được chiếc xe cuốc đất mới hơn cho ông. Thật ra cha tôi cũng đủ khả năng mua xe mới nhưng đó là giấc mơ của tôi” - Kiều Oanh chia sẻ khi được hỏi về việc cô sẽ làm gì với tiền thưởng dành cho những huy chương giành được ở SEA Games 2017.
Cao 1,70m và sở hữu đôi vai chắc chắn, vì vậy dù chưa từng chơi thể thao khi còn nhỏ, Kiều Oanh lập tức được các HLV của Trà Vinh tuyển vào tập thử môn bắn cung năm 15 tuổi. Cô bén duyên với nghiệp cung thủ từ đó. Theo HLV Cáp Mạnh Tân, bắn cung là một môn thể thao đặc biệt đòi hỏi sự tráng kiện bởi lượng vận động rất đáng kể. Để kéo một cây cung 3 dây, lực vận ra là hơn 20kg, mỗi ngày một VĐV nữ như Kiều Oanh phải tập kéo đến 400-500 lần. Tính ra mỗi ngày cô phải vận đến cả vạn cân lực đạo. Chưa kể trong những điều kiện mưa gió khắc nghiệt vẫn phải tập luyện, sức trụ, lực cánh tay lại càng phải mạnh mẽ hơn.
Theo tuoitre
“Thật ra tôi cũng không bị sức ép nhiều quá, vì ở kỳ SEA Games đầu tiên chỉ cần được thi đấu là vui rồi. Tôi đến với bắn cung không phải chỉ vì tiền, tôi thực sự đam mê môn thể thao này” - Kiều Oanh nói.