Bão tan, bà con các buôn Êđê, M’nông ở Yang Mao lại gượng dậy, nỗ lực sửa chữa, dựng lại nhà cửa, dọn dẹp đồ đạc, hối hả thu hoạch những gì còn sót lại và tranh thủ làm đất, trồng trỉa mong sớm ổn định cuộc sống.
Những đứa con của chị H'Ranh (buôn Tar) phải học tạm trong chuồng dê.
Những hộ bị sập nhà hoặc tốc mái đa số thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Để có chỗ ở, nhiều hộ phải vay nóng hoặc mua chịu vật liệu dựng lại nhà. Anh Y Thương Niê (buôn Ea Chố) có ngôi nhà sàn bị gió xô đổ, cuốn đi hơn 10 m. Cột gãy, tôn hỏng, ván nát nên anh phải làm lại căn nhà mới. Tận dụng những cây cột cũ còn sử dụng được, anh đã thuê thợ và nhờ người thân giúp dựng lại căn nhà tạm để ở. Anh Y Thương kể: “Cơn bão càn qua, ngôi nhà sàn mà bố mẹ giúp vợ chồng tôi xây dựng đổ sụp. Vợ tôi thì mới sinh con được một tháng. May mắn là trong nhà không có ai bị thương. Giờ không có điều kiện làm nhà mới nên phải tận dụng gỗ của căn nhà sàn làm lại căn nhà trệt để ở thôi”.
Khó khăn không kém là vợ chồng chị H’Ranh Niê (buôn Tar). Gia đình chị chỉ có mấy sào đất trồng sắn và ngô. Công việc không ổn định, 4 đứa con đang đi học nên vợ chồng chị cố gắng vừa làm rẫy, vừa làm thuê cũng chỉ đủ ăn. Bão đi qua, cuốn theo mái tôn căn nhà được Nhà nước hỗ trợ xây dựng theo Chương trình 167, nay chỉ còn lại mấy bức tường. Chị phải mua tấm bạt che tạm để ngủ. Tài sản giá trị là mấy bộ quần áo, ít gạo, mì tôm của những tấm lòng từ thiện ủng hộ, phải để tạm ngoài chuồng dê; nơi đây cũng chính là chỗ ngồi học của mấy đứa con. Chị H’Ranh buồn bã: “Nhà có 2 con dê do Dự án giảm nghèo Tây Nguyên hỗ trợ và 4 con heo đều bị chết hết hôm bão; 6 sào ngô và lúa bị mất trắng, hơn 4 sào sắn trên đồi cũng bị đổ. Mấy hôm nay vợ chồng tôi cố gắng đi làm thuê lấy tiền mua lại sách vở cho con đi học và dành tiền mua vật liệu sửa lại nhà ở để ổn định cuộc sống”.
Cơn bão đầu tiên mà ông Y Biêng Byă (buôn Kiều) chứng kiến trong đời cũng làm tốc mái ngôi nhà sàn chắc chắn của gia đình ông. Bão tan, ông động viên con cháu trong nhà vay mượn mua gỗ, mua tôn tự sửa chữa nhà rồi tranh thủ ra ruộng rẫy dọn cây cối bị ngã đổ, cày bừa lại đất, gieo trỉa cho kịp thời vụ. Ngôi nhà bị bay mái tôn của anh Y Chốt Êban (buôn Kiều) cũng được anh em trong nhà hỗ trợ sửa chữa kịp thời để tranh thủ ra ruộng gặt những bông lúa còn sót lại sau trận bão. Anh tâm sự: “Nhà chỉ bị bay mái tôn nhưng điều, cà phê, cây ăn trái trong vườn và mấy sào ruộng bị ngập nước. Giờ sửa xong nhà phải tranh thủ thu hoạch số lúa còn sót lại. Lúa chưa chín nhưng không gặt sẽ bị lên mầm”.
Nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” đang dựng nhà cho chị H’Kliă (buôn Mghi).
Dù rất nỗ lực song vẫn có hàng chục gia đình khó khăn không thể tự khắc phục sửa chữa lại nhà cửa được. Lực lượng bộ đội, công an và hàng chục nhóm từ thiện phải giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả. Chị H’Kliă Niê (buôn Mghi) có nhà bị gió cuốn sập; nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” cùng 15 tình nguyện viên ở xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) đã mua vật liệu giúp gia đình chị dựng lại căn nhà bằng khung sắt, đóng tôn chắc chắn, mua thêm chăn, màn, chiếu tặng gia đình chị. Anh Nguyễn Duy Học, Trưởng nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” cho hay: “Nhóm cũng đã đóng tôn và sửa chữa 4 căn nhà khác bị tốc mái. Tổng số tiền hỗ trợ cho bà con đợt này là 52,4 triệu đồng. Hiện nay nhóm vẫn đang vận động để tiếp tục giúp đỡ bà con”.
Cùng với sự nỗ lực của người dân, nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân vẫn đang tiếp tục đến với Yang Mao để giúp bà con ổn định cuộc sống sau bão. Ông Trần Kim Phụng, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Mao cho biết: “Đến nay, các tổ chức, tập thể, cá nhân đã hỗ trợ người dân trên địa bàn bị thiệt hại do bão số 12 trị giá hơn 2 tỷ đồng. Địa phương cũng đã rà soát, tổng hợp, đề nghị cấp trên hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa, hoa màu. Đồng thời chỉ đạo bà con kịp thời sửa chữa nhà cửa, tích cực lao động, sản xuất để ổn định cuộc sống”.
Theo baodaklak