Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 20/01/2015

Hai tranh sử Việt độc đáo

Đó là 2 bức tranh cẩn xà cừ Lịch sử Việt Nam và phiên bản mới của bức Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ của nhà sưu tầm Dương Đình Vinh (Huế).
 
Hai tranh sử Việt độc đáo - ảnh 1
Tranh Lịch sử Việt Nam - Ảnh: T.L
Hai tranh sử Việt độc đáo - ảnh 2
Cận cảnh vua Trần Nhân Tôn ngồi võng
Hai tranh sử Việt độc đáo - ảnh 3
Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ
Tái dựng hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông
 
 
Chưa rõ tác giả
Cho đến nay, chưa biết đích xác tác giả thật của bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ dù ở dòng chữ cuối tranh ký tên họa sĩ Trần Giám Như (Trung Quốc) vẽ vào năm 1363. Nhưng theo nhiều sử liệu mà tác giả Trần Quang Đức dẫn trong sách Ngàn năm áo mũ (trang 128 - 132) và cả giám định của Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc) thì tác giả không phải là Trần Giám Như mà rất có thể do một họa sĩ VN vẽ vào thế kỷ 14, và tác giả phải là người Việt mới rành rẽ cảnh sắc thiên nhiên vùng Tam Cốc, Bích Động (Ninh Bình) đến như vậy.
 

Nguyên bản Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ là một bức thư họa kết hợp (vẽ thủy mặc và viết chữ) mô tả đại cảnh Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông và đoàn tùy tùng gồm 21 người trở về kinh sư được vua Trần Anh Tông và đoàn hộ giá gồm 61 người nghênh đón trước khi Thái thượng hoàng lên núi Yên Tử tu tiếp.

Thái thượng hoàng và đoàn tùy tùng đều khoác áo tăng, trong đó có đạo sĩ người Trung Hoa Lâm Thời Vũ (đội mũ vàng, cưỡi trâu) và 5 tăng nhân có hình dáng cùng y phục có vẻ là người xứ Tây Trúc (Ấn Độ). Toàn bộ 82 nhân vật trong tranh (vua cha, vua con, các quan văn võ, binh lính, chư tăng...) đều được vẽ một cách tỉ mỉ, mỗi người một vẻ rất sinh động (không vì là nhân vật phụ mà vẽ cho có). Đặc biệt, Phật hoàng Trần Nhân Tông và vua Trần Anh Tông đã được thể hiện với thần thái của bậc thánh nhân, đấng quân vương; có hạc dẫn đường, có voi trắng chở kinh giữa cảnh núi non trùng điệp, dòng sông lau lách, khóm trúc gốc tùng...
Tranh được các danh sĩ đời Minh viết thêm lời bình dẫn, tôn vinh (trong đó có một vị quan gốc Việt tên Trần Quang Chỉ làm quan cho nhà Minh). Thư pháp đặc sắc hợp cùng họa phẩm tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật thư - họa, được thực hiện theo lối thư quyển (cuộn giấy) có tổng chiều dài lên đến 9,61 m, trong đó 316 cm x 28 cm là phần tranh.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Tháng 8 năm 1294, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông thân chinh đánh Ai Lao lần thứ 2. Sau khi thắng trận trở về, Trần Nhân Tông xuất gia ở Vũ Lâm (thuộc Ninh Bình) nhưng vẫn can thiệp việc nước, dẫn dắt vua con...”. Điều này phù hợp với nội dung ghi trong bức tranh: “... mùa hạ năm Ất Mùi (tức tháng 6 năm 1295), Thái thượng hoàng trở về kinh sư...”. Như vậy, tính đến năm nay thì sự kiện Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn vừa tròn 720 năm.
Phải bố cục lại tranh
Ông Vinh kể rằng từ khi nhà đấu giá Bảo Lợi (Trung Quốc) bán đấu giá một bản sao của bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ với giá 1,8 triệu USD vào tháng 4.2012 (tranh gốc đang được lưu giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh, Trung Quốc), thì nhiều người trong nước, nhất là giới sưu tập tranh, đồ cổ đã rất chú ý đến bức tranh này.
Ông đã lên mạng tìm kiếm ảnh về bức Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ (Trúc Lâm đại sĩ rời núi - NV), khi có được bản chụp đẹp, rõ, ông Vinh đã cùng với họa sĩ Lại Thanh Dũng và các nghệ nhân xứ Huế thực hiện làm mới lại bức tranh nổi tiếng này.
Họa sĩ Lâm Thanh Dũng cho biết: “Tranh gốc của Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ khá dài (hơn 3 m), rất khó để đưa vào trang trí nội thất trong không gian nhà rường Huế, theo yêu cầu của bác Vinh... Vì thế, tôi đã bố cục lại bức tranh”. Họa sĩ kể thêm: “Thử qua nhiều phác thảo, cuối cùng tôi bố cục theo không gian ước lệ (phát triển bố cục theo chiều cao: sự vật ở gần tầm mắt thì nằm ở dưới, những thứ ở xa thì nằm ở phần cao của bức tranh và cứ thế cao dần...). Tuy nhiên, khi các nghệ nhân cẩn xà cừ thì tôi lại gặp khó khăn hơn. Xà cừ có tính chất ngũ sắc và phản quang cao nên dễ làm cho bố cục bị rối và không tạo ra được điểm nhấn của bức tranh. Tôi phải cắt giảm những chi tiết phức tạp cũng như phát triển toàn vẹn cảnh cây cối, sông nước, núi non... cho phù hợp với bố cục của mình”. Sau 3 tuần làm việc thì Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ (phiên bản cẩn xà cừ) có kích thước 60 cm x 80 cm đã được hoàn thành.
Còn với bức tranh Lịch sử Việt Nam thì họa sĩ Lâm Thanh Dũng thể hiện nó cũng từ tâm sự của bác Dương Đình Vinh: “Từ lâu, đời sống tinh thần, văn hóa nghệ thuật của người Việt đã bị ảnh hưởng phương Bắc. Ví dụ: sao không thờ cúng, tạc tượng Quang Trung mà lại tạc tượng, thờ cúng Quan Công của Trung Quốc? Hay những điển tích trong đồ cẩn chạm của không gian nhà rường Huế cũng có bóng dáng văn hóa Trung Quốc... Tôi nghe vậy cũng có hứng thú và muốn thể hiện những bức vẽ của mình. Bác Vinh có đưa cho tôi những bản sao chắp vá do nghệ nhân thể hiện, tôi đã xây dựng lại theo phong cách hội họa và ước lệ cho phù hợp với chất liệu cẩn xà cừ”.
Trong khi đó, tranh Lịch sử Việt Nam gồm 5 bức cẩn xà cừ thể hiện trên một mặt bàn (5 trong 1). Ở vị trí trung tâm là bức Hội nghị Diên Hồng. Bốn góc là các bức Đầu voi phất ngọn cờ vàng (Hai Bà Trưng), Cờ lau tập trận (Đinh Bộ Lĩnh), Ngồi đan sọt mà lo việc nước (Phạm Ngũ Lão), Thà làm quỷ nước Nam (Trần Bình Trọng). Các bức tranh này đều có thể dùng làm mẫu để vẽ riêng, hoàn chỉnh từng bức một. Các nghệ nhân cẩn xà cừ xứ Huế đã phối màu rất đẹp khiến 2 bức tranh nổi bật với những mảng màu đậm nhạt, lung linh..
Theo thanhnien
In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready